Đau đầu vì... tăng giá
Giá xăng dầu, gas, điện đua nhau tăng đang đè nặng áp lực đối với doanh nghiệp và ảnh hưởng mạnh đến đời sống người dân
Mới bước qua đầu tháng 8-2012, giá gas, giá xăng dầu đều tăng mạnh (gas tăng 52.000 – 56.000 đồng/bình, xăng dầu tăng 400 – 900 đồng/lít). Trước đó, trong tháng 7, giá xăng dầu cũng đã tăng thêm 300 - 400 đồng/lít, giá điện tăng 5%. Áp lực tăng giá đang đè nặng lên các doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng.
Gánh nặng chi phí
Nhiều DN cho biết giá điện, gas, xăng dầu tăng dồn dập như hiện nay chẳng khác nào bóp chết dần DN. Hàng hóa tồn kho lớn, nay đủ thứ chi phí đầu vào tăng đã cắt đứt mọi nỗ lực tiêu thụ hàng hóa của DN.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết nếu vì giá xăng dầu, điện, gas tăng cao mà DN điều chỉnh giá bán thì sẽ tự giết mình nên không còn cách nào khác ngoài việc cắn răng chịu đựng. Cũng theo ông Mười, giá bán các loại thực phẩm tươi sống của Vissan đang rơi vào tình trạng lỗ, nếu các chi phí đầu vào vẫn tiếp tục căng thẳng kéo dài sẽ vượt quá sức chịu đựng của DN.
Trong khi đó, ông Tăng Quang Trọng, Giám đốc kinh doanh Đông Dương Công ty Nhựa Đại Đồng Tiến, cho biết DN đang giải quyết hàng tồn bằng nhiều hình thức khuyến mãi. Nay giá đầu vào như điện, xăng dầu lại tăng, nếu phải cắt các chương trình khuyến mãi này thì hàng hóa tiếp tục khó tiêu thụ.
Khách hàng mua thực phẩm tại siêu thị Lotte Mart - TPHCM.
Các DN vận tải taxi cũng than thở đợt tăng giá xăng lần trước 400 đồng/lít đã gây khó cho họ. Nay, giá xăng tăng tiếp 900 đồng/lít càng thêm áp lực với họ. Nếu vài tuần tới, giá xăng không giảm, buộc họ phải điều chỉnh giá cước tăng ít nhất 500 đồng/km...
Trong lĩnh vực sản xuất, ngành thép, xi măng chịu tác động rất lớn từ giá xăng dầu tăng (mỗi tấn thép sản xuất phải tốn khoảng 60 lít dầu, chưa kể chi phí vận chuyển hàng hóa cũng rất lớn). Tuy nhiên, do sức tiêu thụ quá kém, những mặt hàng này còn phải giảm giá để kích cầu 50.000 - 100.000 đồng/tấn. Nay, DN phải gồng mình gánh thêm giá xăng dầu, điện.
Khó giữ giá ổn định
Khảo sát tại các chợ lẻ ở TPHCM cho thấy nhiều mặt hàng thực phẩm đang đứng ở mức khá cao. Các tiểu thương cho biết sau 2 đợt tăng giá xăng dầu mới đây, ngay lập tức,những người chở hàng từ chợ đầu mối về chợ lẻ đã đòi tăng giá thêm vài chục ngàn đồng cho một tua lấy hàng. Tuy nhiên, theo bà Quách Thị Diệu, bán rau củ ở chợ Thái Bình (quận 1 - TPHCM), do ế ẩm nên tiểu thương không dám tăng giá lúc này. Vả lại, giá rau củ gần đây đã bị đẩy lên quá cao, nếu tăng giá nữa xem như mất khách nên tiểu thương phải nghe ngóng thêm thời gian nữa.
Trong khi đó, ông Huỳnh Hữu Tuấn, quản lý siêu thị Citimart Bình Thạnh, cho biết vừa nhận được thông báo tăng giá một số sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng, với mức tăng khoảng 10%. Theo ông Tuấn, chu trình tăng giá hàng hóa thường rơi vào tháng 6, tháng 9, tháng 12. Với giá xăng dầu tăng như hiện nay thì từ giữa tháng 8 này, sẽ có thêm nhiều nhà sản xuất, nhà cung cấp đòi tăng giá.
Hiện nhiều siêu thị trên địa bàn TPHCM đang khuyến mãi rầm rộ, người tiêu dùng đang có cơ hội mua hàng giá rẻ nhưng do kinh tế khó khăn nên sức mua chỉ tăng nhẹ. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết doanh số tăng chủ yếu tập trung ở nhóm hàng có khuyến mãi nên thời điểm này, giá đầu vào tăng càng gia tăng áp lực cho DN.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc Maximark Cộng Hòa, cho rằng nhờ khuyến mãi nên doanh thu nhiều DN có tăng nhưng lợi nhuận đang giảm 10% - 15%. “Thực tế là cung đang rất nhiều mà cầu rất ít. DN tăng giá thời điểm này phải chịu rủi ro hàng bán chậm, không đạt doanh số nên luôn phải tính toán rất kỹ. Tăng giá là bất khả kháng” - bà Nguyễn Thị Phương Thảo nhìn nhận.
Người tiêu dùng kiệt quệ Anh Nguyễn Thanh Hùng, nhà ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh - TPHCM, than: “Tôi làm ở KCN Vĩnh Lộc, mỗi ngày đi gần 50 km, cứ 2 ngày là tốn 50.000 đồng tiền xăng. Tính ra, mỗi tháng tôi tốn khoảng 700.000 đồng tiền xăng. Lương tôi 6 triệu đồng/tháng, vợ may gia công ở nhà nên thu nhập không là bao. Nay giá điện, gas, xăng dầu... đua nhau tăng, kéo theo quá nhiều khoản phải chi tiêu thêm (chỉ riêng xăng tăng thêm 900 đồng/lít, tính sơ sơ mỗi tháng phải chi thêm 50.000 đồng tiền xăng) nên chúng tôi rất lo”. |