DN phải đóng oan phí đường bộ hàng tỷ đồng?

Với quy định của Bộ Tài chính, những xe sơmi rơmoóc chỉ dùng đặt container lên để làm kho chứa hàng trong các nhà máy cũng sẽ phải nộp phí bảo trì đường bộ. Nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải kêu sẽ phải đóng oan hàng tỷ đồng phí bảo trì.

Phí bảo trì đường bộ sẽ vẫn bắt đầu thu kể từ ngày 1/1/2013, trong khi đó, nhiều nội dung góp ý của doanh nghiệp về việc thu phí theo Thông tư 197/2012/TT-BTC Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đã không được Bộ Tài chính ghi nhận.

Thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hôm 10/12 cho biết, Bộ GTVT đã có thông cáo về việc thu Quỹ bảo trì đường bộ sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2013.

Theo ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh tại TP.HCM, vào tháng 11, VCCI đã gửi công văn tới Bộ Tài chính góp ý dự thảo Thông tư 197. Trong đó có đề nghị bỏ phí cho xe điện và không tính phí riêng cho rơmooc và sơmi rơmooc mà tính vào tổ hợp ô tô đầu kéo rơmooc và ô tô đầu kéo sơmi rơmooc.

DN phải đóng oan phí đường bộ hàng tỷ đồng? - 1

Bộ Tài chính vẫn quyết định thu phí đối với rơmooc và sơmi rơmooc 

Bộ Tài chính cũng đã có công văn cho biết Bộ đã nhận được ý kiến tham gia đóng góp cho dự thảo Thông tư 197 của 58/80 cơ quan, tổ chức. Theo đó, hầu hết các ý kiến đều thống nhất với việc ban hành và nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư. Một số cơ quan, tổ chức có ý kiến về một số nội dung cụ thể như: mức thu phí, việc miễn giảm phí, quản lý sử dụng số tiền phí thu được...

Sau đó, ngày 15/11/2012, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 197, đã bỏ phí cho xe máy điện, miễn thu phí đối với mô tô của các hộ nghèo. Tuy nhiên, vẫn không bỏ phí thu riêng cho rơmooc và sơmi rơmooc mà chỉ điều chỉnh giảm mức thu phí xuống bằng 60% mức thu đối với xe tải cùng tải trọng. Cụ thể, từ 4.960.000 đồng/12 tháng xuống còn 4.200.000 đồng/12 tháng, từ 6.050.000 đồng/12 tháng xuống còn 5.160.000 đồng/12 tháng và từ 8.740 .000 đồng/12 tháng xuống còn 7.740.000 đồng/12 tháng (tùy loại).

Với số lượng 135 xe ô tô chuyên dùng có trọng tải từ 27 tấn trở lên và 1.000 rơ mooc (940 cái loại trên 27 tấn và 60 cái loại dưới 27 tấn), hàng năm Công ty Công Thành sẽ phải đóng gần 9 tỷ đồng phí bảo trì đường bộ. Trong khi thực tế, doanh nghiệp chỉ hoạt động 135 xe ô tô chuyên dùng và 135 rơ mooc. Nếu tính đúng thì số phí bảo trì đường bộ hàng năm doanh nghiệp đóng chỉ vào khoảng gần 3 tỷ đồng. Như vậy, số tiền phải đóng "oan" lên đến hơn 6 tỷ đồng.

Ông Liêm bức xúc: “Trong công văn của Bộ Tài chính không hề nói gì đến những kiến nghị về việc sửa đổi quy định các đối tượng thu phí, phương thức thu phí chưa hợp lý, mà VCCI, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, Hiệp hội Vận tải Ô tô An Giang, Hiệp hội vận tải đường bộ của Đà Nẵng và Hải Phòng, đã gửi lên Bộ Tài Chính. Vấn đề các doanh nghiệp quan tâm nhất lại không thấy Bộ nhắc tới”.

Theo ông Liêm, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, các quy định không phù hợp sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. “Thông tư 197 cần phải được điều chỉnh kịp thời, tránh để tái diễn nhiều trường hợp như thu thuế môi trường đối với túi nhựa PE đựng hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp”, ông Liêm nhấn mạnh.

Bà Lương Phạm Tuyết, Giám đốc Công ty TNHH DV Giao nhận vận tải và thương mại Công Thành ngán ngẩm: “Chúng tôi có thể tăng giá dịch vụ để bù đắp vào phí bảo trì đường bộ đối với những sơmi rơmoóc có hoạt động lưu thông trên đường. Nhưng những sơmi rơmoóc chỉ dùng đặt container lên để làm kho chứa hàng trong các nhà máy thì tăng thu cho ai? Tôi thực sự đang ngồi trên đống lửa, không biết rồi sẽ phải làm thế nào để có thể tồn tại và thích nghi được trong thời gian tới”.

Còn ông Kiều Công Thanh, Giám đốc Cơ khí Kiều Công Thanh thì cho rằng: “Tôi nghĩ doanh nghiệp phải tìm cách mà thích nghi thôi. Trong lúc kinh tế khó khăn như thế này, dù các doanh nghiệp không muốn, nhưng vẫn phải tăng giá dịch vụ. Cuối cùng thì người tiêu dùng phải chịu”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Duy Nguyên (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN