Quên ăn quên ngủ gây dựng vườn lan tiền tỷ trên cao nguyên Mộc Châu
Bà Khoa Thị Lời, tiểu khu Nhà nghỉ, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu (Sơn La) mê lan đến độ quên ăn, quên ngủ, có thời gian cứ có tiền là bà "nướng" vào hoa lan. Niềm đam mê đó đã thôi thúc bà sưu tầm, gây dựng lên vườn lan tiền tỷ trên cao nguyên Mộc Châu.
Vườn lan của bà Lời rộng chừng 1.000 m2, nằm gần ngã ba Quốc lộ 6, Mộc Châu – Hà Nội, thuận tiện cho khách đến tham quan, chọn mua cho mình những giò lan ưng ý nhất. Bên trong vườn, phía trái là giàn lan rừng với hàng nghìn giò lan các loại, được treo theo tầng, lớp, kéo dài cả trăm mét. Phía bên phải vườn là sự hiện diện của hơn 1.000 chậu địa lan, hồ điệp, vũ nữ... đang độ nở hoa, khoe sắc, được kê, đặt ngay ngắn, thẳng hàng, thẳng lối.
Vườn lan của bà Lời thu hút nhiều khách đến tham quan, chọn mua cho mình những giò lan mà mình yêu thích
Trao đổi với Dân việt, bà Lời cho biết: Vốn yêu thích nông nghiệp, nhất là đối với hoa lan, cây cảnh ngay từ hồi nhỏ, nhưng phải đến năm 2006, bà Lời mới có điều kiện chơi lan. Bà bắt đầu sưu tầm, chọn mua những giò lan rừng đẹp, quý hiếm của bà con người Mông, người Thái bán dong ngoài phố huyện. Bộ sưu tập lan rừng của bà mỗi ngày một nhiều hơn với các loài lan mà bà tâm đắc.
“Tôi từng công tác tại Công ty Bảo hiểm Bảo việt Sơn La, chi nhánh Mộc Châu làm công việc ở văn phòng, nhưng vì yêu thích lan rừng nên tôi tình nguyện xin đi cơ sở. Cứ sau mỗi chuyến công tác ở cơ sở về là vườn lan của tôi lại có thêm một vài giò lan rừng quý, hiếm. Có lần, vì vội đuổi theo để mua giò quế lan hương của anh nông dân người Mông mà tôi trật cả khớp chân...” – bà Lời nhớ lại.
Vườn lan tiền tỷ của bà Lời có 2 dòng chủ đạo là phong lan và địa lan
Ngồi bên cạnh vợ, ông Trần Huy Cường (chồng bà Lời) xuýt xoa: “Bà ấy mê lan đến độ thường xuyên quên cả việc nấu cơm cho chồng, con. Có bao tiền bà ấy cũng “nướng” cả vào lan. Có đêm trời mưa to, hai vợ chồng đang ngủ, bà ấy chồm dậy, chạy ra vườn chỉ để đem giò lan quý vào trong nhà. Hễ nghe nơi nào có lan quý là bà ấy phải đến xem cho bằng được...”.
Năm 2013, bà Lời bị ung thư vú. Phần vì không có tiền chữa bệnh, phần vì nghĩ mình không thể chăm sóc lan được nữa nên bà Lời đã bấm bụng bán hết vườn lan rộng chừng 80 m2, với gần 1000 giò lan rừng, trong đó có nhiều loài lan quý, hiếm như: quế lan hương, giáng hương tam bảo sắc, lan đuôi chồn, lan đuôi cáo...
Theo bà Lời, trước khi thu hoạch lan khoảng 3 tháng, bà bón ka li để tăng màu hoa cho đẹp
“Năm 2013 là năm đen đủi nhất của gia đình tôi. Tôi vừa khỏi bệnh thì lại đến lượt chồng tôi phải nằm viện vì bệnh ung thư gan. Tôi phải bán đất đai, nhà cửa, vay mượn thêm anh em bè bạn để lấy tiền chữa bệnh cho chồng tôi. Lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, tôi quyết định xin nghỉ việc, chuyển sang kinh doanh lan. Nhờ khoản thu nhập kha khá từ lan mà kinh tế gia đình tôi dần ổn định...” – bà Lời cho hay.
Sẵn có kinh nghiệm chăm sóc lan từ trước, năm 2014, bà Lời chuyển sang sưu tầm, nhân giống, kinh doanh lan chứ không chơi lan vì niềm đam mê đơn thuần như trước. Mảnh vườn rộng chừng 1.000 m2 mà bà rao bán không thành trước đó, giờ bạt ngàn màu xanh, sắc hoa rực rỡ của các loài phong lan, địa lan.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng phong lan, địa lan với Dân Việt, bà Lời cho hay: Sau khi mua về những giò lan nhỏ xíu của bà con người Mông, người Thái, tôi cắt hết các rễ già, rồi diệt khuẩn, khử trùng bằng nước vôi trong. Sau đó, tôi để giò lan vào chỗ dâm mát một thời gian nhất định rồi mới đưa ra nắng. Phong lan rừng không ưa nắng trực tiếp nên tôi làm hệ thống mái che bằng lưới đen, giúp lan sinh trưởng, phát triển tốt.
Vườn lan nhà bà Lời có hơn 60 loài lan rừng, trong đó có nhiều loài quý, hiếm như: hoàng thảo vôi, hạc vĩ Bắc, hoàng thảo kèn, phi điệp đột biến, trầm tím...
“Khâu chọn giá thể trồng lan rất quan trọng, quyết định đến sự sinh trưởng và phát triển của lan. Đối với dòng lan thân thòng như: phi điệp tím, long tu xuân, hoàng thảo vôi... tôi trồng trên giá thể gỗ lũa, mảng cây dớn. Còn với địa lan rừng trần mộng, địa lan sa to tôi lại sử dụng rễ cây tổ quạ làm giá thể trồng...” – bà Lời vui vẻ nói.
Theo bà Lời, để lan nở hoa đẹp, cần chú ý tới khâu chăm sóc, bón phân. Tùy từng giai đoạn phát triển của lan mà bà sử dụng phân chủng loại, liều lượng phân bón cho phù hợp. Đối với những loại lan vào thời kì rụng lá hay còn gọi là mùa nghỉ của lan, bà Lời ngừng hẳn việc tưới nước cho lan. Vào thời kì phát triển ngồng hoa, bà cho lan “ăn” phân nhiều lần...
Nhờ chăm sóc đũng kĩ thuật, vườn lan của bà Lời sinh trưởng, phát triển tốt, nở hoa đẹp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mỗi năm, bà Lời lãi trên dưới 300 triệu đồng từ bán lan cho khách.