Mất hàng trăm tỷ vì than tồn kho

Chỉ một doanh nghiệp, với lượng than tồn kho 6 tháng đầu năm khoảng 300 ngàn tấn, đã mất khoảng 300 tỷ đồng (chi phí phát sinh và do chất lượng than giảm).

Trong khi cả Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) hiện lượng than tồn kho tới 8 đến 9 triệu tấn.

Không thể dừng sản xuất

Ông Phạm Văn Tứ - Phó tổng giám đốc Cty Than Uông Bí (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh) cho biết, doanh thu 6 tháng đầu năm chỉ đạt 43%, giảm 1.500 tỷ đồng.

Theo ông Tứ, khó khăn lớn nhất của công ty hiện nay là lượng than tồn kho quá lớn, trong khi kho chứa thì có hạn.

“Hiện, than tồn kho của công ty đã tăng lên 250 nghìn tấn. Nếu tiếp tục tồn kho, sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ như gây ô nhiễm môi trường, tăng chi phí quản lý và lo ngại nhất là càng tồn kho lâu, chất lượng than càng kém” - ông Tứ cho biết.

Ông Trịnh Xuân Thoả - Phó giám đốc Cty cổ phần than Vàng Danh cũng bày tỏ lo lắng trước việc than tồn đọng lớn khiến gia tăng chi phí không cần thiết. Hiện, than của công ty đang tồn kho khoảng 300 nghìn tấn, than chất cao thành núi.

“Vì than tồn kho lớn nên công ty mất thêm 300 tỷ đồng chi cho việc bảo quản và do chất lượng than giảm. Vì khai thác hầm lò nên không thể dừng sản xuất, nhưng nếu đầu ra tiếp tục khó khăn thì sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của công ty” - ông Thoả nói.

Tồn đọng than không chỉ xảy ra ở các công ty khai thác hầm lò mà tại các công ty khai thác lộ thiên cũng rất lớn.

Ông Lê Văn Giáp - Phó giám đốc Cty cổ phần than Cọc Sáu (thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh) cho biết, vì tiêu thụ khó khăn nên trong 6 tháng đầu năm, than của công ty bị tồn tới 600 nghìn tấn. Tình trạng than tồn kho cũng đang xảy ra tại một số công ty khác như Cao Sơn, Khe Chàm...

Mất hàng trăm tỷ vì than tồn kho - 1

Chuyển than lên tàu xuất khẩu tại Cty kho vận Cẩm Phả

Bán chịu than cho hộ tiêu thụ lớn

Làm việc với PV, ông Bùi Văn Khích - Phó Tổng giám đốc Vinacomin cho biết, chưa năm nào, việc tiêu thụ than lại khó khăn như năm nay.

Vì ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nên việc tiêu thụ than gặp khó, hiện toàn tập đoàn tồn kho từ 8 - 9 triệu tấn. Theo mục tiêu đề ra, trong nước, sẽ tiêu thụ 32 triệu tấn, nhưng đến nay chỉ mới bán được 28 đến 29 triệu tấn, giảm 3 đến 4 triệu tấn.

Tất cả các hộ tiêu thụ than lớn như điện, giấy, đạm, xi măng nhu cầu tiêu thụ than đều giảm và hiện đang nợ ngành tới hơn 4.500 tỷ đồng.

Trong khi đó, cũng theo ông Khích, việc xuất khẩu than đang giảm mạnh, nhất là thị trường Trung Quốc. Mục tiêu đề ra là sẽ xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn than, nhưng vì bán trong nước gặp khó nên Chính phủ đã đồng ý cho ngành than tăng xuất khẩu lên khoảng 15,5 triệu tấn.

“Với tình hình than tồn kho như hiện nay và khó khăn trong khâu tiêu thụ, doanh thu của Vinacomin sẽ giảm khoảng từ 2.000- 3.000 tỷ đồng” - ông Khích cho biết.

Theo ông Khích, để tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các công ty thành viên, Vinacomin đã tiến hành giãn nợ và tiếp tục bán chịu than cho các hộ tiêu thụ số lượng lớn.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng than, mở rộng thị trường xuất khẩu đối với loại than cám, tiết giảm chi phí sản xuất (dự kiến giảm khoảng 990 tỷ đồng).

Đồng thời, Vinacomin cũng tập trung tái cơ cấu lại các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình như giảm tham gia vốn góp với các công ty liên kết không liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh than; tập trung vốn cho các dự án, chương trình tạo ra sản phẩm nhanh, trọng điểm như các dự án khai thác than hầm lò; tăng cường công tác quản lý tài nguyên, môi trường và chống tái diễn nguy cơ khai thác than trái phép.

Dự kiến, trong năm 2012, các đơn vị trực thuộc Vinacomin khai thác khoảng 44,5 triệu tấn than, trong đó than phục vụ cho sản xuất trong nước khoảng 31 triệu tấn, còn lại là xuất khẩu. Trước tình hình khó khăn hiện nay, dự kiến lượng than tiêu thụ năm nay sẽ thấp hơn từ 2-3 triệu tấn so với kế hoạch đặt ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Cầm (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN