Giá ô tô sẽ rẻ hơn nhiều

Ngành ô tô sẽ có bước đột phá và người tiêu dùng sẽ có cơ hội mua ô tô giá rẻ nếu đề xuất giảm sâu thuế, phí của Bộ Công Thương được Chính phủ thông qua.

Tính đến nay, tỉ lệ nội địa hóa đối với xe con của Việt Nam mới đạt mức 7%-10%, xe tải nhẹ 35%-40%. Dù tỉ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô, nhất là dòng xe con, vẫn đang ở mức rất thấp so với mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010 nhưng các nhà hoạch định chính sách vẫn tiếp tục hy vọng vào một ngành ô tô thực sự trong tương lai.

Ưu đãi theo tỉ lệ nội địa hóa

Trong bản dự thảo quy hoạch ngành công nghiệp ô tô mới nhất, Bộ Công Thương đề xuất mức ưu đãi chung là giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đối với xe đăng ký lần đầu. Đáng lưu ý là tới đây, Chính phủ sẽ tập trung ưu đãi mạnh cho dòng xe chở người dưới 9 chỗ, dung tích xi lanh dưới 2.0L và đạt tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu 25% trở lên.

Giá ô tô sẽ rẻ hơn nhiều - 1

Khách hàng chọn mua ô tô lắp ráp trong nước tại một cửa hàng ở TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Đặc biệt, khi mức nội địa hóa của dòng xe này lên tới trên 40% thì mức ưu đãi thuế, phí sẽ lên tới 70%. Các mức nội địa hóa từ 25% đến 40% sẽ tính toán ưu đãi cụ thể sau nhưng với phương châm tỉ lệ nội địa hóa càng cao, mức ưu đãi thuế, phí càng nhiều.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với chính sách như trên, những doanh nghiệp (DN) có thể đạt được điều kiện để hưởng ưu đãi có thể là Toyota Việt Nam, Trường Hải và Vinaxuki. Đây là những DN sẽ có những mẫu xe đạt tỉ lệ nội địa hóa 40% trong thời gian tới.

Theo tính toán, lượng ô tô sẽ tăng khoảng 15% vào năm 2015 và 40% vào năm 2020 so với hiện tại. Dung lượng thị trường vào năm 2013 dự báo đạt khoảng 108.000 xe, đến năm 2015 sẽ xấp xỉ 157.000 xe, năm 2020 tăng lên 383.000 xe và năm 2030 sẽ vượt mức 2 triệu xe. Tất cả những ưu đãi nêu trên nếu được thông qua, các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng sức mua ô tô trên thị trường sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 20%/năm.

Cảnh báo làn sóng "đi buôn"

Dễ nhận thấy điều kiện để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt như trên không hề đơn giản đối với các DN ô tô hiện nay. Nhất là khi thuế nhập khẩu sắp tới về 0%, làn sóng "đi buôn" được nhiều chuyên gia cảnh báo sẽ sôi động bởi lẽ, bỏ tiền đầu tư, lắp ráp và phấn đấu nâng cao tỉ lệ nội địa hóa rõ ràng là khó khăn hơn việc lợi dụng thuế nhập khẩu giảm để kinh doanh.

Tuy nhiên, theo tính toán của giới kinh doanh ô tô, với một chiếc Innova 2.0V có giá 814 triệu đồng thì người mua phải chịu hơn 40 triệu đồng thuế tiêu thụ đặc biệt (tương ứng với mức thuế hiện hành là 5%), đồng thời phải tính thêm 15% lệ phí trước bạ, tức là thêm khoảng hơn 122 triệu đồng nữa. Giá thực của chiếc xe này người tiêu dùng phải mua ít nhất là 936 triệu đồng. Nếu thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đều được giảm 70%, giá mua xe sẽ giảm ít nhất 113 triệu đồng. Đây là ưu đãi lớn, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các DN đầu tư sản xuất trong nước và tạo cơ hội mua xe giá rẻ cho người dân.

Hơn nữa, vẫn còn một lợi thế dành cho các DN biết nắm bắt thời cơ. Đó là chủ trương bảo hộ sản xuất trong nước thông qua đề xuất của Bộ Công Thương giữ nguyên thuế suất nhập khẩu ô tô ở mức 50% trong 4 năm (2014-2017), đến năm 2018 mới giảm về 0%. Như vậy, các DN trong nước vẫn còn ít nhất 4 năm nữa để đẩy mạnh công nghệ, tham gia chuỗi lắp ráp, cung ứng sản phẩm, cho ra đời các dòng xe chiến lược đáp ứng nhu cầu nội địa hóa để được hưởng thuế suất ưu đãi.

Đánh giá về đề xuất này của Bộ Công Thương, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng đây là nỗ lực đáng ghi nhận nhằm bảo hộ nền sản xuất trong nước, trước mắt giảm sự cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại. Tuy nhiên, cần phải ghi nhớ lộ trình gia nhập Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) sẽ đưa thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam năm 2014 giảm xuống còn 50%, năm 2015 còn 35%, năm 2016 còn 20%, năm 2017 còn 10% và năm 2018 còn 0%. Như vậy, cần phải làm rõ đề xuất của Bộ Công Thương giữ nguyên thuế suất nhập khẩu 50% đến năm 2017 có bao gồm xe đến từ những nước trong AFTA không.

"Nếu chính sách bảo hộ này bao gồm cả khu vực AFTA thì Việt Nam cần phải thương lượng với những nước này về chính sách biệt lệ. Tuy nhiên, điều đó không hề dễ dàng vì đã cam kết là phải thực hiện" - TS Lê Đăng Doanh lưu ý.

Nội địa hóa theo hướng chuyên sâu

Các chuyên gia cho rằng khi chính sách ưu đãi thuế để bảo hộ nền sản xuất trong nước 20 năm qua đã không mang lại thành công thì hiện nay không nên quá trông đợi vào riêng chính sách này. Cần xác định đầu tư sản xuất ô tô nội địa hóa theo hướng chuyên môn hóa sâu, mạnh ở nhóm phụ tùng linh kiện nào thì đầu tư ở nhóm đó, làm bảo đảm chất lượng, giá thành tốt để tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Nhung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN