Hàng loạt chợ xây xong rồi… bỏ hoang

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Để đạt chuẩn nông thôn mới, một số xã ở Quảng Ngãi đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây chợ khang trang. Tuy nhiên khi hoàn thành, không có tiểu thương đến buôn bán gây lãng phí nguồn ngân sách, bức xúc cho người dân.

Nhiều bất cập

Nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh, buôn bán, phục vụ đời sống người dân cũng như thực hiện chỉ tiêu xây dựng xã nông thôn mới, xã Tịnh Thọ (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) đã đầu tư 4 tỷ đồng để xây dựng chợ Ga. Tuy nhiên, chợ sau khi xây dựng khang trang lại để “phơi nắng, phơi mưa”, gây lãng phí ngân sách và bức xúc cho người dân.

Qua tìm hiểu, chợ Ga được xây dựng trên diện tích 4.000m2, bao gồm đầy đủ các hạng mục cần thiết cho hoạt động mua, bán tại địa phương. Chợ hoàn thành từ cuối năm 2021, nhưng đến nay sau gần 2 năm, chợ Ga vẫn chưa có tiểu thương vào buôn bán. Xung quanh chợ cỏ dại đã mọc và một số vị trí trên tường bị thấm mốc, xuống cấp.

Chợ Nghĩa Phương (xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa) bị bỏ hoang nhiều năm qua Ảnh: NN

Chợ Nghĩa Phương (xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa) bị bỏ hoang nhiều năm qua Ảnh: NN

Lý giải nguyên nhân không vào chợ mới buôn bán, các tiểu thương cho rằng, do mức thuê lô sạp giá quá cao và phải nộp tiền thuê lô sạp một lần lên đến vài chục triệu đồng, vượt quá khả năng của tiểu thương, nên họ chấp nhận kinh doanh tại khu chợ tạm.

Không chỉ chợ xây dựng từ nguồn kinh phí của Nhà nước mà chợ vận động từ nguồn xã hội hóa cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. Điển hình như chợ Nghĩa Phương (xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa).

Đã hơn 5 năm sau khi hoàn thiện, khu chợ khang trang từ nguồn xã hội hóa, do UBND huyện Tư Nghĩa làm chủ đầu tư, xây trên diện tích 4.800m2, gồm nhà lồng có 32 lô sạp, 2 dãy 20 ki ốt, tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng ở xã Nghĩa Phương vẫn bỏ hoang. Một số công trình, hạng mục phơi nắng, phơi mưa đang dần xuống cấp.

Thời gian qua, khu vực nhà lồng trở thành nơi phơi, chứa lông gà, vịt của người dân, còn xung quanh chợ cỏ dại mọc um tùm.

Nguyên nhân chính là do cách bố trí, thiết kế của chợ Nghĩa Phương bất hợp lý, giá thuê cao nên các hộ tiểu thương vẫn kiên quyết bám trụ nơi lều quán tạm bợ mà không di dời vào buôn bán trong chợ. Đó là chưa kể, dãy ki ốt đầu tiên sát Quốc lộ 1A che chắn toàn bộ công trình chợ bên trong.

Chờ đến bao giờ…?

Trong khi chợ mới được đầu tư xây dựng khang trang, sạch sẽ lại bị bỏ hoang, thì cách đó không xa, hoạt động buôn bán tại khu chợ tạm lại diễn ra khá nhộn nhịp, dù các gian hàng được bày bán tạm bợ, ọp ẹp... Thậm chí, một số hộ tiểu thương còn lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán.

“UBND xã Tịnh Thọ đã báo cáo xin ý kiến của UBND huyện. Sau khi huyện có ý kiến, xã sẽ tổ chức họp dân với mục tiêu đưa chợ vào hoạt động để tránh gây lãng phí, đồng thời việc nộp tiền thuê lô cũng theo tháng hoặc quý để bà con tiểu thương thuận tiện tham gia”.

Ông Nguyễn Thành Vy - Chủ tịch UBND xã Tịnh Thọ

Theo chính quyền UBND xã Tịnh Thọ, khi chợ hoàn thành, xã cũng đã vận động tiểu thương vào kinh doanh và tổ chức đấu giá 2 lần vào năm 2023 cho 104 lô sạp (mỗi lô có diện tích từ 4 đến 4,6m2). Thời hạn cho tiểu thương thuê là 5 năm, với giá từ 22 đến 25 triệu đồng/lô/5 năm, tiền thuê đóng một lần.

Chị Huỳnh Thị Ánh, một tiểu thương ở chợ Ga cho hay, chị kinh doanh nhỏ lẻ, mỗi sáng lên chợ buôn bán chỉ lãi tầm vài chục nghìn đồng. Trong khi địa phương ra giá thuê mặt bằng với giá rất cao và buộc phải nộp tiền một lần là không hợp lý. “Bà con mong chính quyền địa phương giảm giá cho thuê, đồng thời tiền thuê lô sạp nên đóng hằng tháng để tạo thuận lợi cho các tiểu thương…”, chị Ánh đề nghị.

Nhiều tiểu thương ở chợ Nghĩa Phương cho biết, nghe xây chợ mới thì mừng, vì chợ cũ ẩm thấp, mỗi khi mưa lớn nước đọng sình lầy, mất vệ sinh. Tuy nhiên, khi chợ xây xong thì thất vọng vì nhiều bất hợp lý. “Chia lô sạp trong nhà lồng, bề ngang chỉ dài nhỉnh hơn cái bàn kê bán thịt heo thì làm sao mua bán…?”, một tiểu thương bức xúc.

Được biết, những năm qua, chính quyền xã Nghĩa Phương đã nhiều lần tổ chức đối thoại với bà con tiểu thương để sớm đưa chợ vào hoạt động, nhưng vẫn không thành.

Ông Nguyễn Thành Vy - Chủ tịch UBND xã Tịnh Thọ cho biết, sau khi chợ hoàn thành, UBND xã đã tổ chức đấu giá theo quy định hai lần. Tuy nhiên, trong hai lần này chỉ có được 2 hộ đấu cho 3/104 lô sạp. Những hộ tiểu thương hiện buôn bán trong chợ cũ không tốn bất kỳ một khoản chi phí nào. Chợ Ga mới sau khi được đầu tư xây dựng và được công nhận là chợ hạng 3 nên phải tổ chức đấu giá.

Nguồn: [Link nguồn]

Hồi sinh chợ truyền thống

Nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP HCM đang không ngừng đổi mới, linh hoạt áp dụng khuyến mãi giảm giá, tặng quà cho khách hàng, chấp nhận thanh toán qua tài khoản ngân hàng,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Ngọc ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN