Lãi gấp đôi nhờ bán rượu nếp ngày 'giết sâu bọ'
Bán rượu nếp (cơm rượu) là công việc thời vụ đem về thu nhập lên tới cả triệu đồng cho nhiều người Hà Nội dịp Tết Đoan ngọ (5/5 âm lịch).
Năm ngoái, vợ chồng anh Hải (Đan Phượng, Hà Nội) làm 20 kg rượu nếp, thu về gần 700.000 đồng tiền lãi. Sang Tết Đoan ngọ năm nay, anh làm tăng lên 30 kg để vợ đi bán tại khu vực chợ Ngọc Hà, kèm với hoa quả.
Nghề chính là bán hoa quả, nhưng cứ Tết Đoan ngọ, chị Hậu, vợ anh Hải (ở Đan Phượng, Hà Nội) cũng làm rượu nếp bán kèm thêm. Bán hết 30 kg rượu nếp, lãi thu về cũng lên tới cả triệu đồng. Song đây chỉ là công việc thời vụ. Ảnh: Kim Ngân.
Anh Hải cho biết, mỗi kg gạo nếp sẽ làm được khoảng 1,5-1,7 kg rượu. Một kg gạo nếp ngon để làm rượu giá khoảng 18.000 đến 20.000 đồng. Bán với giá 35.000 đồng/kg rượu đã làm, trừ chi phí ban đầu, người bán lãi khoảng 25.000-30.000 đồng. Bán hết 30 kg cái rượu, tiền lãi vợ chồng anh Hải thu về cũng khoảng 800.000 đồng đến 1 triệu. “Đấy là mình còn chọn nguyên liệu tốt. Những hàng bán đại trà, họ chọn gạo nếp tẻ, giá chỉ 12.000-15.000 đồng/kg, nên lãi thu về càng lớn, có khi 1,5 triệu đồng, chỉ trong buổi sáng”, anh Hải tiết lộ.
Rượu nếp ngày Tết Đoan ngọ có 2 loại trắng và cẩm để đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Theo những người bán hàng, kinh tế khó khăn, các mặt hàng khác bán chậm hơn, nhưng món rượu nếp này gần như chưa năm nào ế. Tại chợ tạm ở ngõ 199 Hồ Tùng Mậu sáng nay, bà Ngọc bán một lúc đã hết gần 50 kg. “Mọi người hay mua theo túi 0,5 kg một để thắp hương và ăn trong buổi sáng ngày giết sâu bọ. Cùng với các loại quả vị chua như mận, xoài…, món rượu nếp này không mấy khi bị ế”, bà Ngọc tiết lộ.
Buổi sáng ngày Tết Đoan ngọ, rượu nếp là một trong những dịch vụ đắt khách. Ảnh: Hoàng Anh.
Với giá bán 40.000 đồng/kg, bà Ngọc thu về gần 2 triệu đồng. Không tiết lộ chi phí và lợi nhuận, song theo bà, số lãi cũng “bõ so với công sức”.
Làm rượu nếp, theo bà Ngọc, tưởng dễ mà khó. Quan trọng nhất là khâu nấu cơm rượu phải đảm bảo không nát, nhưng cũng không quá khô. “Thời tiết nắng nóng như mấy hôm nay, khâu ủ men là quan trọng nhất vì không cẩn thận là rượu hỏng sạch. Thường từ lúc ủ đến khi được rượu mất 1 đến 2 ngày. Nếu quá, rượu sẽ cay và không ngon”, bà nói.
Theo khảo sát, giá rượu nếp dịp Tết Đoan ngọ tại các chợ ở Hà Nội dao động 35.000-40.000 đồng/kg. Nhiều người kinh doanh các dịch vụ khác như bán rau, quán nước, bán quần áo... cũng tranh thủ làm rượu nếp kiếm thêm. Chị Hằng, bán rau tại chợ Đồng Xa cho biết, năm nào chị cũng làm rượu nếp bán thêm. "Lãi khá so với bán rau, nhưng cả năm chỉ có một ngày, mà ngày càng nhiều người bán, nên cạnh tranh lắm", chị Hằng nói.
Khách thường mua rượu nếp để ăn vào sáng sớm. Ảnh: Hoàng Anh.
Chị Phương, nhà ở quận Tây Hồ bán rượu nếp từ 3 năm nay vào các dịp Tết Đoan ngọ cho biết thêm, đã chốt đơn hàng cách đây 4 ngày, nhưng hai ngày cuối tuần vẫn có khách gọi đến đặt thêm. Chị không dám nhận, vì đã hết sạch hàng từ tối muộn 1/6, dù giá chị bán đến 60.000 đồng/kg.
Theo lời chị Phương, mức giá nhỉnh hơn các nơi khác là bởi rượu nhà chị làm là hàng "thật", thay vì trộn đường như các hàng bán đại trà. “Để rượu ngọt, có người sẽ trộn đường vào. Cân lên là 1 kg rượu, nhưng thực chất phần cái chỉ được 6-7 lạng, còn lại là nước đường. Người mua cứ mua, tưởng rẻ mà hóa đắt”, chị nói.
Tại khu vực phố cổ còn có những người bán rượu nếp rong. Giá bán mỗi kg khoảng 40.000 đồng. Ảnh: Hoàng Anh.
Tuy vậy, theo chị Phương, thị hiếu khách hàng mỗi nơi một kiểu, nên mức giá 40.000 đồng/kg vẫn là phổ biến cho mặt hàng truyền thống vào ngày “giết sâu bọ”.