Không có xe giá rẻ kể cả khi thuế bằng 0%

Trao đổi với Tiền Phong, TS Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương)- “cha đẻ” của Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 cho rằng, Chiến lược không thất bại, chỉ là không thành công toàn diện như mục tiêu đã đề ra.

Không thành công toàn diện

Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam trong hơn 10 năm qua đã hoàn toàn thất bại, ông nghĩ sao về nhận định này? 

Trước hết, cần nói rõ, các sản phẩm của công nghiệp ô tô được chia làm 2 nhóm: nhóm 1 là nhóm xe thương mại gồm xe tải và xe khách, nhóm thứ 2 là xe cá nhân. Nói đến công nghiệp ô tô, mọi người thường chỉ chú ý đến nhóm xe cá nhân vì đó là loại xe trực tiếp liên quan đến người tiêu dùng, mà quên đi nhóm xe thương mại, nên mới quy chụp như vậy. 

Thật ra, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô lần đầu (năm 2004) không thất bại, chỉ là không thành công toàn diện như mục tiêu đã đề ra. Xe tải sản xuất và lắp ráp trong nước đã đáp ứng được khoảng trên 60%, xe khách đáp ứng được trên 80%.

Vậy chiến lược mới có điểm gì khác biệt, thưa ông?

Không có xe giá rẻ kể cả khi thuế bằng 0% - 1

TS Dương Đình Giám.

Chiến lược mới có 3 điểm khác biệt cơ bản. Thứ nhất, Chiến lược lần này sẽ tập trung vào các phân khúc mà chúng ta còn yếu, nhưng nhu cầu thị trường đang rất lớn, như các loại xe tải dưới 3 tấn, xe nông dụng đa chức năng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; xe khách vận chuyển từ tầm ngắn đến tầm trung. 

Thứ hai, Chiến lược có thêm cơ chế, chính sách cho khu vực tiêu dùng, tập trung vào việc kích cầu tiêu dùng của người dân. Điểm khác biệt thứ 3 là cách thức xây dựng chiến lược, chính sách được đưa ra có sự tham vấn của cộng đồng doanh nghiệp.

Như vậy dòng xe cá nhân sẽ không còn là chủ lực của chiến lược mới?

Chiến lược được phê duyệt lần này đã bỏ dòng xe chủ lực. Thay vì chỉ tập trung vào xe cá nhân, chiến lược mới sẽ tập trung vào một số phân khúc xe cụ thể trong dòng xe thương mại: Xe tải đến 3 tấn, xe khách vận tải tầm ngắn, tầm trung, xe nông dụng đa chức năng phục vụ nông nghiệp, nông thôn. 

Trong bản Chiến lược mới không có các chính sách cụ thể về thuế cho xe cá nhân, vì sao?

Kiến nghị về Chính sách thuế đã được Bộ Công Thương đề xuất rất rõ ràng, nhưng một số kiến nghị cụ thể về các mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cho các loại xe chưa được Chính phủ đưa vào, mà còn phải chờ các cơ quan quản lý nhà nước trình và được Quốc hội phê duyệt vào kỳ họp tới.

Không có xe giá rẻ kể cả khi thuế bằng 0% - 2

Theo ông Dương Đình Giám, Việt Nam không thiếu những nhà sáng chế nhưng không được ai quan tâm. Ảnh chụp tại Cty Vinaxuki. Ảnh: Hồng Vĩnh

Sẽ không có xe giá rẻ

Campuchia đã sản xuất được ô tô, phải chăng công nghiệp sản xuất ô tô cá nhân Việt Nam đang tụt hậu?

Nhìn thực lực ngành cơ khí ô tô Việt Nam và Campuchia thì có thể thấy ngay, ngành cơ khí Việt Nam hơn nhiều mặt. Cái cần nể phục ở đây là sáng chế xe điện là của một cá nhân, nhưng đã được các doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ. Việt Nam không thiếu những nhà sáng chế, kể cả các sản phẩm cần kỹ thuật cao, như trực thăng, tàu ngầm, nhưng không được ai quan tâm, đầu tư. 

Hiệp hội các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng, sản lượng tiêu thụ ô tô ở Việt Nam quá ít, trong khi giá thành luôn đắt hơn khối ASEAN tới 20%, nên khó phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Bài toán công nghiệp hỗ trợ mà VAMA đặt ra là đúng, làm ra ít thì giá đắt, giá đắt không bán được, không làm thì lại phải đi nhập. 

Tỷ lệ nội địa hóa đối với các loại xe cá nhân nói chung chỉ đạt khoảng trên 10%, với các sản phẩm chưa đòi hỏi công nghệ cao, như lốp, ghế, gương kính, lazăng… 

Còn lại, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ô tô phức tạp hơn thì vẫn chưa làm được. Thực tế đó đòi hỏi các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần đầu tư, nâng cao năng lực công nghệ để làm được đạt chuẩn, đạt chất lượng chứ chưa nói đến đắt hay rẻ. 

Chiến lược có thay đổi gì để đẩy mạnh nội địa hóa, thưa ông?

Chiến lược và Quy hoạch lần này có nhiều chính sách cho sản xuất, xuất khẩu và ngành công nghiệp hỗ trợ. Áp mức thuế trần cho linh kiện nhập khẩu. Nếu làm ô tô mà đến cái vỏ cũng phải đi nhập thì chẳng có nghĩa là làm. 

Ngoài ra, cần tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, nếu các doanh nghiệp FDI cứ nhập khẩu mà không sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp trong nước thì mãi sẽ là 2 khu vực tách biệt. 

“Chiến lược lần này thực chất là để khẳng định Việt Nam quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp ô tô, chứ không phải để người Việt có ô tô đi”.

TS Dương Đình Giám

Năm 2018 thuế nhập khẩu về 0%, liệu người tiêu dùng Việt Nam có thể tiếp cận được với xe giá rẻ, thưa ông?

Lẽ thông thường là như vậy, tuy nhiên, để hạn chế nhập siêu và bảo vệ người tiêu dùng trong nước, Chiến lược cũng đề xuất cần phải kiểm soát lượng xe nhập khẩu, thông qua việc quy định tiêu chuẩn với các đại lý nhập khẩu, như về năng lực tài chính, kho bãi, chế độ bảo hành, bảo trì…. 

Cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Hoàng (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN