Giá điện tăng từ 1/12: Ai bị tác động nhiều nhất?

Sự kiện: Giá điện 2019

Chiều ngày 1/12, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp báo liên quan đến việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 2017.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cho hay, việc điều chỉnh tăng giá điện dựa trên báo cáo đánh giá về giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016. Tuy nhiên, đây không phải là cơ sở duy nhất để điều chỉnh giá điện lần này.

Giá điện tăng từ 1/12: Ai bị tác động nhiều nhất? - 1

Ảnh minh họa

Liên quan đến tác động của tăng giá điện với người dân và doanh nghiệp, ông Tuấn cho hay: Chúng tôi tính toán, với các hộ thuộc nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ, mức tăng bình quân 5,7%; nhóm khách hàng sản xuất từ 1,4 -6,4%; chi phí của các đơn vị hành chính sự nghiệp tăng 4,97%.

Riêng đối với khách hàng sinh hoạt, mức ảnh hưởng cụ thể như sau: Với các hộ tiêu thụ 50 kWh tăng 3.250 đồng. Hộ tiêu thụ tới 100 kWh tăng 6.600 đồng. Hộ tiêu thụ tới 200 kWh là 13.800 đồng. Với hộ tiêu thụ 300 kWh là 23.600 đồng. Còn hộ tiêu thụ từ 400 kWh/tháng trở lên, chi phí tăng thêm là 34.800 đồng.

Lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực cũng cho hay, theo thống kê năm 2016, có 5,4 triệu khách hàng (chiếm 22,7%) tiêu thụ 50-100 kWh; 4,1 triệu hộ (chiếm 17%) tiêu thụ dưới 50 kWh; Số hộ sử dụng tới 200 kWh là 2 triệu hộ.

"Chính phủ hỗ trợ cho các hộ nghèo, chính sách mức sử dụng điện dưới 50kWh của bậc thang đầu tiên, theo đó các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 51.000 đồng/tháng. Có khoảng 3,5 triệu hộ được hỗ trợ và tổng số tiền hỗ trợ hằng năm là trên dưới 2.500 tỷ đồng", ông Tuấn nói.

Giá điện tăng từ 1/12: Ai bị tác động nhiều nhất? - 2

Ông Nguyễn Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực chủ trì tại cuộc họp

“Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc tăng giá điện làm tăng CPI 0,08%, tăng chỉ số sản xuất 0,07% trong năm 2017”, ông Tuấn cho hay.

Còn ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, EVN hiện đang quản lý 94% việc bán điện trực tiếp cho người dân, với 23,5 triệu hộ. Trong số các hộ này, số hộ dùng điện dưới 200 kWh chiếm 78% (số hộ dùng dưới 50 kWh chiếm khoảng 13%; từ 50- 100 kWh chiếm 32,5%; từ 100- 200 kWh chiếm 32,3%).

Còn các hộ sử dụng từ 200- 300 kWh/tháng chỉ chiếm 11,7%; 300- 400 kWh là 4,5%; và từ 400 kWh trở lên chỉ khoảng 5%.

9.000 tỷ chưa được phân bổ vào giá điện

Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi của báo chí đặt ra là: Việc tăng giá điện có giúp EVN giải quyết dứt điểm khoản chênh lệch tỉ giá lên tới 9.500 tỷ đồng hay không?

Trả lời câu hỏi này, ông Võ Quang Lâm cho biết Chính phủ cho phép EVN phân bổ lỗ tỷ giá từ nay đến năm 2020. Tùy theo tình hình sản xuất kinh doanh các năm, Tập đoàn báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, và các bộ liên quan để giãn phân bổ phù hợp.

Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cũng nói thêm: “Nếu toàn bộ số tiền hơn 9.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá mà đưa hết vào giá điện thì sức ép tăng giá rất lớn. Trong đợt điều chỉnh giá điện này cũng chỉ đưa một phần chênh lệch tỷ giá vào trong giá thành. Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến 2020 sẽ đưa dần chênh lệch tỷ giá vào trong giá điện”.

Tiếp tục trả lời câu hỏi của phóng viên đưa ra về khoản chênh lệch tỷ giá khi đưa vào giá điện lần này sẽ giảm còn bao nhiêu? Nếu chưa đưa hết vào giá điện thì từ nay đến 2020 cần tăng giá điện bao nhiêu lần nữa mới bù đắp đủ khoản lỗ này?

Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Điều chỉnh giá điện theo đúng quy định. Khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Vì thế nếu có tăng thì nhanh nhất cũng phải đến tháng 5/2018 mới được điều chỉnh tiếp. Khoản chênh lệch do tỷ giá sẽ được phân bổ hoàn toàn đến năm 2020”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Giá điện 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN