Ngành dệt may: vượt 'rào' sang EU

Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đang phải đối phó với nhiều thách thức từ giá cả đến sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của khách hàng. Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp dệt may của Việt Nam rất khó ký được những hợp đồng xuất khẩu vào châu Âu.

Vượt rào cản

9 tháng qua, xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường EU chỉ đạt 1,81 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ. Với sự sụt giảm này, thị trường EU đang nhường ngôi vị nhập khẩu hàng dệt may thứ 2 của Việt Nam cho thị trường Nhật Bản.

Lý giải cho hiện tượng này, các DN dệt may đều cho rằng khủng hoảng kinh tế châu Âu đang tác động rõ rệt đến doanh số bán hàng tại một số thị trường trọng điểm như Đức, Hà Lan hay Italia. Không những thế, thị trường này còn đưa ra những yêu cầu khắt khe, phải đa dạng về mẫu mã sản phẩm, chất lượng đảm bảo mà không tăng về giá thành.

Ông Lê Tiến Trường – PTG Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, trong suy giảm của Châu Âu, may mắn cho các doanh nghiệp Việt Nam không ‘dính’ phải khách hàng ở những thị trường nhạy cảm, những thị trường có đổ vỡ tài chính, như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ailen. Vì thế, Ngành dệt may Việt Nam vẫn duy trì được kim ngạch ở các nước chính.

Cũng theo ông Trường, nếu tỷ trọng xuất khẩu vào Tây Ban Nha mà lớn thì chắc chắn năm nay thị trường châu Âu sẽ giảm mạnh, thậm chí còn nguy hiểm về tài chính và thanh toán. 

Tuy nhiên, đại diện một số doanh nghiệp Dệt may cho rằng, một khó khăn không nhỏ hiện nay nằm ở chỗ, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn đang phải xuất khẩu qua khâu trung gian để đến với thị trường EU. Đây là nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu dệt may có thể duy trì, song lợi nhuận giảm đi đáng kể.

Ngành dệt may: vượt 'rào' sang EU - 1

9 tháng qua, xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường EU chỉ đạt 1,81 tỷ USD.

Phải có chiến lược bài bản

Theo quan điểm của lãnh đạo Hiệp hội dệt may VN (Vitas), khó khăn này xuất phát từ các kênh tiêu thụ sản phẩm dệt may của doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế các đơn vị xuất khẩu này chưa xây dựng được thương hiệu mạnh để có thể xuất khẩu trực tiếp vào EU. Chính vì thế mà để có được sản phẩm thâm nhập vào thị trường Châu Âu, các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng gấp 2 lần những yêu cầu mẫu mã, chất lượng và giá thành so với mức thông thường.

Vì vậy, theo Hiệp hội dệt may VN, điều quan trọng nhất lúc này là các doanh nghiệp xuất khẩu cần thay đổi phương thức tiếp cận thị trường đặc biệt là các kênh phân phối.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, hiện nay, Eu là nơi cộng đồng người Việt sinh sống khá đông, Việt Nam có thể tranh thủ để thực hiện các hoạt động quảng bá, cũng như phát triển các kênh phân phối, chuỗi phân phối thực sự của Việt Nam đặt ở EU. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần có sự tỉnh táo trong vấn đề đánh giá cũng như có giải pháp chủ động đồng thời khai thác cơ hội.

Theo hiệp hội dệt may Việt Nam, ngành dệt may cần có chiến lược quảng cáo bài bản trên những website thời trang uy tín, tận dụng mọi cơ hội xúc tiến thương mại là những giải pháp đang được Hiệp hội Dệt may VN khuyến khích các DN. Ngoài ra, việc khai thác tốt lợi thế từ Hiệp định Đối tác và Hợp tác (PCA) giữa Việt Nam và EU và tận dụng kênh phân phối là doanh nghiệp Việt nam ở nước ngoài được coi là liều thuốc tăng lực tốt cho các nhà xuất khẩu.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Chi ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN