CPI tháng 7 tăng nhẹ nhờ xăng dầu

Theo công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tiếp tục tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 2,48% so với tháng 12 năm trước. Tính bình quân, CPI 7 tháng đầu năm 2016 đã tăng 1,82% so với cùng kỳ năm 2015.

CPI tháng 7 tăng nhẹ nhờ xăng dầu - 1

Ảnh minh họa.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có tới 8 nhóm tăng, 2 nhóm giảm. Trong đó, nhóm giao thông tăng cao nhất 1,19%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,14%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,09%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,04%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; Văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,01%. 

Theo báo cáo này, nhóm giáo dục không thay đổi. Có 2 nhóm hàng giảm là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,05% và bưu chính viễn thông giảm 0,1%.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá cho biết, nguyên nhân làm tăng CPI tháng 7.2016 do nhóm giao thông tăng mạnh. Nhóm giao thông có được sự bứt phá đó chủ yếu do mặt hàng xăng dầu tăng cao từ lần điều chỉnh tăng giá ngày 4.6.2016. Mặc dù, có hai đợt giảm giá vào ngày 20.6.2016 và ngày 5.7.2016 với tổng hai lần giá giảm là 540đ/lít.

Cũng do tác động của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu, chỉ số giá nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng cũng đã tăng 0,14% so với tháng trước. Sau các đợt điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ, giá dầu hỏa bình quân tháng 7 vẫn cao hơn tháng 6 là nguyên nhân chính đẩy chỉ số giá của nhóm tăng cao mặc dù cũng có tác động giảm giá đến từ các nhóm hàng gas hay sắt thép.

Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện, nước của người dên tăng lên, làm cho giá nước sinh hoạt tăng 0,14%, giá điện sinh hoạt tăng 1,16% và một số mặt hàng như máy điều hòa, tủ lạnh, quạt điện đều có sự tăng giá.

Cũng trong tháng 7.2016 diễn ra kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học Quốc gia năm 2016, nên nhu cầu đi lại và ăn uống ngoài gia đình tăng. Giá một số mặt hàng ăn uống ngoài gia đình tháng này tăng, làm cho chỉ số giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 0,11%.

Tác động tâm lý từ việc Anh rời EU, giá vàng trong nước có lúc đã tăng ở mức gần 40 triệu đồng một lượng, chênh lệch khá xa giữa giá mua - bán và giá thế giới sau khi quy đổi. Tuy nhiên ngay sau đó giá vàng trong nước đã nhanh chóng quay đầu giảm về mức trên 37 triệu đồng một lượng. Chỉ số giá vàng tăng mạnh trong tháng 7, tới 5,36%, đã góp phần vào mức tăng chung của CPI cả tháng.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 7.2016 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,85% so với cùng kỳ; 7 tháng năm 2016 so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,81%.

Trong tháng 7, lạm phát chung của tháng có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản của tháng, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố khách quan có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu.

Bình quân 7 tháng qua so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung (tăng 1,82%) và lạm phát cơ bản (tăng 1,81%) gần tiệm cận với nhau, điều này thể hiện, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Vụ Thống kê giá cũng dự báo CPI tháng 8 sẽ tăng nhẹ so với tháng trước do một số yếu tố như: Giá dịch vụ y tế tăng đợt 1 (17 tỉnh, thành phố tăng); Học phí các cấp học từ mầm non đến đại học tăng; nhu cầu về sách vở và đồ dùng học tập.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Lâm (Một thế giới)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN