Giá hàng hóa “rón rén” giảm theo xăng dầu

Một số nhóm hàng hóa thiết yếu tại các siêu thị như mì gói, thực phẩm, sữa… giảm giá 10%-30%.

Ghi nhận thị trường TP.HCM cho thấy trong mấy ngày gần đây giá một số mặt hàng thiếu yếu có dấu hiệu hạ nhiệt, sau khi giá xăng dầu giảm sâu hơn 7.000 đồng/lít. Tuy nhiên, nhìn chung giá hàng hóa giảm không nhiều và hàng loạt mặt hàng vẫn đứng im, chưa chịu giảm theo giá xăng dầu.

Chợ truyền thống giảm dè dặt

Khảo sát tại một số chợ truyền thống ở quận Tân Bình, chúng tôi nhận thấy giá một số mặt hàng như thịt heo, trứng vịt, cá, dầu ăn... giảm nhẹ 5%-8%. Chị Nhàn, một khách hàng nhà ở quận Tân Bình, nhận xét giá một số mặt hàng như thịt heo, cá điêu hồng, rau muống… giảm 3.000-8.000 đồng/kg so với trước.

“Tôi vừa mua 1 kg thịt heo ba rọi ở chợ Bà Hoa với giá 158.000 đồng, giảm 8.000 đồng so với tuần trước. Cá điêu hồng cũng giảm còn hơn 55.000 đồng/kg. Nhìn chung giá bán lẻ bình quân một số mặt hàng rau củ quả, trái cây giảm nhưng chưa nhiều” - chị Nhàn nói.

Giá một số mặt hàng tại các siêu thị và chợ dân sinh bắt đầu giảm nhẹ. Ảnh: TÚ UYÊN

Giá một số mặt hàng tại các siêu thị và chợ dân sinh bắt đầu giảm nhẹ. Ảnh: TÚ UYÊN

Tuy một số mặt hàng thực phẩm giảm nhưng vẫn còn neo ở mức cao nên mãi lực ở chợ yếu. Bà Liên, tiểu thương chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), thừa nhận sau dịch bệnh, người dân tiết kiệm chi tiêu, cộng với giá cả còn neo ở mức cao nên buôn bán khó khăn, sức mua giảm 20%-30%.

“Nhiều khách hàng thắc mắc xăng dầu giảm rồi sao tiểu thương không chịu giảm mạnh giá hàng hóa, tôi giải thích và mong khách thông cảm chứ neo giá cao bán cũng đâu có được bao nhiêu” - bà Liên phân trần.

Siêu thị nhanh chóng điều chỉnh giảm giá

Tại kênh siêu thị,ông Nguyễn Ngô Anh Tuấn, Giám đốc ngành hàng thực phẩm khô Lotte Mart Việt Nam, khẳng định khi xăng dầu hạ nhiệt, đối với nhóm hàng đã được giảm giá, siêu thị tiếp tục đề nghị nhà cung cấp phối hợp thực hiện khuyến mãi. Nhờ đó, giá một số mặt hàng như mì gói, thực phẩm, sữa… giảm giá 10%-30%. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau củ quả… cũng đã điều chỉnh giảm, nhiều nhất đến 33%.

Ông Tuấn thông tin thêm chi phí vận tải giảm theo giá xăng dầu và sự điều chỉnh giá sản phẩm từ thị trường quốc tế là yếu tố tác động đến việc giảm giá hàng hóa. Khi có những tín hiệu giảm, ngay lập tức siêu thị làm việc với nhà cung cấp để điều chỉnh giá kịp thời.

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành công điện về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Trong đó, Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

“Nếu các đơn vị cung ứng, nhà sản xuất giảm giá hàng hóa, phía siêu thị cũng hạ giá ngay trên kệ hàng. Bình thường tại siêu thị, để điều chỉnh giá phải mất từ vài tháng nhưng nay chỉ còn dưới 15 ngày, đặc biệt một số mặt hàng tươi sống cập nhật hằng ngày” - ông Tuấn khẳng định.

Tại một số hệ thống siêu thị khác, một số mặt hàng như sữa tươi, nước tương, dầu ăn... giảm nhẹ. Riêng Saigon Co.op đang giảm giá nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt heo, thủy hải sản, dầu ăn, mì ăn liền…, trong đó có mặt hàng giảm đến 50%.

Trong khi đó, đại diện hệ thống siêu thị AEON cho biết siêu thị và nhà cung cấp sẽ trao đổi, thống nhất việc điều chỉnh giảm giá khi có sự thay đổi về dài hạn. Tuy nhiên, thông thường việc thương lượng trao đổi giá cũng mất một đến hai tháng, sau đó để áp dụng thì cũng mất thêm thời gian.

Nhiều ngành vẫn còn nghe ngóng giá xăng dầu

Trên thị trường vẫn còn hàng loạt mặt hàng như nhựa gia dụng, thực phẩm chế biến… chưa chịu giảm theo giá xăng. Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su nhựa TP.HCM, lý giải hiện nay xăng dầu giảm giá chưa tác động nhiều đến chi phí đầu vào của các công ty cao su, nhựa. Lý do đến thời điểm này giá nguyên vật liệu, giá cước vận tải… vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

“Độ trễ giảm giá của các nguyên liệu đầu vào phải mất một vài tháng mới có thể điều chỉnh. Mặt khác, dự báo trong sáu tháng cuối năm kinh tế thế giới biến động và sức mua trong nước bắt đầu giảm nên sản lượng hàng hóa bán ra thị trường sẽ chững lại. Tình hình sắp tới rất khó đoán nên không biết sẽ điều chỉnh giảm thế nào. Do đó, từ nay đến cuối năm khó có khả năng sẽ giảm giá sản phẩm gồm cả cao su và ngành nhựa gia dụng” - ông Quốc Anh nói.

Tương tự, ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM, giải thích rằng giá hàng hóa cung ứng ra thị trường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chứ không chỉ có giá xăng dầu. “Xăng chỉ là một yếu tố cấu thành trong giá hàng hóa.

Giá hàng hóa còn bị chi phối bởi các yếu tố khác như chi phí vận chuyển, bao bì, vật tư, chi phí điện, nước… Các chi phí này đều chưa có dấu hiệu giảm nên nhiều loại thực phẩm và hàng hóa bán trên thị trường tới nay chưa giảm” - ông Dũng cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, việc giá xăng giảm liên tiếp bốn lần là tín hiệu đáng mừng, giúp chặn đà tăng của giá hàng hóa nhưng vẫn cần có thời gian và độ trễ nhất định. Trong thời gian tới, khi các yếu tố đầu vào của các nguyên liệu khác hạ nhiệt, các nhà sản xuất, kinh doanh sẽ giảm áp lực giá thành hàng hóa, giảm bớt sức ép chi tiêu cho khách hàng.

“Một số mặt hàng với vòng đời ngắn như con giống vật nuôi, rau, thủy hải sản, thịt gà, heo… có thể tính toán để điều chỉnh giảm được ngay” - ông Dũng khẳng định.

Áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ mới hạ nhiệtđược giá hàng hóa

Bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, cho hay cơ quan này đã và đang cùng các bộ, ngành khác kiểm tra, kê khai những mặt hàng chịu ảnh hưởng từ giá xăng dầu. Trường hợp nào có thể giảm giá thì yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh kê khai kịp thời.

“Với mặt hàng xăng dầu, yếu tố chính đẩy chi phí sản xuất lên cao, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất các phương án điều chỉnh giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu ưu đãi MFN...” - bà Nương cho hay.

Đồng quan điểm, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng để giữ mặt bằng giá thì cần đảm bảo được nguồn cầu hàng hóa, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là cắt giảm ở các khâu trung gian để tránh tình trạng “1 kg thịt heo từ trang trại đến điểm bán lẻ tăng giá thêm 170% vì khâu trung gian”. Song song đó, cần cắt giảm các điều kiện, thủ tục kinh doanh không cần thiết, tạo môi trường làm ăn thuận lợi để giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất.

Nguồn: [Link nguồn]

Đà rơi chưa dừng lại, giá thép bao giờ về đáy?

Giá thép giảm 12 lần liên tiếp, cách đáy khoảng 3-4 triệu đồng/tấn. Song, đà giảm chưa dừng lại trong quý III, có thể về đáy khi tồn kho cao...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Uyên ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN