Hãng tàu thu phí vô tội vạ
Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu hãng tàu, đại lý hãng tàu biển nước ngoài không thu phí tắc nghẽn tại cảng Cát Lái. Nếu không thực hiện, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có biện pháp xử lý.
Một tuần sau khi Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (đơn vị quản lý cảng Cát Lái) thông báo hủy bỏ một số khoản phụ phí, các hãng tàu quốc tế vẫn không có động thái nào trong việc bỏ thu phụ phí tắc nghẽn - đã thu của doanh nghiệp (DN) từ cuối tháng 7. Nhiều hiệp hội ngành hàng, DN xuất nhập khẩu cho biết đã liên lạc với các hãng tàu hỏi về khoản phụ phí tắc nghẽn nhưng đến nay họ vẫn im lặng.
Nhiều khoản phí vô lý
Theo các hiệp hội ngành hàng, DN xuất nhập khẩu có quá nhiều loại phụ phí đang được hãng tàu nước ngoài áp dụng như phí dịch vụ container, phí mất cân đối container, phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ container, phí thủ tục, phí lưu kho bãi…
Xếp dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái Ảnh: TẤN THẠNH
Riêng phí tắc nghẽn được các hãng tàu áp dụng từ cuối tháng 7-2014. Trước đó, do tình trạng container ùn ứ tại cảng Cát Lái tăng cao, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn thông báo tăng phí nâng container giao hàng nhằm giải phóng hàng nhanh và thu phí đối với khách hàng đăng ký lấy trước số container rỗng tại cảng để phục vụ khai báo hải quan điện tử.
“Té nước theo mưa”, hàng loạt hãng tàu nước ngoài như Công ty MOL, Yang Ming, CMA CGM, OOCL, Wan Hai Vietnam… lần lượt thông báo thu phụ phí tắc nghẽn cảng cho tất cả lô hàng xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái. Mức thu từ 1,05 triệu đồng/container 20 feet đến 2,4 triệu đồng/container 45 feet.
Từ lâu, việc áp dụng các loại phí, phụ phí của hãng tàu nước ngoài thường chỉ theo một chiều tăng mà không giảm. Mỗi lần như vậy, DN chỉ có cách là chấp nhận hoặc không được xuất/nhập hàng.
Đến ngày 5-8, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn khẳng định việc tắc nghẽn hàng hóa tại cảng Cát Lái đã chấm dứt, tình hình sản xuất của cảng đi vào ổn định trở lại nhưng các hãng tàu vẫn tiếp tục thu phụ phí tắc nghẽn. Thậm chí, một số hãng còn thông báo sẽ thu từ giữa tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tới.
Đáng nói, theo các DN, hiện có quá nhiều khoản phí vô lý. Ví dụ như phí mất cân đối container chỉ phát sinh khi có sự mất cân đối vỏ container giữa 2 đầu bến, thường chỉ xuất hiện theo thời vụ.
Đối với hàng nhập về Việt Nam, nếu phát sinh phí mất cân đối container thì chủ hàng xuất ở nước ngoài phải chịu nhưng hãng tàu vẫn thu từ chủ hàng Việt Nam với giá rất cao: 50 USD/container 20 feet và 100 USD/container 40 feet.
Với phí dịch vụ container, đây là phí trả cho cảng xếp dỡ container nhưng mức thu cao hơn rất nhiều giá quy định của cảng. Phí này do chủ tàu thu trực tiếp từ DN và nộp cho cảng. Trong khi cảng chỉ thu khoảng 35 USD/container 20 feet, 40-50 USD/container 40 feet, các hãng tàu đẩy giá lên tới 100-120 USD/container để hưởng chênh lệch.
Cần biện pháp mạnh tay
Theo thông lệ quốc tế, một số loại phí chỉ được thu khi phát sinh hiện tượng như phí tắc nghẽn cảng, phí mất cân bằng vỏ container… nhưng chủ tàu vẫn lợi dụng cơ hội thu đều đặn. Các DN cho rằng việc thu những loại phụ phí này không có căn cứ pháp lý, không tuân theo thông lệ quốc tế và bị áp đặt một phía từ hãng tàu nước ngoài.
Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết tiền phụ phí chiếm 1% kim ngạch xuất nhập khẩu của ngành, mỗi năm chi phí trả cho các loại phụ phí xấp xỉ 110 triệu USD. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, các loại phí đã tăng từ 20%-30% so với năm trước. Việc đóng quá nhiều phí làm tăng chi phí vận tải và giá thành sản phẩm, giảm sự cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ngay từ năm 2011, sau việc các hãng tàu ồ ạt thu phí, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị một số giải pháp nhưng đến nay vẫn chưa có cơ chế kiểm tra giám sát, quản lý vấn đề này.
Do đó, Cục Hàng Hải Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT giao cho đơn vị này phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiệp hội chủ hàng, hiệp hội ngành hàng… rà soát cụ thể việc thu các loại phụ phí, so sánh với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Từ đó yêu cầu các hãng tàu ngừng thu ngay một số loại phí không hợp lý; đồng thời một tổ công tác liên ngành gồm Bộ GTVT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, VCCI sẽ được thành lập nhằm giám sát việc thu phụ phí tàu biển, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế quản lý phù hợp.
“Chiêu” hạ giá cước, tăng phụ phí Theo Cục Hàng hải Việt Nam, do đội tàu biển của Việt Nam chưa đủ năng lực vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, DN lại thường sử dụng hình thức mua giá CIF (giá thành, bảo hiểm và cước phí) và bán giá FOB (giao lên tàu) nên quyền thuê phương tiện chủ yếu thuộc đối tác nước ngoài và đội tàu biển nước ngoài. Thực chất, các loại phí này nằm trong giá cước vận tải nhưng các hãng tàu hạ giá cước vận tải để giành hợp đồng vận tải bên ngoài Việt Nam và tăng thu phụ phí của chủ hàng Việt Nam để bù lại giá cước. Để lấy được hàng, DN phải chấp nhận trả các loại phí này vì không có sự lựa chọn. |