Nóng tuần qua: Các hãng ô tô bất ngờ giảm giá mạnh, có mẫu giảm tới 300 triệu đồng
Để kích cầu mua sắm, ngay đầu tháng 4, nhiều hãng xe và đại lý tiếp tục tung ra các chương trình khuyến mại với mức chiết khấu từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng.
Loạt ô tô giảm giá mạnh, có mẫu giảm tới hơn 300 triệu đồng
Theo đó, ngay từ đầu tháng 4, Nissan thông báo tiếp tục tặng 100% phí trước bạ dành cho khách mua Nissan Navara và Nissan Almera. Tương đương số tiền khách hàng tiết kiệm được từ hơn 50-72 triệu đồng (tùy khu vực). Bên cạnh đó, từ đầu tháng 4, một số đại lý còn thông báo giảm tiền mặt đến 65 triệu đồng cho phiên bản bán tải Navara EL 2WD, và giảm 120 triệu đồng cho phiên bản Navara VL 4WD và Navara Pro-4X. Chính sách này áp dụng cho xe sản xuất 2022.
Mẫu Corolla Cross được hãng xe Nhật Bản áp dụng chính sách giảm giá thông qua ưu đãi lệ phí trước bạ
Ngoài Nissan, đầu tháng 4, một số mẫu xe Hyundai như Accent, Tucson, Creta, Stargazer, Hyundai SantaFe,… cũng có mức giảm mạnh áp dụng cho xe 2022 còn tồn kho.
Mẫu Hyundai SantaFe 2022 đang được áp dụng mức ưu đãi từ 100-160 triệu đồng.
Ở phân khúc ô tô cỡ nhỏ hạng A có giá bán thấp nhất thị trường, Hyundai Grand i10 cũng đang được các đại lý áp dụng chính sách giảm giá lên tới 30 - 40 triệu đồng cho một số phiên bản. Trong khi các xe Grand i10 đời 2023 được giảm từ 10 - 20 triệu đồng.
Honda City tiếp tục được hãng xe ưu đãi 100% phí trước bạ cho khách mua xe trong tháng 4. Mẫu Honda Accord cũng được giảm 140 triệu đồng.
Nhà phân phối xe Volkswagen tại Việt Nam cũng gia nhập cuộc đua giảm giá khi tung ra chính sách hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua các phiên bản Volkswagen T-Cross. Qua đó, giúp người mua xe tiết kiệm số tiền lên tới 132 triệu đồng tùy theo nơi đăng ký xe. Mẫu xe SUV - Teramont cũng được đại lý Volkswagen giảm giá lên tới 200 triệu đồng.
Xử lý nghiêm hãng hàng không bán vé vượt giá trần
Ông Phạm Văn Hảo - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết, đơn vị vừa yêu cầu các hãng hàng không tuân thủ quy định về giá dịch vụ vận chuyển trên các đường bay nội địa. Theo đó, hãng nào không làm đúng quy định sẽ bị xử lý.
Ông Hảo cho biết, các hãng bay Việt Nam phải thực hiện nghiêm việc niêm yết và công khai giá bán vé máy bay theo quy định trên các kênh phân phối. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của hành khách, đặc biệt khi dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và cao điểm hè 2023 cận kề.
Theo đó, các hãng hàng không cần đảm bảo triển khai bán vé theo đúng mức giá kê khai, không vượt giá trần quy định tại Thông tư 17/2019 của Bộ GTVT về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Cục Hàng không cũng khuyến cáo hành khách mua vé máy bay tại các đại lý ủy quyền, kênh phân phối chính thức. Hành khách có thể phản hồi thông tin về việc mua vé máy bay nội địa cao quá quy định tới đường dây nóng của các hãng bay.
TPHCM: Giá xe khách tăng cao nhất 40% dịp 30/4
Ngày 6/4, đại diện Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương và lễ 30/4 - 1/5 năm nay, người lao động được nghỉ 5 ngày liên tiếp (từ ngày 29/4 đến ngày 3/5). Do đó, nhu cầu đi lại của hành khách được dự báo sẽ tăng cao.
Tổng lượt hành khách qua Bến xe Miền Đông trong dịp nghỉ lễ được dự báo đạt gần 53.000 lượt. Trong đó, cao điểm là ngày 29/4 (thứ Bảy), lượng khách qua bến sẽ tăng cao, dự kiến có bến xe có thể đón hơn 17.200 lượt khách và ngày 30/4 (chủ nhật) sẽ đón khoảng 14.300 lượt khách.
Bến xe Miền Đông khuyến khích các đơn vị vận tải không điều chỉnh tăng giá cước trong thời gian phục vụ dịp Giỗ tổ Hùng Vương và lễ 30/4, 1/5. Trường hợp có kê khai điều chỉnh tăng giá cước để đảm bảo đủ chi phí khi quay đầu (không có khách chiều về), các đơn vị vận tải phải kê khai đúng quy định. Thời gian điều chỉnh tối đa là ba ngày từ 28/4 đến 30/4.
Khách mua vé ở bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức).
Trong đó, các tuyến thuộc tỉnh Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Yên, Bình Định có hành trình quốc lộ 13, quốc lộ 14 và các tuyến thuộc khu vực Tây Nguyên điều chỉnh tăng không quá 40% so với ngày thường. Các tuyến khu vực Bình Dương, Bình Phước điều chỉnh tăng giá không quá 20% so với ngày thường.
Trong khi đó, đại diện Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) cho biết, do tình hình thực hiện đón trả khách không đúng nơi quy định và xe hợp đồng trá hình, xe hoạt động sai hành trình vẫn tồn tại và không có dấu hiệu giảm đi nên trong dịp nghỉ lễ sắp tới, dự kiến hành khách và phương tiện hoạt động tại bến chỉ tăng nhẹ so với ngày thường và chủ yếu tập trung vào các tuyến đường ngắn (từ Đà Nẵng trở vào TPHCM).
Kết quả kiểm định lô sữa đậu nành Vinasoy bị Nhật thu hồi
Công ty Vinasoy cho hay vừa được Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia trả kết quả kiểm định mẫu lưu đối chứng của lô hàng sữa đậu nành Fami Canxi bị thu hồi tại TP Chiba - Nhật Bản. Theo đó, kết quả kiểm định cho thấy sản phẩm không nhiễm khuẩn Coliforms.
Nói về việc 25 thùng sữa đậu nành Fami Canxi bị thu hồi tại Chiba, Vinasoy nhận định việc nhiễm khuẩn Coliforms chỉ xảy ra đơn lẻ do tái nhiễm trong quá trình vận chuyển và lưu thông.
Theo Vinasoy, Coliforms là nhóm vi khuẩn hiện diện rộng rãi trong tự nhiên, dễ dàng bị tiêu diệt ở nhiệt độ 75°C. Vì thế, Coliforms không thể tồn tại khi qua các công đoạn khử hoạt tính enzyme (120°C/80 giây) và tiệt trùng UHT (nhiệt độ 137°C-140°C/ 4-10 giây) trong quy trình sản xuất sữa đậu nành của Vinasoy.
Trước đó, hôm 6-3, Công ty Next Trading ở Mihama - TP Chiba nhập khẩu 640 hộp sữa đậu nành Fami Calcium Soy Milk từ Việt Nam. Lô hàng gồm 15 thùng, mỗi thùng 36 hộp loại 200 ml và 10 thùng loại 10 hộp một lít.
Đến ngày 20-3, Trạm Kiểm dịch Osaka kiểm tra lô sữa trên. Một tuần sau, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thông báo lô sữa này dương tính với Coliform. Ngày 28-3, TP Chiba ra thông báo thu hồi và tiêu hủy lo sữa này.
Cám cảnh trại lợn tiền tỷ trống trơn, người nuôi ‘treo chuồng’
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chi phí khác đồng loạt vượt giá, trong khi giá lợn bán ra giảm, người chăn nuôi lợn ở Nghệ An nuôi cầm chừng, có hộ buộc phải “treo chuồng”.
Tại Nghệ An, nhiều hộ dân không còn mặn mà với việc nuôi lợn. Họ chấp nhận “treo chuồng” nhiều tháng nay. Ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thành - cho biết: “Toàn huyện có hơn 80.000 con lợn tập trung ở các xã Tân Thành, Kim Thành, Tiến Thành,... Thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi lợn, các chi phí khác đều tăng cao, trong khi giá lợn hơi, lợn giống giảm. Nghịch lý này đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người nuôi, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quy mô, tổng đàn, cơ cấu kinh tế. Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương có thế mạnh về chăn nuôi xây dựng hệ thống trang trại liên kết chuỗi nhằm ổn định đầu ra và cân bằng giá cả, rút ngắn các khâu trung gian”.
Nhiều gia đình quyết định 'treo chuồng' để cắt lỗ
Ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2022 tác động kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi đầu năm 2023, giá bán một số sản phẩm cũng vì thế mà giảm.
Ông Quỳnh khuyến cáo người dân nên tập trung công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn lợn để không bị thiệt hại kép do giá thấp và dịch bệnh bùng phát. Cải tiến, nâng cao chất lượng con giống để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Áp dụng các công thức phối trộn để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương (ngô, lúa, cám ngô, đậu tương, khô dầu lạc, cá ...) và các phụ phẩm (rau, củ) làm thức ăn chăn nuôi lợn nhằm giảm chi phí thức ăn công nghiệp, tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, toàn tỉnh có tổng đàn lợn đạt gần 960.000 con. Hiện toàn tỉnh có 970 trang trại chăn nuôi (theo quy mô của Luật Chăn nuôi). Trong đó, có 438 trang trại lợn bao gồm 24 trang trại quy mô lớn, 75 trang trại quy mô vừa và 339 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ.
Nếu nhìn lần đầu nhiều người sẽ nhầm đây là quả mít non.
Nguồn: [Link nguồn]