Ma trận thực phẩm chức năng: Đủ chiêu dọa khách hàng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Nhiều thanh niên tuổi 18-20 không bằng cấp, chuyên môn về ngành y dược, trở thành những dược sĩ, bác sĩ “rởm”, lừa lọc người bệnh. Các công ty thực phẩm chức năng (TPCN) bất chấp đạo đức kinh doanh, sử dụng đủ chiêu trò gian dối để bán hàng, đẩy người dân vào vòng xoáy rủi ro, nguy hiểm về sức khỏe.

“Tiêm” vào đầu khách hàng nỗi sợ hãi

Thông tư số 43/2014/TT-BYT đã quy định rõ TPCN (gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học và dùng cho chế độ ăn đặc biệt) không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Các sản phẩm này chỉ dùng để hỗ trợ chức năng nào đó cho cơ thể, giảm nguy cơ bệnh tật. Thế nhưng, trên thị trường vẫn đầy rẫy những đơn vị kinh doanh TPCN dùng đủ chiêu trò rê dắt người dân nhầm tưởng đây là “thần dược” hay thuốc chữa bách bệnh.

Để tìm hiểu về thế giới TPCN, phóng viên Tiền Phong đã nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí nhân viên tư vấn của Cty TNHH thương mại quốc tế Phamaco. Tuy đăng tuyển ồ ạt, nhưng hồ sơ của phóng viên bị kiểm duyệt rất kỹ mới lọt được vào.

Phỏng vấn tôi là Vũ Kim Hưng sinh năm 1997, một thanh niên vạm vỡ cao chừng 1m7, hình xăm đen kịt chiếm phân nửa ở bắp tay phải. Hưng đang là quản lý của một nhóm tại công ty. Hưng cho biết, chưa có nghề tư vấn nào có thể thu nhập khủng như tư vấn TPCN, ít cũng từ 10-20 triệu đồng/tháng, chưa kể thưởng thêm doanh số.

Sau cuộc phỏng vấn thành công, 8h sáng hôm sau, tôi có mặt và sẵn sàng để được đào tạo trở thành một “bác sĩ”. Nhiệm vụ trong ngày đầu tiên của tôi là tìm hiểu về các bệnh lý liên quan đến dạ dày. Tất cả thông tin này, Hưng giao tôi tự tìm hiểu trên mạng, kèm theo vô số “giáo trình” tư vấn, chăm sóc và cách đối phó với mọi câu hỏi của khách hàng đã được lên đề cương sẵn.

Để trở thành một “bác sĩ” chuyên nghiệp, tôi còn được hướng dẫn lập một nick Zalo ảo, lên Facebook chọn một người bạn trung tuổi thường xuyên đăng ảnh, sau đó chỉ cần tải về và đăng thường xuyên. “Phải làm sao để khách hàng thấy được mình là chuyên gia thực sự. Cái gì không biết, mình phải để máy tính trước mặt để tra cứu google ngay, phải cho khách hàng thấy dùng sản phẩm của công ty là tốt nhất, còn mấy thứ thuốc Tây uống không đáng kể”, Hưng dạy những nhân viên mới. Hễ gặp khách nào, sau vài câu hỏi đơn giản, Hưng đều bắt ra ngay bệnh viêm loét dạ dày cấp mãn tính rồi kê đơn bằng liệu trình cơ bản có giá 1.580.000 đồng.

Tại văn phòng có hơn 200 người, phần lớn là những sinh viên mặt còn non choẹt, chưa qua một ngày đào tạo về y, dược, nhưng tất cả đều sẵn sàng tự xưng mình tuổi đời từ 35-40 và gắn mác là chuyên gia đến từ trung tâm này, trung tâm kia. Thậm chí, các sinh viên sẵn sàng xưng hô anh, chị với những người trên 40 tuổi.

Đáng chú ý, những nhân viên mới khi bước chân vào nghề tư vấn TPCN đều được dạy thủ thuật: “Tiêm” vào đầu khách hàng những nỗi sợ. Nếu bệnh nhẹ phải tô hươu vẽ vượn để khách thấy nặng hơn. Thậm chí, trong trường hợp nặng chưa đủ, nhân viên có thể dọa để khách hàng lo lắng, bất an mà xuống tiền mua sản phẩm.

“Đối với những khách hàng đang cân nhắc, mình phải nói: Trung tâm vừa lọc ra được 10 hồ sơ có tình trạng dạ dày loét nặng nguy hiểm, nếu không điều trị sớm sẽ có nguy cơ bị thủng. Anh là trường hợp đầu tiên nên tôi, chuyên gia trung tâm Yakumi Nhật Bản trực tiếp gọi lại hỗ trợ”, Hưng hướng dẫn chúng tôi chiêu trò.

Ðịa chỉ ảo, né trách nhiệm

Không chỉ sản phẩm Yakumi, tại Cty TNHH Thương mại quốc tế Phamaco, một sản phẩm chủ lực khác bán rất mạnh là sản phẩm hỗ trợ sinh lý nam GenX. Sản phẩm này được Cty TNHH Thương mại quốc tế Phamaco quảng cáo là “thần dược”, có tác dụng ngay lập tức chỉ trong vòng 24h. Tuy nhiên, theo giấy đăng ký công bố sản phẩm và thực tế trên thị trường, GenX còn có các dòng sản phẩm khác như GenX Gold, GenX Plus, GenX Silver do các công ty như Cty Cổ phần công nghệ cao GOB quốc tế và Cty TNHH Dược phẩm Narphaco,… phân phối. Thoạt nhìn, người tiêu dùng chỉ quan tâm tên sản phẩm, mà không để ý đến mối quan hệ giữa các công ty. Đi sâu vào tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy việc xây dựng thành một hệ thống phân phối nhằng nhịt là để các công ty đổ vấy trách nhiệm khi người tiêu dùng có khiếu nại, và qua mặt cơ quan chức năng trong việc xin giấy đăng ký công bố sản phẩm.

Theo giấy đăng ký kinh doanh, Cty TNHH Thương mại quốc tế Phamaco do Nguyễn Đình Dương (sinh năm 1992, quê ở Hải Phòng) đứng tên làm đại diện pháp luật. Qua nhiều ngày tìm hiểu hệ thống, chúng tôi phát hiện không chỉ những công ty kể trên mà có hàng chục công ty khác nhau như: Cty Dược phẩm Locifa, Cty Cổ phần Công nghệ GOB Việt Nam, Cty TNHH Dược phẩm Medicom, Cty Cổ phần Dược phẩm công nghệ Nhật Bản, Cty TNHH Thương mại và dịch vụ Medicova, Cty Cổ phần Công nghệ COD Việt Nam…đều cùng chung một “ruột”. Nhóm công ty này lấy một tên chung ký hiệu là GOBIG do Nguyễn Đình Dương và Nguyễn Thị Nhung đứng đại diện, chiếm cổ phần chủ yếu.

Doanh thu khủng, có biểu hiện trốn thuế

Trưởng nhóm Vũ Kim Hưng cho biết, một nhân viên sale tại công ty có thể chốt từ 200 - 300 triệu đồng/tháng, có người đạt 600 triệu đồng/tháng. Trong thời điểm đẩy chiến dịch, con số còn cao hơn nhiều. Như chiến dịch mà phóng viên được trải nghiệm thực tế, trong vòng 5 ngày, nhóm chỉ có 2 nhân viên sale chính đã cán mốc doanh thu 700 triệu đồng. Trong 1 lần họp về chiến dịch, chúng tôi được nghe báo doanh thu lên tới 30 tỷ đồng/tháng (chỉ tính riêng cơ sở 168 Nguyễn Xiển).

Theo luật sư Lê Thị Thanh Hà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), quy định khi bán hàng có giá trị từ 200 nghìn trở lên, các công ty bắt buộc phải xuất hóa đơn cho khách hàng với những thông tin đầy đủ về sản phẩm, dịch vụ và đơn vị cung cấp. Với những sản phẩm được bán qua mạng như TPCN, giá trị lên tới tiền triệu, yêu cầu cần phải có. Nhưng phần lớn các công ty đang tránh điều này, nhằm mục đích trốn thuế.

Các công ty chuyên bán TPCN qua hình thức online, với 86 sản phẩm khác nhau trong đó các sản phẩm chính như GenX, Yakumi, Kvoimen (bổ thận), Đào Thi (nở ngực), GM Diet (giảm cân), Bình Vị An (dạ dày), Dakami (dưỡng da), Ích khớp đan (xương khớp), Hoàn Cốt Đan, Thân Tâm An…Mỗi loại TPCN, các công ty bán ra đều có hệ thống fanpage, website...bủa vây tràn ngập trên mạng xã hội, nhưng sau một thời gian các địa chỉ đều “sập”.

Thực tế, các địa chỉ hoạt động của nhóm công ty không được tiết lộ. Khi đến địa chỉ theo giấy đăng ký kinh doanh của tất cả các công ty trên, có một điểm chung là đều không hoạt động. Người tiêu dùng khi mua sản phẩm không có hóa đơn, biên lai, địa chỉ của đơn vị phân phối, chỉ có số điện thoại của đơn vị giao hàng. Rất nhiều trường hợp sau khi dùng sản phẩm không có hiệu quả, liên hệ trả lại đều không được, như lạc vào một ma trận.

Tìm hiểu kỹ hệ thống của nhóm GOBIG, chúng tôi phát hiện nhóm này không chỉ có cơ sở ở 168 Nguyễn Xiển mà còn các cơ sở khác như tại tầng 4, tòa nhà Hồng Hà, số 1A Vương Thừa Vũ (Thanh Xuân), 275 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), số 2 Nguyễn Hoàng (Mỹ Đình), với số lượng nhân viên lên tới hơn 1.300 người. Tất cả đều hoạt động kín kẽ, và không để bảng tên.

Nguồn: [Link nguồn]

Rùng mình bên trong cơ sở làm thuốc đông y ”rởm”, bán hàng online

Quản lý thị trường Hà Nam mới đây đã bắt quả tang một cơ sở đang gia công, đóng gói lượng lớn thuốc đông y gia truyền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV KT-XH ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN