Đìu hiu thị trường cuối năm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Thay vì sôi động như mọi khi, sức mua dịp cuối năm 2023 giảm mạnh bởi kinh tế khó khăn, tình trạng mất việc gia tăng. Tình cảnh đìu hiu, ế ẩm ở hầu hết các ngành hàng, sản phẩm khiến doanh nghiệp, tiểu thương không khỏi sốc.

Các thương hiệu tung hàng loạt chương trình giảm giá nhưng không thu hút nhiều khách. Ảnh: Nhàn Lê

Các thương hiệu tung hàng loạt chương trình giảm giá nhưng không thu hút nhiều khách. Ảnh: Nhàn Lê

Sale chồng sale, vẫn ế

Ngày thứ Sáu đen tối (Black Friday) 24/11, hàng loạt thương hiệu, nhãn hàng từ thời trang, mỹ phẩm tại các trung tâm thương mại ở TPHCM như Vincom Đồng Khởi (quận 1), Vạn Hạnh Mall (quận 10), Parkson Lê Thánh Tôn (quận 1)…đều tung chương trình giảm giá sâu, như “mua 1 tặng 1”, “sale đồng giá”, “sale chồng sale”. Tuy vậy, vẫn không có cảnh dòng người chen chân, đổ xô mua sắm như trước đây.

Tranh thủ sau giờ làm, Thanh Ngọc (quận Tân Bình) tới một cửa hàng chuyên thời trang, đồ gia dụng trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1) để mua sắm. Cô gái này cho biết, không ưu tiên giá rẻ mà quan tâm tới chất lượng sản phẩm và nhu cầu sử dụng khi mua hàng. “Mọi khi thấy giá rẻ là tôi tranh thủ mua, nhưng năm nay thu nhập không được như trước, tôi phải cân nhắc xem sản phẩm đó có thực sự cần thì mới quyết định chi tiền” - chị Ngọc nói.

Nhân viên một cửa hàng chuyên mỹ phẩm tại Vincom Đồng Khởi (quận 1) chia sẻ, năm nay cửa hàng tung ra chương trình giảm giá sâu hơn và kéo dài hơn mọi năm, có một số mẫu giảm tới 50 - 70% nhưng sức mua không như kỳ vọng. “Trong năm 2023, chúng tôi cũng triển khai nhiều đợt giảm giá nhưng dịp Black Friday là lớn nhất. Hiện nay, khách thường chọn mua sắm online thay vì mua trực tiếp vì không tốn thời gian di chuyển” - nam nhân viên nói.

Tại nhiều chợ bán sỉ ở TPHCM như An Đông (quận 5), Bình Tây (quận 6), Tân Bình (quận Tân Bình)… tình hình kinh doanh cũng ảm đạm trong thời điểm cuối năm. Sắp xếp lại quần áo chuẩn bị đóng rạp vào lúc hơn 15 giờ, bà Vũ Thị Hậu, tiểu thương ngành quần áo chợ An Đông nói giọng buồn buồn: “Cả ngày hôm nay bán không được cái áo nào nên tôi quyết định nghỉ sớm. Trong tuần đã ít khách, cuối tuần còn thê thảm hơn vì ít khách dạo chợ mua sắm cuối tuần, họ chỉ mua thực phẩm thiết yếu”.

Hơn 10 năm kinh doanh ở chợ, bà Hậu rớm nước mắt vì chưa khi nào gần tới Tết mà tình hình buôn bán thê thảm như năm nay. Bà tìm mọi cách giữ khách như quần áo luôn cập nhật xu hướng mới, chọn sản phẩm vừa túi tiền người dân, chấp nhận lời ít hơn một chút để bán được hàng…

“Nhưng tất cả mọi cố gắng đều gần như quá sức chịu đựng khi chợ gần như chỉ có người bán mà vắng hẳn người mua. Chưa kể các loại thuế, phí, điện nước… luôn chực chờ tăng giá khiến gánh nặng càng tăng thêm”- tiểu thương lo lắng.

Các thương hiệu tung hàng loạt chương trình giảm giá nhưng không thu hút được nhiều khách. Ảnh: PV

Các thương hiệu tung hàng loạt chương trình giảm giá nhưng không thu hút được nhiều khách. Ảnh: PV

Mất việc, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng suy giảm

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM thừa nhận, hiện sức mua nội địa đang yếu và ảnh hưởng sản xuất của doanh nghiệp. Thị trường chỉ khởi sắc với ngành hàng tiêu dùng nhanh, còn nhiều nhóm hàng khác đang tiếp tục khó khăn. “Kinh tế khó khăn, mất việc đang tác động lớn đến nhu cầu mua sắm, tiêu dùng” - ông Hòa nói.

Theo chuyên gia bán lẻ Ngô Đình Dũng, sau dịch COVID-19, nhóm khách hàng bị tác động nhiều nhất là những người có thu nhập trung bình trở xuống, đó là nhân viên văn phòng, người lao động tự do, công nhân tại các nhà máy…

Do thu nhập sụt giảm, đời sống khó khăn nên họ không còn nhu cầu chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu. Đây là nhóm khách hàng chiếm số lượng rất lớn, vì vậy sức mua nói chung trên toàn thị trường sụt giảm hơn các năm trước. Riêng nhóm khách hàng có thu nhập từ mức khá trở lên thì nhu cầu và chi tiêu không thay đổi, tuy nhiên bộ phận này không lớn.

Bà Trần Như Quỳnh, Phó phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TPHCM cho biết, trong 10 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn TPHCM đạt khoảng 578.000 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa đạt so với giai đoạn trước dịch. Điều đó cho thấy sự tăng trưởng chưa bền vững và chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Theo bà Quỳnh, xu hướng tiêu dùng hiện nay trên địa bàn TPHCM đã có nhiều thay đổi trong khi sự bắt nhịp tại chợ truyền thống lại diễn ra chậm, chưa kể các kênh mua sắm online và kênh mua sắm hiện đại ngày càng phát triển cũng là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến mãi lực của chợ truyền thống.

“Sở Công Thương TPHCM đã phối hợp cùng UBND thành phố Thủ Đức và UBND các quận, huyện thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao mãi lực cho chợ truyền thống. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn người dân cũng thắt chặt chi tiêu hơn dẫn đến sức mua giảm.

Những tháng cuối năm, để kéo sức mua tại chợ truyền thống, cần có giải pháp căn cơ hơn với những giải pháp, mô hình phù hợp hơn như giảm giá các mặt hàng thiết yếu, tổ chức các chương trình mua sắm, sự kiện kích cầu tại chợ...” - bà Quỳnh nói.

Mạnh tay xử lý tăng giá bất hợp lý

Theo Sở Công Thương tỉnh Long An, dù kinh tế có hồi phục nhưng thị trường trong nước và xuất khẩu còn hạn chế. Dự báo sức mua Tết Nguyên đán 2024 không có biến động lớn. Hiện tại, các DN tỉnh Long An có kế hoạch dự trữ nguồn hàng tăng khoảng 10-15% so với cùng kỳ. Đồng thời chủ động chuẩn bị nhiều chủng loại hàng hoá đa dạng, phong phú… Đặc biệt, các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh đã được cải tiến, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, trước tình hình nguyên vật liệu, hàng hóa đầu vào và giá xăng tăng, để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, kiểm soát những biến động, sở này phối hợp các đơn vị liên quan theo dõi tình hình, có phương án bình ổn thị trường, triển khai các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng và điều tiết nguồn hàng linh hoạt, kịp thời. Qua đó kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình thị trường, tăng giá bất hợp lý để trục lợi.

“Sở Công Thương tỉnh Long An đã chủ động phối hợp với các DN để có biện pháp điều tiết nguồn hàng khi thị trường có biến động. Khi mua sắm cuối năm, người tiêu dùng cần lưu ý trước thông tin thị trường để mua sắm sản phẩm có giá cả hợp lý” - bà Lệ nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Thứ nhão nhoẹt trước chỉ cho lợn ăn, nay phơi khô bán 650.000 đồng/kg thành đặc sản lạ

Loại cá này thân mềm, thịt nhão, và dễ ươn nên trước đây không được ưa chuộng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhàn Lê - Uyên Phương - Phạm Nguyễn ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN