Điêu đứng vì cam chín bất thường
Còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng hiện các vùng trồng cam Canh lớn ở Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức, Thường Tín... cam bắt đầu đổ màu chín sớm bất thường, khiến nông dân điêu đứng.
Cam chín, rụng bất thườngNgày 7.11, về xã Cao Viên (Quốc Oai), đến đâu chúng tôi cũng thấy các vườn cam chín vàng ruộm, người dân phải thu hái vội, ai cũng thở ngắn than dài. Hỏi ra mới biết, cây cam Canh năm nay không chiều lòng người, chín sớm bất thường. Ông Nguyễn Văn Duệ ở xóm Bãi lắc đầu ngán ngẩm: “Năm nay nhà tôi trồng 2 mẫu cam Canh, thấy quả sai, to đều thì mừng lắm, nhưng gần 1 tháng qua, không hiểu vì sao vườn cam tự nhiên chín sớm. Tôi phải huy động người thu hái vội đem bán hy vọng vớt vát được ít vốn”.
Bà Vương Thị Hải (thôn Đông Hạ, xã Đắc Sở) phải thuê người chặt bỏ diện tích cam và phật thủ chín sớm.
Cũng theo ông Duệ, bình thường cam Canh bán được 40.000 – 60.000 đồng/kg, nhưng nay loại to, đẹp cũng chỉ được 5.000 – 8.000 đồng/kg, còn cam nhỏ thì chả ai mua, phải mang đổ đi.
Vườn cam gần 1ha của gia đình ông Đinh Văn Tuấn (ở cùng xã với ông Duệ) còn thê thảm hơn. Trước đó, ông Tuấn đã mạnh tay vay ngân hàng gần 100 triệu đồng để đầu tư phân bón, thuê người chăm sóc cam, bao nhiêu hy vọng đều đổ vào cây cam, nhưng không ngờ năm nay lại mất mùa, đẩy gia đình ông lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Chỉ vào mấy gốc cam quả chín rụng ngổn ngang, ông Tuấn chán nản nói: “Tôi đã có hơn 10 năm trong nghề trồng cam, cũng nếm đủ mùi cay đắng, nhưng chưa năm nào thê thảm như năm nay.
Khoảng 1 tháng trở lại đây, cây cam đang xanh biếc thì tự dưng lá quắt dần, quả chín từ núm xuống và chín rất nhanh, hiện trên mỗi cây số quả chín đã chiếm tới 70 – 80%. Hàng ngày nhìn cam chín rụng mà như đứt từng khúc ruột”.Tại một số vườn cam ở xã Đắc Sở (Hoài Đức), xã Xuân Phương (Từ Liêm) cũng đang xảy ra hiện tượng tương tự.
Gia đình bà Vương Thị Hải ở thôn Đông Hạ, xã Đắc Sở trồng hơn 2 mẫu cam và phật thủ, nhưng hiện nay cả 2 loại cây này đều bị quả chín sớm, bà phải thuê nhân công về chặt tỉa cam và phật thủ bỏ đi. “Không hiểu vì sao mà cây cứ xấu dần, quả cũng chín theo, bóc cam ra ăn thấy nhạt và đắng, bán chả ai mua nên tôi chặt bỏ để vụ tới trồng cây màu khác”.
Chưa rõ nguyên nhân?
Theo khảo sát của phóng viên NTNN, tại các huyện trên không chỉ có cam chín sớm bất thường mà cả một số diện tích bưởi Diễn, phật thủ cũng có triệu chứng này.
Người dân đang rất hoang mang, lúng túng vì không biết nguyên nhân gây bệnh, dẫn đến tình trạng mỗi nhà chữa trị, phun thuốc một kiểu. Đặc biệt, có hộ cho rằng sương muối là tác nhân gây bệnh chín sớm nên đã dùng thuốc chống sương phun lên lá và quả. Đơn cử như hộ ông Đinh Văn Tuấn ở xóm Bãi (xã Cao Viên), vườn cam nhà ông đang phun thuốc chống sương và thuốc kích thích rễ, tưới cho cây 10 ngày/lần, trong khi đó vẫn hái cam chín chở vào nội thành bán.
Chưa thống kê thiệt hại Hà Nội hiện có 16.000ha trồng cây ăn quả, trong đó diện tích cam Canh khoảng 850ha, phân bố chủ yếu ở các huyện Thanh Oai, Thường Tín, Hoài Đức… và ở các vùng này cam đều có tình trạng chín sớm bất thường, song đến nay vẫn chưa có thống kê diện tích thiệt hại. |
Trao đổi với bà Đăng Thị Thu Thủy – Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Hoài Đức về tình trạng trên, bà cho biết: “Chúng tôi chưa kiểm tra, nhưng với các triệu chứng như lá cam nhỏ dần và bị vàng, có gân xanh, quả chín từ núm chín xuống thì rất có thể cam đã bị bệnh Greening (một loại bệnh phổ biến trên cây cam), do vi khuẩn và môi giới truyền bệnh là con rầy chổng cánh gây nên”.
Bà Thủy cho biết thêm: Hiện chưa có biện pháp cũng như loại thuốc trừ sâu nào chữa được loại bệnh trên, song trước mắt, chúng tôi sẽ khuyến cáo bà con không nên phun thuốc trừ sâu bừa bãi mà nên áp dụng ngay các biện pháp nông học như cắt tỉa cành, vệ sinh vườn sạch sẽ.
Ngoài ra, bà con cần đào mương, rãnh giúp thoát nước để cho đất không bị thừa nước, gây thối rễ.
Đại diện Phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Hà Nội) cũng cho biết, hiện Sở đã nắm được thông tin về tình hình cam, bưởi chín sớm bất thường ở các huyện ngoại thành. Nguyên nhân ban đầu có thể là do năm nay mưa nhiều, dẫn đến cây bị hỏng rễ, làm quả chín sớm. Hiện Sở đang tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu rõ nguyên nhân.