Nguy cơ mất thị trường tôm ở Nhật Bản

Thị trường nhập tôm lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản đang bị đe dọa, do nước này áp dụng tần suất kiểm tra 100% lô tôm Việt Nam với hàm lượng Ethoxyquin cho phép rất thấp. Trong nước chưa tìm ra chất thay thế loại chất này.

Rào cản Ethoxyquin

Ngày 31-8 cơ quan thẩm quyền Nhật Bản đã kiểm tra 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam, với hàm lượng Ethoxyquin cho phép chỉ 0,01 ppm.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), việc Nhật Bản quy định hàm lượng Ethoxyquin thấp như vậy là vô lý, vì đây là chất chống oxy hóa được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, và hầu hết quốc gia trên thế giới cho phép ở từ 75 -150 ppm.

Bà Trần Bích Nga, Phó Cục trưởng Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản - Nafiqad (Bộ NN&PTNT) cho biết, Ethoxyquin là chất chống oxy hóa tổng hợp được sử dụng để chống quá trình oxy hóa, chống mất màu. Hiện EU cho phép hàm lượng Ethoxyquin 150 ppm trong thức ăn chăn nuôi; không quy định mức tối đa Ethoxyquin trong thực phẩm nói chung và thủy sản nói riêng.

Mỹ cũng cho phép hàm lượng Ethoxyquin trong thức ăn chăn nuôi tối đa là 150 ppm; không có quy định đối với thủy sản.

Theo bà Nga, Nhật Bản quy định Ethoxyquin trong thức ăn cho tôm là tối đa 150 ppm, trong thực phẩm cá là 1ppm, không quy định cho giáp xác và chưa xác định được cho tôm và cua.

“Theo quy định của họ, nếu chưa xác định được mức dư lượng cụ thể cho 1 loại sản phẩm cụ thể thì họ sẽ dùng mức mặc định. Ở đây, mức mặc định cho tôm là 0,01 ppm”- bà Nga nói.

Theo Vasep, việc áp dụng biện pháp kiểm tra khắt khe trên của Nhật Bản với Ethoxyquin, đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thế hoàn toàn bị động và không dám xuất hàng sang thị trường này, vì rủi ro rất lớn.

Nguy cơ mất thị trường tôm ở Nhật Bản - 1
Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đang giảm sút vì chất Ethoxyquin.

Trong khi đó, từ đầu năm đến giữa tháng 8, xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD, trong đó thị trường Nhật Bản lớn nhất chiếm gần 27%, Mỹ chiếm gần 21%, EU 14%... Tuy nhiên, nửa đầu tháng 8, giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật đã giảm 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức giảm lớn nhất từ trước đến nay.

Khó tìm chất thay thế


Lo ngại trước nguy cơ mất thị trường tôm ở Nhật Bản, Vasep đề nghị Tổng cục Thủy sản sớm đưa giải pháp và kiến nghị Bộ NN&PTNT đưa ra quy định về hàm lượng tối đa cho phép chất Ethoxyquin trong thức ăn nuôi tôm ở mức 0,5ppm (thay vì mức 150ppm như đang kiểm soát).

Theo Vasep, đây là ngưỡng tối đa trong thức ăn đã được một số đơn vị nghiên cứu, có thể giảm hoặc không phát hiện được chất Ethoxyquin trong thành phẩm tôm.

Tuy nhiên, bà Trần Bích Nga, Phó Cục trưởng Nafiqad cho rằng, quy định của Nhật Bản đều cho phép 100-150 ppm thì không lý gì ta đưa ra mức 0,5ppm. “Mức này trong tồn dư thực phẩm thì chấp nhận được nhưng trong thủy sản thì khó thực hiện vì không phù hợp thông lệ quốc tế” - bà Nga nói.

Theo ông Trương Đình Hòe – TTK Vasep, để tránh xuất tôm dính Ethoxyquin, các doanh nghiệp hạn chế dùng thức ăn Ethoxyquin.

Trước thu hoạch tôm một tuần đến 10 ngày, có thể thay đổi thức ăn, hoặc cho tôm ăn loại thức ăn không có Ethoxyquin, xuất khẩu sẽ an toàn hơn.

Ông Bùi Đức Quý, Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, hiện có hai chất có chức năng tương tự Ethoxyquin là BHA (Butylated Hydroxyl Anisole) và BHT (Butylated Hydroxyl Toluence).

“Hai chất này đều có trong một số mẫu thức ăn và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản. Theo các nhà sản xuất thức ăn thủy sản nước ngoài, chúng có thể dùng thay thế Ethoxyquin để chống oxy hóa, tuy nhiên do giá đắt, nên sẽ đẩy giá thức ăn chăn nuôi cao lên. Còn việc có thể thay thế được hay không ở Việt Nam, cần phải nghiên cứu, khảo nghiệm mới kết luận được. Chúng tôi đang xây dựng đề tài”- ông Quý nói.

Trung tâm này đang chuẩn bị làm thử nghiệm, trước mắt để đưa ra quy trình sử thức ăn phù hợp cho người nuôi. Dự kiến đến ngày 30-10 sẽ có kết quả thử nghiệm trên. 


Theo Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định nuôi trồng thủy sản, qua phân tích 41 mẫu thức ăn thủy sản và 24 mẫu nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản (dầu gan mực, bột cá và dầu cá) cho thấy: Có 31/41 mẫu thức ăn thủy sản chứa Ethoxyquin, trong đó thức ăn nuôi tôm có 23/27 mẫu, với hàm lượng từ 1- 64 ppm; 10/24 mẫu nguyên liệu thức ăn thủy sản chứa Ethoxyquin với hàm lượng từ 3-41 ppm; 19 mẫu chứa BHT với hàm lượng từ 4-61 ppm và 9 mẫu chứa BHA với hàm lượng từ 3-12 ppm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh - Báo Tiền Phong
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN