Giá xăng giảm lắt nhắt, cước vận tải khó hạ

Theo các doanh nghiệp vận tải, giá xăng điều chỉnh ở mức 1.500 đồng/lít mới tính được chuyện tăng/giảm giá cước.

Trước đây mỗi khi giá xăng tăng là y như rằng giá hàng hóa và đặc biệt là giá cước vận tải “té nước theo mưa”, đồng loạt tăng giá. Thế nhưng mới đây (ngày 13-10) giá xăng giảm tới 670 đồng/lít, dầu diesel giảm 880 đồng/lít, giá cước vận tải vẫn không hề giảm.

Taxi khó giảm giá

Ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn I (Bình Phước), cho rằng việc giảm giá xăng sẽ làm giảm chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp (DN) vận tải. Trong khi đó các DN sản xuất không hưởng lợi nhiều. DN sản xuất không quan tâm nhiều đến giá xăng dầu giảm vì DN vận tải không hề giảm giá cước vận chuyển.

Ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An (Đà Nẵng), đánh giá: “Mức giảm giá xăng dầu đợt này nhiều hơn các lần trước sẽ giúp DN tiết kiệm khá lớn chi phí nếu DN tự vận chuyển hàng. Song cái lợi của DN vẫn rất ít vì đa phần phụ thuộc vào đơn vị vận tải. Giá vận chuyển thường có một mức nhất định trong một thời gian dài và ít khi các DN vận tải thay đổi theo giá xăng dầu. Kết cục là giá xăng dầu giảm nhưng các DN vận tải có giảm giá vận chuyển đâu. Cần có sự tác động lên các đơn vị vận chuyển may ra DN sản xuất mới hưởng lợi phần nào từ việc giá xăng dầu giảm”.

Trao đổi với chúng tôi, các đơn vị vận tải đưa ra đủ mọi lý do về sự không giảm giá cước khi giá xăng dầu giảm.

Giá xăng giảm lắt nhắt, cước vận tải khó hạ - 1

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, cho biết hiệp hội chưa có chủ trương giảm giá cước taxi, vì từ đầu năm đến nay khi giá xăng tăng, các đơn vị taxi không điều chỉnh giá cước tăng. Ngoài ra, giá xăng chỉ chiếm 20%-30% trong giá thành cước phí nên bản thân giá xăng không tác động mạnh đến giá cước. Chừng nào các loại thuế, chi phí quản lý điều hành… cộng lại tăng thì giá cước mới thay đổi.

Đại diện một DN taxi tại TP.HCM cũng giải thích giá xăng tăng thì nhiều, giảm ít nên các DN rất khó tính toán điều chỉnh giá cước. Mỗi lần điều chỉnh giá sẽ rất tốn kém và phức tạp, do phải cài lại đồng hồ tính cước, in lại giá vé, chỉnh và kẹp lại chì đồng hồ, rồi xin phép cơ quan thuế…Đặc biệt, việc cài lại đồng hồ rất phức tạp, tốn kém vì phải thông qua một cơ quan kiểm định độc lập của Nhà nước để điều chỉnh đồng hồ cho hơn chục ngàn xe taxi.

Theo các DN vận tải, họ sẽ tính toán giảm giá cước nhưng mức giảm rất ít, không đáng kể. Ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho hay hiện nay một số DN vận tải cũng đã chủ động đàm phán với khách hàng, nếu được thì DN vận tải cũng chỉ có thể giảm cước phí ở mức 1%-1,5%.

Điều chỉnh cước vận tải khi xăng giảm giá từ 5% trở lên

Theo thống kê của chúng tôi, từ lúc giá xăng đạt đỉnh vào ngày 28-7 ở mức 25.310 đồng/lít, tính đến ngày 13-10, giá xăng đã giảm bảy lần với tổng mức giảm 2.420 đồng/lít (tức giảm hơn 9,5%).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng giá xăng dầu giảm quá nhỏ giọt, mỗi lần giảm chỉ 1%-2% nên DN vận tải sẽ khó điều chỉnh giá. Phải ở mức giảm 5% trở lên thì DN vận tải mới có thể giảm giá cước vận chuyển được.

Theo nhiều DN vận tải, khi giá xăng điều chỉnh ở mức khoảng 1.500 đồng/lít thì các DN vận tải mới tính đến chuyện tăng hoặc giảm giá cước.

Còn theo DN taxi, một lần giảm hay tăng giá xăng dầu phải từ mức 10% trở lên thì DN mới có thể thay đổi giá cước.

Hàng hóa khó giảm giá

Một số DN trong ngành chế biến thực phẩm cho biết lúc cước phí vận tải tăng lên đến 20%-30% (do chính sách kiểm tra siết tải trọng của Bộ GTVT) thì DN sản xuất hàng hóa cũng chỉ yêu cầu được DN vận tải tăng giá cước ở mức 10%. Vì vậy, nếu tổng mức giảm bảy lần, giá xăng mới giảm hơn 9%, giá dầu 5% thì rất khó để DN sản xuất đề nghị DN vận tải giảm mạnh cước được. Do đó hàng hóa của DN khó có thể giảm giá cho người tiêu dùng. Nếu giá cước vận tải giảm mạnh từ mức 5% trở lên và các chi phí sản xuất khác giảm nữa thì DN mới có thể giảm giá hàng hóa.

Ở Việt Nam, hàng hóa chủ yếu vận chuyển bằng xe tải, mất nhiều thời gian, tiêu thụ nhiều nhiên liệu, đội chi phí rất nhiều. Vì vậy, Việt Nam cần phát triển hệ thống giao thông với những trục dài đường thủy, biển, đường sắt. Ở nước ngoài họ tận dụng và khai thác rất tốt hệ thống đường thủy nội địa, đường sắt vì vận chuyển được nhiều hàng hóa, tiết kiệm nhiên liệu tối ưu. Hàng hóa vận chuyển bằng xe tải ở các nước chỉ chạy tối đa trong khoảng 10 km.

Ông NGUYỄN QUANG THẠNHPhó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Logistics Hoàng Hà

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy - Tú Uyên (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN