Đặt tên doanh nghiệp: Hướng dẫn mù mờ
Những hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL trong Thông tư 10 - 2014 khó áp dụng, khó xác định trên thực tế.
Ngày 1-10, Bộ VH-TT&DL ban hành Thông tư 10/2014 hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp (DN) phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Những hướng dẫn về cách đặt tên trong Thông tư 10 này không phải là mới khi các nội dung đã được quy định tại Điều 32.3 Luật DN 2005 và Điều 14.3 Nghị định 43/2010 về đăng ký DN trước đó.
Thông tư 10 làm bùng phát trở lại những tranh luận về cách đặt tên DN vốn đã âm ỉ từ thời điểm Luật DN 2005 được ban hành.
Đối tượng áp dụng chưa rõ ràng
Khoản 2 điều 1 (sau đây viết tắt là điều 1.2) Thông tư 10 quy định sẽ “áp dụng với các tổ chức, cá nhân đăng ký DN và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Đối tượng điều chỉnh theo quy định này là rất rộng, bao gồm các cá nhân, tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện đăng ký kinh doanh: đăng ký thành lập mới DN, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, phạm vi của các đối tượng điều chỉnh theo Điều 1.2 Thông tư 10 đã bị thu hẹp lại bởi chính Điều 4.1 khi quy định rằng chỉ có “tổ chức, cá nhân khi đăng ký thành lập DN có trách nhiệm tuân thủ các quy định tại thông tư này”. Nghĩa là chỉ phải tuân theo quy định này khi đăng ký thành lập mới DN. Vậy liệu khi thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, ví dụ như đổi tên DN, DN có cần phải tuân thủ điều này hay không?
Đăng ký mới DN có thể bị từ chối vì lý do sử dụng tên danh nhân. Ảnh minh họa: HTD
Những trường hợp đặt tên DN vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc chưa được quy định tại Luật DN 2005 và Nghị định 43 thì nay được bổ sung tại Điều 2 và Điều 3 Thông tư 10. Từ những tranh cãi đã có trước khi Thông tư 10 được ban hành, người dân, DN và thậm chí là cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh kỳ vọng rằng sẽ có những hướng dẫn rõ ràng hơn của Bộ VH-TT&DL về cách đặt tên DN. Song, những hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL trong Thông tư 10 lại rất mơ hồ, khó áp dụng và xác định trên thực tế.
Điều 2 và Điều 3 Thông tư 10 đã liệt kê những trường hợp đặt tên DN vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Ví dụ như sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược, tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ; hoặc là sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện hoặc ám chỉ sự phân biệt, kỳ thị vùng miền, dân tộc, tôn giáo, chủng tộc, giới tính… Thông tư 10 lại không đưa ra bất kỳ khái niệm nào về “danh nhân”, “nhân vật lịch sử” và cũng không đưa ra được danh sách danh nhân, nhân vật lịch sử, địa danh hay từ ngữ, ký hiệu được coi là vi phạm để DN và cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh có cơ sở đối chiếu và tuân thủ. Điều này có thể gây ra sự lúng túng cho DN lẫn cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh. Ví dụ như hồ sơ đăng ký thành lập mới DN có thể bị từ chối tùy tiện vì lý do sử dụng tên danh nhân trong khi chưa có bất kỳ danh sách danh nhân nào để xác định.