Gắn tem cho gà: Khó nên gắn vào... lồng

Việc gắn lên chân gà là không khả thi, vì tập quán chăn nuôi của người dân với số lượng lớn, rất khó để gắn tem cho từng con. Trước mắt, sẽ gắn tem lên xe vận chuyển và lên lồng gà

UBND tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản khẳng định, tỉnh này sẽ đảm bảo cung cấp đủ 5 triệu còn gà đồi Yên Thế phục vụ cho nhu cầu ăn tết của người dân thủ đô. Thậm chí, số lượng gà có thể tăng lên 6 triệu con...

Lần đầu tiên nuôi gà đặt hàng

Những ngày này, về Yên Thế, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh các hộ gia đình đang tập trung quây rào, giăng lưới để thả gà chuẩn bị phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Chị Bồ Thị Hương ở xã Tiến Thắng phấn khởi nói: “Thấy xã bảo cứ nuôi không lo đầu ra, vì Hà Nội đã đặt hàng hết rồi. Giờ nhà tôi đang huy động tất cả mọi người vào dựng chuồng trại, mua giống, thức ăn để nuôi”.

Do được đặt hàng trước, nên chị Hương đã mạnh dạn đầu tư nuôi đến 7.000 con. Trước đó, chị cũng đã xuất được 3.000 con, lãi 200 triệu đồng.

Gắn tem cho gà: Khó nên gắn vào... lồng - 1

Người dân Yên Thế (Bắc Giang) phấn khởi đang tiếp tục tăng đàn vì gà được giá.

Cũng như chị Hương, cả gia đình chị Nguyễn Thị Hà (xã Tam Tiến) cũng đang hăng hái chăn nuôi gà để bán cho Hà Nội dịp tết tới. “Nhà tôi đang nuôi 5.000 con, đã được 4 tháng tuổi, chắc chắc đến Tết sẽ xuất chuồng được. Nuôi giống gà này đòi hỏi phải mất nhiều công, thời gian chăm sóc hơn, nhưng được cái có đầu ra, mình cũng yên tâm”.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, thời điểm hiện tại lượng gà đồi Yên Thế tiêu thụ đạt 60 tấn/ngày. Dự kiến, từ nay đến Tết Quý Tỵ, tỉnh Bắc Giang sẽ đảm bảo cung ứng mỗi ngày 20- 25 tấn gà đồi Yên Thế cho thị trường Hà Nội và đạt 120 tấn/ngày trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo Phòng NNPTNT huyện Yên Thế, đến thời điểm này, tổng đàn gà toàn huyện đã đạt trên 6 triệu con. “Nếu Hà Nội đặt hàng toàn bộ số lượng gà trên, chúng tôi cũng sẽ cung cấp cả” - bà Nguyễn Thị Thanh Xuân- Trưởng phòng NNPTNT huyện Yên Thế nói.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều gia đình đã chủ động vào đàn từ sớm, đến nay gà đã đạt 4- 4,5 tháng tuổi. Dự kiến, riêng trong năm nay tổng doanh thu từ gà toàn huyện Yên Thế sẽ đạt 1.400 tỷ đồng.

Ông Lưu Xuân Vượng - Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết, huyện đã có chủ trương tiếp tục hỗ trợ chọn lọc giống, tăng cường quản lý, giám sát chất lượng giống gia cầm ấp nở tại chỗ và nhập từ nơi khác về... “Chúng tôi có đủ khả năng đáp ứng từ 5- 6 triệu con gà trong dịp tết tới” - ông Vượng khẳng định.

Khó triển khai gắn tem cho gà


Một trong những cam kết quan trọng của Bắc Giang khi cung cấp nguồn gà cho Hà Nội là sẽ gắn tem cho vật nuôi. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Xuất - Phó Giám đốc Sở KHCN tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện Sở đang phối hợp với Hội Tiêu thụ gà đồi Yên Thế để triển khai gắn tem cho gà trước khi xuất bán.

Cách chọn gà đồi Yên Thế

Ông Nguyễn Văn Dũng ở thôn Phan, xã Phồn Xương- người nuôi gà đồi Yên Thế lâu năm cho biết, để phân biệt gà đồi Yên Thế với các loại gà khác (nhất là gà Trung Quốc) rất dễ. Gà đồi Yên Thế có lông bóng mượt, gà trống màu lông đỏ tươi và đuôi ngắn (gà trống của Trung Quốc đuôi cong vút); còn gà mái có màu lông vàng, xám (gà mái của Trung Quốc thường có màu lông vàng nhạt, lông thưa và đầu trọc).

Phi Long

Song hiện chủ yếu mới gắn tem cho gà đã chế biến sẵn. Còn đối với gà lông (gà sống), việc gắn lên chân gà là không khả thi, vì tập quán chăn nuôi của người dân với số lượng lớn, rất khó để gắn tem cho từng con. “Trước mắt, Sở KHCN đã hướng dẫn cho người dân gắn tem lên xe vận chuyển và lên lồng gà” - ông Xuất nói.

Trong khi đó, theo Hội Tiêu thụ gà đồi Yên Thế, dù Bộ KHCN đã cấp chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm “Gà đồi Yên Thế”, nhưng để giữ được thương hiệu này cũng không hề đơn giản. Hiện nay, giá gà đang tăng cao (đã đạt ?80.000 đồng/kg), nên người dân cũng chớp thời cơ để bán gà non (gà 80 ngày tuổi) vì sợ giá thị trường bấp bênh. Do đó, gà chưa đủ ngày tuổi xuất bán thường thịt mềm, nhiều nước, không đảm bảo chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Hà - một người nuôi gà ở xã Tam Tiến cho rằng: “Để người dân yên tâm nuôi gà đạt đúng 5 tháng tuổi, các doanh nghiệp phải ký cam kết sẽ thu mua với giá ít nhất 70.000 đồng/kg, thì chúng tôi mới có lãi”.

Ông Bùi Văn Hạnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng cho hay: “Sau nhiều cuộc làm việc, UBND tỉnh Bắc Giang và UBND TP. Hà Nội đã chính thức ký thỏa thuận phối hợp quản lý hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm. Mục đích là nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Hà Nội được tiêu dùng thực phẩm bảo đảm an toàn, gia cầm có nguồn gốc, thương hiệu và chất lượng”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Xuân - Quốc Phương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN