Nông dân miền Tây "khóc ròng" mùa dịch vì...mỗi ngày bỏ thối cả tấn rau quả
Nhiều vùng tại ĐBSCL, các loại trái cây chín đầy vườn, nông sản đầy rẫy nhưng không có thương lái đến mua.
Trái cây chờ rụng, hàng tấn mướp cắt bỏ mỗi ngày
Với sản lượng trên 10 tấn nhãn đang chín cây, anh Lê Thành Công (xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đang lo “sốt vó” vì nhiều ngày nay không có thương lái đến mua, trong khi khâu thu hoạch, vận chuyển lại khó khăn.
“Hiện có mướn người cắt cũng không biết bán cho ai”, anh Công than thở.
Ông Nguyễn Văn Phát, Giám đốc HTX nhãn Tích Phước, xã Tích Thiện nói rằng hiện sản lượng nhãn của các xã viên còn trên 40 tấn chờ thu hoạch. Vụ này nhãn cho năng suất khá, từ 2-3 tấn/công nhưng giá quá bèo, chỉ 8.000 - 9.000 đồng/kg, nhà vườn lỗ nặng vì chi phí cho nhãn Ido rất cao.
Chôm chôm chín đầy vườn, nhưng chẳng ai mua. Ảnh: Thiện Kim
“Nhãn chín để lâu sẽ bị phù đầu, trái nhạt, sượng. Tôi cũng có phản ánh đến lãnh đạo địa phương, nhờ ngành chức năng hỗ trợ tìm đầu ra, gỡ khó trong khâu lưu thông, chứ tình hình này kéo dài thì nông dân khổ lắm”, ông Phát nói.
Còn đối với cam, dù hiện đang có đầu ra ổn định, nhưng HTX Cam sành Khánh Nhân (huyện Tam Bình) cũng đang đối mặt tình trạng cam chín, rồi chuyển sang chờ… rụng do khó khăn thu hoạch và vận chuyển vì thiếu người làm công.
Bà Đỗ Thị Phương Khánh, Giám đốc HTX Cam sành Khánh Nhân cho hay, hiện HTX thu mua khoảng 500-600 tấn cam/ngày nhưng không có nhân công hái, vận chuyển.
Ở ấp Long Thạnh, xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, những ngày vừa qua tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Nông dân đã đến mùa thu hoạch mướp hương. Chỉ trên địa bàn xã này, hiện còn 20 tấn mướp, nhưng không ai đến mua, không biết cách nào để tiêu thụ.
Anh Nguyễn Kim Thôi, ở ấp Long Thạnh, người đang canh tác 17 công đất (1 công = 1000m2 ) trồng mướp, cho biết: “Cánh đồng mướp của anh đã đến mùa cho trái rộ, mỗi ngày thu hoạch khoảng 1 tấn trái, ngày thường bán với giá 8.000 đồng/kg. Nhưng thời gian này thương lái không đến mua, liên hệ cũng không được”.
Rẫy mướp tới ngày thu hoạch, chẳng ai mua thì đành cắt bỏ trái. Ảnh: Hồ Thảo
Anh Bùi Ngọc Na cũng cho biết: “Trước giãn cách, mỗi ngày thương lái đều đến cân mướp tại ruộng nhà anh, giá cả ổn định. Ít thì họ vận chuyển ra chợ xã, chợ huyện, bỏ mối lại cho bà con bán lẻ. Nhiều thì họ sỉ cho thương lái lớn, để vận chuyển lên TP. Cần Thơ, lên Sài Gòn tiêu thụ.
Nhưng hiện nay anh đã thử liên hệ thương lái, họ bảo không mua nữa do khó khăn trong việc vận chuyển, do tiểu thương quen biết các chợ truyền thống, đã ngừng bán cả tháng nay, họ mua không có đầu ra. Nông dân chúng tôi ở đây kinh tế khó khăn lắm, đa số “mượn đầu heo nấu cháo” (vay vốn, làm ăn - PV). Lâm vào tình cảnh này không biết làm sao?”.
Ngành chức năng tỉnh Hậu Giang cho biết, tính đến ngày 28/7, toàn tỉnh có trên 2.700 tấn nông sản còn tồn đọng trong dân do không có thương lái thu mua, hoặc thu mua cầm chừng. Trong đó, rau màu các loại tồn đọng 75,6 tấn, trái cây tồn đọng 470,7 tấn; thủy sản tồn đọng 2.060 tấn; sản phẩm chăn nuôi tồn đọng 94,5 tấn.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, dự kiến khả năng sản xuất nông sản trong tháng 8 là trên 262.000 tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh chỉ gần 21.000 tấn nông sản các loại...
Thương lái than khó
Anh Châu Văn Phương, vựa rau củ quả ở chợ Cái Răng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ cho biết, vựa muốn hoạt động phải có người làm công. Giờ ai cũng bị giãn cách, ai ở nhà nấy, rất khó. Quan trọng là nhiều chợ đóng cửa, mua về biết bán cho ai. Các siêu thị, chợ bình ổn đã có nguồn cung riêng.
“Khi có giãn cách xã hội, nhân công hái ở xã này qua xã khác không lọt được chốt kiểm soát. Chúng tôi cũng đã đăng ký luồng xanh đầu vào lẫn đầu ra, nhưng khó trong khâu thu hoạch, vận chuyển, lưu thông. Việc ảnh hưởng này là do tuân thủ nghiêm các biện pháp, quy định về phòng chống dịch”, bà Đỗ Thị Phương Khánh, Giám đốc HTX Cam sành Khánh Nhân cho biết.
Người vận chuyển nông sản nhỏ lẻ rất khó lọt qua các chốt này. Ảnh: Vũ Phong
Không chỉ riêng mặt hàng trái cây, nhiều loại nông sản khác như khoai lang, rau, củ các loại tại tỉnh Vĩnh Long hiện cũng đang vướng đầu ra và gặp khó trong khâu lưu thông, thu hoạch với sản lượng lên đến hàng chục nghìn tấn. Trong khi một số đơn vị đầu mối vận chuyển khó đăng ký “luồng xanh”, thì một số khác lại vướng khi qua trạm, chốt kiểm soát do mỗi nơi yêu cầu mỗi khác.
Như có chốt yêu cầu lái xe vận chuyển từ huyện này sang huyện khác trong tỉnh, ngoài test âm tính, giấy xác nhận của địa phương, còn phải có xác nhận của nơi đến, đóng dấu hẳn hoi. Trong khi các vựa trái cây thì không có con dấu.
Ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho biết, hiện nay việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh còn khó khăn. Cụ thể do một số chợ đầu mối ở TP.HCM và chợ truyền thống trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Các đoàn thể “giải cứu” phần nào
Ông Nguyễn Minh Trí, Phó bí thư Đoàn, xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ cho biết: “Thời gian qua xã có nắm được thông tin bà con đang gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ mướp. Chính quyền địa phương đã kêu gọi hỗ trợ nông dân tiêu thụ, cụ thể là kết nối với Hội LHTN xã, TP Cần Thơ tổ chức các hoạt động, hỗ trợ giải cứu nông sản cho bà con nông dân trong mùa dịch”.
Ông Phương Tấn Đạt, đại diện Hội LHTN TP Cần Thơ nói: “Hội LHTN TP đã thành lập chuyến xe Yêu thương đến tận nơi thu gom nông sản, đặc biệt hiện nay là mướp cho bà con ấp Long Thạnh. Số hàng này cung cấp lại cho các địa điểm phong tỏa, cơ sở từ thiện, giá hỗ trợ là 5.000 đồng/kg. Đây là chương trình kêu gọi Hỗ trợ giải cứu mướp bị thương lái bỏ lại tại Vĩnh Thạnh”.
Có công an kết hợp, việc vận chuyển sẽ dễ hơn nhưng sản lượng tiêu thụ được cũng không nhiều. Ảnh: Thiện Kim
UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã ban hành quyết định về việc thành lập Tổ hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản trong tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn. Nhiệm vụ tổ này là tăng cường cung ứng, kết nối hàng thiết yếu đến các tỉnh, thành phía Nam.
Ngày 4/8, anh Đặng Hải Đăng, Bí thư Đoàn Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long cho biết, đã phối hợp cùng Đoàn Công an tỉnh tạm ứng tiền, tổ chức đội đi thu mua, tiêu thụ nông sản giúp dân kể từ ngày 1/8.
“Lực lượng công an sẽ chịu trách nhiệm làm việc để xe qua chốt, kết nối cùng UBND các xã để đội tổ chức đưa phương tiện xuống thu mua nông sản tận nơi. Hiện giờ, nhiều hộ dân đến mùa thu hoạch nông sản nhưng bí đầu ra do khó khăn đi lại.
Trong khi thương lái mua rau củ quả các loại với giá rất bèo, chỉ 1.000-2.000 đồng/kg thì đội chúng tôi mua nông sản với giá gốc, từ 5.000-7.000 đồng/kg. Mỗi ngày trung bình mua 5 tấn để giúp dân tránh thua lỗ. Số nông sản này sẽ được phân phối lại cho các bếp ăn thiện nguyện, hỗ trợ tuyến đầu chống dịch”, anh Đăng cho hay.
Nông dân xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh có ngày phải cắt bỏ cả tấn mướp. Ảnh: Hồ Thảo
“Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, kết nối với Hội LHTN TP. Cần Thơ, cứ 3 ngày có 1 chuyến xe đến thu gom mướp với giá 4.000 đồng/kg. Nhưng mướp phải thu hoạch mỗi ngày, nếu để dồn trái bị già, hư, thối, ảnh hưởng làm chết thân cây. Vì vậy ngày nào không có xe thu gom cũng phải thu hoạch trái, không ai mua phải bóp bụng, bỏ ngoài đồng có ngày bỏ cả tấn, thấy mà xót.
1 năm tiền thuê đất phải trả mỗi công là 5 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải đầu tư, trụ, dây, lưới... để làm giàn, nợ tiền mua phân, mua thuốc... tính sơ thì vụ mùa này, cũng lỗ ít nhất 200 triệu đồng, không biết tiền đâu mà trả nợ”, 1 nông dân ở xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ ngao ngán.
Vĩnh Long công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin của cá nhân ông Trương Thành Dãnh - Giám đốc Sở NN&PTNT. Khi gặp khó khăn, trở ngại trong tiêu thụ và vận chuyển nông sản trên địa bàn người dân có thể gọi số 0817867868.
Sở NN&PTNTvà Sở Công thương Vĩnh Long cũng đã phối hợp, kết nối tiêu thụ hàng nông sản qua nhiều kênh tiêu thụ với các tỉnh miền Tây và các tỉnh, thành miền Đông và TP. HCM. Đồng thời kết nối qua hệ thống xúc tiến thương mại trên toàn quốc… Tuy nhiên đến thời điểm này, sản lượng tiêu thụ vẫn không đáng kể.
Nguồn: [Link nguồn]
Lực lượng chức năng tỉnh Lào Cao vừa tạm giữ hơn 2.000 sản phẩm kem nhuộm tóc nhập lập đang trên đường "tuồn"...