Ôm nợ vì giống bí Trung Quốc

Gần 200 hộ dân ở các huyện Ea Kar, Krông Bông (Đăk Lăk) đang phải đối diện với cảnh nợ nần vì tin vào lời quảng cáo, đổ xô trồng bí có xuất xứ từ Trung Quốc.

Năng suất thấp hơn 20 lần so với quảng cáo

Cuối năm 2012, tin lời quảng cáo của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Cư Puôr (trụ sở đóng tại huyện Ea Kar- Đăk Lăk) gần 150 hộ dân tại các xã Hòa Lễ, Hòa Tân (huyện Krông Bông, Đăk Lăk) cùng hàng chục hộ dân khác ở Ea Kar đã đổ xô trồng giống bí "lạ".

Ôm nợ vì giống bí Trung Quốc - 1

Hàng trăm nông dân phải ôm nợ vì giống bí "lạ" cho trái quá nhỏ và năng suất rất thấp.

Theo hạch toán từ…quảng cáo, mỗi sào bí "lạ", trừ chi phí, nông dân thu lãi chừng 10 triệu đồng. "Theo quảng cáo, giống bí này cho năng suất đến 5 tấn/sào, thế nhưng thực tế chỉ đạt được 250kg/sào. Không chỉ thế trái bí rất nhỏ nên khó bán. Trong khi tiền giống cho mỗi sào mất gần 1 triệu đồng thì chúng tôi chỉ thu về được 825.000 đồng/sào.

Tính ra, mỗi sào bí nông dân chúng tôi phải bù thêm chừng 3- 4 triệu đồng phân bón, công cán…"- anh Lương Hạnh, xã Hòa Tân, một nông dân tham gia trồng giống bí "lạ" này, cho biết. "Nghe giống bí mới, năng suất cao, tôi đã đầu tư trồng đến 3ha. Vất vả suốt ngày ngoài đồng, ngờ đâu bí ra trái đến đâu rụng đến đó. Trái nào đậu được thì lại không đủ trọng lượng như hợp đồng thu mua nên tôi bán không được.

Theo ông Nguyễn Huy Phát - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk, khi đưa giống bí này về địa phương, HXT Nông nghiệp Cư Puôr đã không báo cáo với cơ quan kiểm dịch.

Giờ gia đình nợ cả trăm triệu đồng tiền đầu tư chẳng biết lấy đâu ra trả"- anh Bùi Xuân Ngọc ở thôn 11, xã Hòa Lễ, than thở. Cùng nỗi khổ như anh Hạnh, anh Ngọc, hàng trăm hộ dân khác cũng đang "bí" vì bí "lạ". Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong vụ vừa qua tại các huyện Ea Kar và Krông Bông đã có đến hơn 50ha bí "lạ" (trong đó tại Krông Bông có hơn 48ha). Nếu chỉ tính mỗi sào lỗ 3 triệu đồng thì nông dân đang "ôm" hơn 1,5 tỷ đồng tiền nợ.

Cơ quan chức năng chủ quan

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn gốc giống bí "lạ" nói trên được một công ty ở tỉnh Hải Dương cung cấp thông qua một hợp đồng với HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Cư Puôr (gọi tắt là HTX- huyện Ea Kar). Trên bao bì giống bí này, ngoài chữ Trung Quốc tuyệt nhiên không có một loại chữ gì khác.

Theo ông Trương Đức Thìn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tân, khi đến làm việc với xã, HTX đã đến Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện xin ý kiến. Cụ thể là trong giấy giới thiệu của họ có ý kiến của lãnh đạo phòng này, đề nghị các xã tạo điều kiện. Vì thế xã mới tin tưởng triển khai cho nông dân đăng ký trồng.

Giải thích việc này, ông Phạm Phú Thiên - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông cho biết: "Khi họ đến xin ý kiến, chúng tôi nghĩ đây chỉ là giống bí đỏ bình thường nên đã đồng ý mà không kiểm tra cụ thể nguồn gốc giống bí".

Về phía HTX, trong tờ trình gửi huyện Krông Bông, ông Vương Hô Tân- Phó Chủ nhiệm, HTX cho rằng sở dĩ bí không đạt năng suất do người dân không chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, với năng suất chỉ đạt 1/20 so với lời quảng bá ban đầu của HTX thì giải thích của ông Tân bị nhiều người cho rằng đó chỉ là một cách để ngụy biện.

Được biết, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk đã yêu cầu HTX Nông nghiệp Cư Puôr cung cấp các giấy tờ liên quan đến việc nhập giống bí này. Tuy nhiên, đến nay HTX Nông nghiệp Cư Puôr vẫn chưa cung cấp được. Theo ông Tân, HTX đã nhiều lần liên hệ với phía Công ty yêu cầu cung cấp các giấy tờ nhưng chưa thấy họ trả lời. "Chúng tôi đã cử người ra Công ty làm việc, và nghe đâu giấy tờ đã bị thất lạc nên đang chờ tìm kiếm…" - ông Tân nói. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Hậu (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN