Lơ là quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung

Mặc dù Bộ NNPTNT chủ trương xây dựng chuỗi sản xuất thực phẩm sạch, an toàn, nhưng đến thời điểm này nhiều địa phương vẫn chưa khởi động thực hiện dự án quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm...

Cơ sở giết mổ tập trung “chết yểu”

Báo cáo mới nhất của Cục Thú y cho thấy, cả nước hiện chỉ có 36 tỉnh, thành phố được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm, 21 tỉnh đang xây dựng đề án và 6 tỉnh chưa thực hiện việc quy hoạch (100% nằm ở phía Bắc). 

Ông Phạm Văn Đông- Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết: “Hiện nay, tình trạng thiếu quy hoạch hoặc có quy hoạch nhưng lại bị “phá vỡ” diễn ra khá phổ biến. Tại Hà Nội, có 3 cơ sở giết mổ lợn với dây chuyền giết mổ công nghiệp công suất từ 400- 1.000 con/ngày, nhưng cũng chỉ hoạt động cầm chừng, mỗi ngày làm từ 20-30 con”.


Lơ là quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung - 1

Do thiếu các cơ sở giết mổ tập trung, nên hầu hết lợn sau khi được mua, bán sẽ đưa đến các cơ sở nhỏ lẻ để giết mổ.

Theo ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, sau khi đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt (Hoàng Mai), thành phố có chủ trương chuyển các hộ giết mổ ở đây về cơ sở giết mổ của Công ty TNHH Minh Hiền. Tuy nhiên, đến nay mới có 10/26 hộ đưa gia súc vào giết, mổ nhưng theo phương thức thủ công (mỗi hộ một ki-ốt riêng), trong khi dây chuyền giết mổ công nghiệp vẫn “đắp chiếu”.

Không chỉ Hà Nội, ở một số địa phương như Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Ninh Bình, một số doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ nhưng đến nay cũng chỉ hoạt động cầm chừng hoặc phải đóng cửa. Trong khi đó, các cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình nằm xem kẽ trong các khu dân cư lại có nhiều cơ hội cạnh tranh.

Ông Nguyễn Văn Tân - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nam cho biết: “Trên địa bàn tỉnh hiện có 859 hộ giết mổ gia súc, gia cầm, chủ yếu phân bố trong các khu dân cư, tỉnh chưa có cơ sở giết mổ tập trung. Trong quy hoạch từ 2011-2020, chúng tôi sẽ xây dựng 18 cơ sở giết mổ lợn quy mô từ 100- 500 con/ca, 67 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm khác”.

Khó giải bài toán quy hoạch

Ông Ninh Văn Hiểu- Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nam Định cho biết: “Hiện nay, việc kiểm soát trước trong và sau khi giết, mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh do cán bộ kiểm dịch của Cơ quan Thú y vùng 1 thực hiện. Lực lượng thú y cơ sở chưa được tập huấn quy trình, quy định kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và chưa được cấp thẻ kiểm dịch để thực thi nhiệm vụ theo Pháp lệnh Thú y”.

Đặc biệt, theo ông Hiểu, ý thức người tiêu dùng, người giết mổ còn hạn chế; chính quyền chưa quan tâm đến công tác kiểm soát hoạt động giết mổ… “Cần làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm chính quyền cấp xã lơ là trong công tác kiểm soát giết mổ”- ông Hiểu đề xuất.

Ông Phạm Văn Đông cho biết: “Việc tổ chức kiểm tra, đóng dấu kiểm soát giết, mổ và thu tiền tại các chợ đang phổ biến tại các tỉnh là không đúng quy định của pháp luật, vô hình trung đã chấp nhận cho giết mổ tự do không quan quản lý và kiểm soát của cơ quan chức năng”.

Riêng về quy hoạch, ông Đông khẳng định, việc phát triển đô thị, khu công nghiệp tại nhiều địa phương phá vỡ quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; ở những địa phương đang thực hiện quy hoạch thì gặp khó khăn về mặt bằng, thủ tục thuê đất cho các nhà đầu tư phức tạp…

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: “Theo lộ trình, đến năm 2013 các tỉnh phải hoàn thành quy hoạch và đến năm 2015 sẽ thực hiện quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm. Vì thế, các tỉnh cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực này”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Thông ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN