DN chuyển giá: "Chiều quá hóa hư?"

Nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang đối mặt với nghi vấn báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh bằng chiêu trò “lỗ giả, lãi thật”.

Với chiêu báo cáo lỗ, một số DN FDI sẽ “tuồn” lợi nhuận về cho công ty mẹ ở nước ngoài, khiến Việt Nam thất thu ngân sách lớn, bởi các DN FDI được nhận nhiều ưu đãi.

Lỗ thật hay lỗ giả?

Gần 20 năm vào thị trường Việt Nam, Cty Coca-Cola Việt Nam-một “đại gia” đồ uống đã liên tục kê khai lỗ.

Theo báo cáo, con số lỗ luỹ kế của Coca-Cola Việt Nam đến hết tháng 9/2011 lên tới 3.768 tỉ đồng (trung bình 100 tỷ đồng/năm), vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỉ đồng, trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20-30%/năm.

Năm 2010, doanh thu của Coca-Cola Việt Nam đạt 2.529 tỉ đồng nhưng chi phí lại lên đến 2.717 tỉ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc chừng ấy năm, DN này chưa một lần đóng thuế thu nhập DN. Câu hỏi đặt ra là, tại sao khi đầu tư vào Thái Lan, cũng với nguyên vật liệu như thế, Coca-cola lại có lãi?

Tuy kinh doanh “ảm đạm” nhưng DN này tuyên bố trong 3 năm tới sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư thêm 300 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn và các đối tác đóng chai tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2010-2015 lên 500 triệu USD.

DN chuyển giá: "Chiều quá hóa hư?" - 1

Coca-cola Việt Nam "dính" nghi án chuyển giá (ảnh minh họa)

Trước việc Coca -Cola liên tục báo lỗ qua các năm, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó ban Cải cách, Tổng cục Thuế, cho biết đã xác định có dấu hiệu chuyển giá. 

Nhiều DN áp dụng chiêu bài để chuyển giá như: tăng chi phí khấu hao, giảm thu nhập chịu thuế trên cơ sở nâng giá trị tài sản cố định, máy móc, thiết bị và các dịch vụ khác trong góp vốn đầu tư; chuyển giá thông qua việc bán giá sản phẩm, hàng hóa cao hơn hoặc thấp hơn giá trị thực cho các công ty con trong cùng tập đoàn; thông qua nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ kiện cho sản xuất kinh doanh từ nước ngoài theo hướng cao hoặc thấp hơn giá trị thực nhằm tối đa hóa lợi nhuận, tối thiểu hóa nghĩa vụ nộp thuế.

Trong khi đó, PepsiCo Việt Nam cũng báo lỗ liên tục kể từ khi thành lập cho tới năm 2007 với số lỗ lũy kế vượt qua 1.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2010, lỗ lũy kế của Pepsi là 1.206 tỷ đồng.

Không chỉ Coca-Cola hay Pepsi, nhiều tên tuổi hàng đầu thế giới đầu tư ở Việt Nam đã liên tục báo lỗ như Adidas Việt Nam, Metro Cash & Carry...
Giai đoạn từ năm 2001-2009, Metro Cash khai lỗ 1.157 tỉ đồng, nhưng cũng liên tục mở rộng hoạt động đầu tư.

Mới đây nhất, công ty Keangnam-Vina đã bị cơ quan thuế đưa vào tầm ngắm. Được biết, năm 2011, Keangnam-Vina bắt đầu có doanh thu từ dự án Landmark Tower, đạt trên 5.200 tỷ đồng, nhưng công ty này báo lỗ hơn 140 tỷ đồng. Trong hơn 5 năm đầu tư, Keangnam-Vina liên tục báo lỗ vài chục tỷ đồng mỗi năm. Đến hết năm 2011, tổng số lỗ lũy kế lên tới 277 tỷ đồng. Do thua lỗ nên Keangnam-Vina chưa đóng thuế thu nhập DN.

“Chiều quá hóa hư”?

Theo các chuyên gia về thuế, nền công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chậm phát triển chính là lỗ hổng cho các DN lợi dụng.

Hầu hết các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của các DN FDI đều phải nhập khẩu từ Cty mẹ hoặc đối tác do Cty mẹ chỉ định, với giá cao hơn giá thực tế, nguyên vật liệu mà Cty mẹ chuyển cho Cty con là nguyên liệu độc quyền. Hoặc, việc chuyển giá của các DN hoạt động theo mô hình mẹ-con đều được thực hiện theo các hợp đồng thương mại đúng luật...

“Trường hợp Coca-Cola, thường xuyên sử dụng nguyên liệu mua của Cty mẹ với giá cao và bán lại cho Cty mẹ với giá thấp để hưởng chênh lệch rất lớn. Khi mua đã chuyển ra nước ngoài rồi, khi bán lại giá thấp để tránh thuế”, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó ban Cải cách, Tổng cục Thuế, cho biết.

Ngoài ra, ông Tiến cho rằng, hoạt động chuyển giá của các DN có sự hỗ trợ của Cty kiểm toán đứng sau.

“Trong thời gian tới, sẽ yêu cầu cả về trách nhiệm của cơ quan kiểm toán trong kê khai của DN liên kết và nếu xảy ra hậu quả truy thu DN liên kết thì Cty kiểm toán cũng phải có trách nhiệm”, ông Tiến nói.

DN chuyển giá: "Chiều quá hóa hư?" - 2

Metro Cash luôn báo "lỗ" nhưng vẫn mở rộng đầu tư (ảnh minh họa)

Theo luật gia Vũ Xuân Tiền, Hội Luật gia Hà Nội, hành lang pháp lý của chúng ta còn có nhiều kẽ hở. Ngay cả nếu xác định được có hành vi chuyển giá ở các DN thì cũng rất khó quy trách nhiệm pháp lý cho cơ quan thuế cũng như kiểm toán. Bởi Luật Quản lý thuế hiện hành không có điều khoản nào cho phép cơ quan thuế đi kiểm tra các hành vi chuyển giá. Bản thân các cơ quan kiểm toán cũng không có chức năng điều tra.

“Chúng ta chỉ có thể quy trách nhiệm quản lý nhà nước cho cơ quan thuế trong việc chậm phát hiện hành vi chuyển giá, không sớm đề xuất với nhà nước có biện pháp đối phó, đồng thời ban hành các văn bản quy định phù hợp”, luật gia Tiền nói.

Để hạn chế và xử lý hiệu quả hành vi chuyển giá, theo luật gia Vũ Xuân Tiền, chúng ta đã có Luật Quản lý thuế sửa đổi (có hiệu lực từ 1.7.2013), nhưng cần ban hành ngay hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành luật, đồng thời đào tạo đội ngũ nhân sự đủ trình độ, có sự phối hợp với các cơ quan quản lý khác (như Bộ KHCN, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao...). Tuy nhiên, ông Tiền cũng lưu ý: không quản lý chặt sẽ dẫn đến thất thu thuế, nhưng nếu quản lý chặt quá sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Trong khi đó, trong một cuộc trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bù Quang Vinh cho rằng, chúng ta đang ưu đãi DN FDI quá mức cần thiết.

“Chúng ta trải thảm đỏ, thu hút đầu tư bằng mọi giá. Các địa phương thu hút đầu tư FDI rất cởi mở. Để thu hút đầu tư chúng ta đang ưu đãi quá mức cần thiết như: thu hồi đất của nhân dân để giành cho một số DN; miễn thuế tối đa 5 năm, sau đó chỉ phải nộp thuế 50%; 10 năm chỉ thu 10% thuế TNDN. Như vậy, chúng ta phải đặt câu hỏi, DN nuôi địa phương hay địa phương nuôi DN?”, ông Vinh nói.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế (có hiệu lực từ 1/7/2013), đã bổ sung cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA) trong chống chuyển giá ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo đó, Việt Nam sẽ có thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế với người nộp thuế hoặc với cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Trong đó xác định cụ thể căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế theo thị trường…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sơn Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN