Quản lý thị trường ở đâu cũng thấy “vấn đề”
Sáng 12.11, mở đầu phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã phải giải trình hàng loạt vấn đề nổi cộm: giải quyết hàng tồn kho, quản lý hàng giả, hàng kém chất lượng…
Đáng chú ý mỗi khi đại biểu đề cập tới bất cập nào của thị trường hàng hóa trong nước, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đều thừa nhận nguyên nhân quản lý nhà nước có vấn đề…
Quản lý, dự báo kém, hàng tồn kho nhiều
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), đưa ra hàng loạt số liệu về những mặt hàng tồn kho lớn như: 40 triệu m2 gạch ốp lát, 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 300.000 tấn thép, hàng chục triệu tấn xi măng và nhiều loại sản phẩm khác.
Đại đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau): Tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao đến mức không thể cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại cùng loại.
Theo đại biểu Hoàng, ngoài lý do lãi suất cao, thị trường chậm phát triển, sụt giảm còn có nhiều nguyên nhân do yếu kém trong khâu qui hoạch và cập nhật, dự báo tình hình để dư thừa sản phẩm ở mức cao.“ Tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao đến mức không thể cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại cùng loại. Có thể nói, chúng ta đã thua cuộc chơi ngay trên sân nhà” đại biểu nhận định. Từ đây, đại biểu nhấn mạnh trách nhiệm của Bộ trưởng Công thương trong vấn đề này như thế nào và đâu là giải pháp đột phá nhằm giải quyết những khó khăn cho DN do hàng tồn kho lớn như hiện nay?
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói lại nêu nguyên nội dung đã báo cáo tại phiên họp thảo luận kinh tế - xã hội 2012-2013 trước đó. Bộ trưởng khẳng định, với sự cố gắng của cộng đồng DN, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp của các địa phương tình hình giải quyết hàng tồn kho đã chuyển biến. “Nếu tính trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tại thời điểm 1/6/12 là 26% đến 1/10/2012 giảm xuống còn hơn 20%. Nếu so chỉ số này với chỉ số hàng tồn kho tại cùng thời điểm năm 2010 và 2011 rõ ràng đã thấp hơn” Bộ trưởng Hoàng cho biết.
Trước câu trả lời này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đãphải nhắc nhở Bộ trưởng Bộ Công Thương chú ý tới vấn đề mới, cần nói rõ về công tác quản lý, dự báo “Liệu có phải do chất lượng hàng hóa kém nên tồn kho chứ không phải chỉ vì nền kinh tế thế giới khó khăn” Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở. Sau góp ý này, Bộ trưởng Hoàng thừa nhận, những yếu kém, hạn chế trong công tác quản lý, dự báo. “Công tác dự báo của chúng ta còn có những hạn chế, yếu kém, trong này có vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có cảnh báo, khuyến cáo cho các DN nếu thấy tình hình có thể dẫn đến dư thừa sản phẩm…”.
Hàng kém chất lượng, viện tới ý thức người dân
Nạn hàng giả, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan trên thị trường gây bức xúc trong nhân dân cũng được nhiều đại biểu đề cập. Đặc biệt mặt hàng xăng dầu có chất lượng kém không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn ảnh hưởng tính mạng của người dân. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho biết cử tri cả nước đang rất bất an trước thực trạng này. Với vai trò quản lý công tác thị trường, trách nhiệm của Bộ Công thương như thế nào?
Bộ trưởng Hoàng thừa nhận hàng chất lượng kém lượng đúng là thực trạng không mới đã tồn tại trong thời gian dài nhưng các cơ quan chức năng vẫn còn còn nhiều việc chưa làm được. “ Vấn đề quản lý thị trường không chỉ có một mình lực lượng quản lý mà còn nhiều lực lượng khác cũng phối hợp vào cuộc tuy nhiên hiệu quả vẫn còn hạn chế.”, Bộ trưởng Hoàng nói.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
Chưa thuyết phục, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội)cho rằng thị trường hàng hóa bất ổn về chất lượng đã báo động, vì sao những nông sản nhiễm hóa chất độc hại, kém chất lượng của nước ngoài vẫn xâm nhập vào nội địa lưu thông tràn lan? Đại biểu cũng đặt câu hỏi: tới khi nào hàng hóa trong nước mới chiếm lĩnh thị trường trong nước?
Theo Bộ trưởng Hoàng, Chính phủ đã ban hành hàng loạt văn bản quy phạm, thông tư về kiểm soát chất lượng nhằm xây dựng “hàng rào kỹ thuật” để hạn chế nhập khẩu những mặt hàng kém chất lượng tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là bởi phần nhiều hàng kém chất lượng xâm nhập vào nước ta lại đi qua đường mòn biên giới trong khi đội ngũ quản lý lại vừa yếu và thiếu về phương tiện cũng như đội ngũ nên rất khó kiểm soát.
Trước tình trạng này, thái độ của người tiêu dùng hết sức quan trọng, nếu chúng ta kiên quyết nói không với hàng kém chất lượng cũng chính là đã góp sức cuộc chiến chống lại hàng gải, hàng kém chấ lượng, độc hại” Bộ trưởng Hoàng nói.
Tới đây, một lần nữa, đại biểu Hồng Hà đặt lại vấn đề:“Cử tri đã nghe quá nhiều lời khuyến cáo của cơ quan chuyên môn tuy nhiên người tiêu dùng không thể có điều kiện phân tích, phân biệt đâu là hàng tốt, đâu là hàng kém. Chính vì thế họ mong muốn cơ quan thẩm quyền công bố khẳng định loại hàng nào được sử dụng, hàng nào không nên, thậm chí còn phải chỉ đích danh, địa chỉ phân phối”, đại biểu kiến nghị. Tiếp thu kiến nghị này, Bộ trưởng Hoàng cho biết tới đây sẽ nghiên cứu biện thông báo công khai những sản phẩm không đạt yêu cầu.
Cụ thể hơn, theo đại biểu Đồng Vũ Mạo (Thừa Thiên Huế) tại thị trường trong nước, 3 mặt hàng có vấn đề về chất lượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân rõ nhất là: mũ bảo hiểm, xăng dầu và phân bón thuốc trừ sâu.“Liệu giờ này sang năm Bộ trưởng có thể khẳng định trước Quốc hội có thể chặn đứng tình trạng kém chất lượng của 3 mặt hàng này?”.
Trước yêu cầu này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ khẳng định đang thực hiện hàng loạt biện pháp thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm chấn chỉnh lại tình hình trong thời gian sớm nhất. Riêng về kiểm soát mặt hàng xăng dầu, Bộ trưởng Hoàng cho biết hiện có tới 70% lượng xăng dầu nhập khẩu đều thông qua kiểm nghiệm chặt chẽ. Tuy nhiên khi vào trong nước cơ quan chức năng lại phát hiện hành vi gian lận pha trộn bất hợp pháp. “ Hiện nay chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên sắp tới Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét lại mức xử phạt hành chính trong tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng”, Bộ trưởng Hoàng nói.