Chấn động vụ bê bối trốn thuế toàn cầu

Chiếc ổ cứng chứa tới 2,5 triệu tập tin lưu trữ thông tin liên quan đến 120.000 chi nhánh nước ngoài của hàng loạt công ty, quỹ đầu tư cùng 130.000 cái tên hoàn toàn xa lạ đã khiến người đứng đầu Liên hiệp Phóng viên điều tra quốc tế (ICIJ) Gerard Ryle ban đầu còn không biết ông vừa nhận được gì.

Việc tìm hiểu bắt đầu từ những danh tính đến từ khắp nơi trên thế giới không ngờ đã hé mở những bí mật khủng khiếp. Cuộc điều tra quy mô với sự tham gia của 86 phóng viên tại 46 quốc gia trong vòng 15 tháng cuối cùng đã bắt những con số vô tri vô giác phải nói lên sự thật về sự tồn tại của một nền tài chính đen khổng lồ trên thế giới.

32.000 tỷ USD là con số mà nhóm thành viên của ICIJ đưa ra để ước tính số tiền thuế đã được luồn lách khỏi bảng thuế vụ của ít nhất 170 nước trong nhiều năm qua. Bằng nhiều cách thức tinh vi, số tiền kếch xù bằng cả GDP của hai cường quốc thế giới là Mỹ và Nhật Bản cộng lại, thay vì phải được đóng góp vào ngân sách của các quốc gia, nhưng cuối cùng lại vẫn nằm trong tay những chủ nhân giàu có.

Không phải là những trò gian lận ăn chia cò con, mà cả một guồng máy vô cùng chuyên nghiệp, từ các ngân hàng danh tiếng bậc nhất thế giới như Clariden, UBS (Thụy Sĩ) và Deutsche Bank (Đức) đến hệ thống kế toán, môi giới và các dịch vụ khác, đã được hình thành để giúp những người trốn thuế giữ được tiền song không bị lộ danh tính thông qua hàng loạt doanh nghiệp ma. Thế nhưng, trò "đánh lận con đen" sẽ khó mà "đầu xuôi đuôi lọt" nếu như không có các "thiên đường thuế".

Chấn động vụ bê bối trốn thuế toàn cầu - 1

Quần đảo Virgin thuộc Anh đã nổi lên như một “thiên đường thuế”.

Chắc hẳn tác giả của những ý tưởng tạo ra những khu vực có chính sách thuế khóa dễ chịu, nhằm xây dựng các trung tâm tài chính đặc biệt của thế giới, sẽ khó mà tưởng tượng được tác phẩm của họ có ngày được biến hóa thành những "thiên đường trốn thuế". Với những phanh phui của ICIJ, quần đảo Virgin và Cayman của Anh, Cook của New Zealand… lần lượt được xem là địa chỉ lý tưởng của các hoạt động "chôn tiền, né thuế" của thế giới.

Chẳng thế mà, dù với số dân ít ỏi nhưng những địa danh này đều là quê hương của hàng nghìn công ty hay quỹ đầu tư để giúp các ông, bà chủ thật sự của chúng tránh được những khoản tiền thuế cực lớn ở chính quốc trong khi vẫn mai danh ẩn tích.

Song, vải thưa chẳng mãi che được mắt thánh. Với kho dữ liệu đồ sộ mà ICIJ cho là lớn nhất trong lịch sử báo chí thế giới từ trước đến nay, một loạt những cái tên gồm cả những chính khách, nhà tài phiệt đến nhà sưu tầm nghệ thuật… khắp hành tinh đã phải lộ diện.

Nhờ có việc công bố được ví như vụ WikiLeaks thứ hai, những khối tài sản khổng lồ bị "mất tích" của gia đình Tổng thống Azerbaijan, vợ Phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov, Phó Chủ tịch Hạ viện Mông Cổ Bayartsogt Sangajav, thủ quỹ chiến dịch tranh cử năm 2012 của Tổng thống Pháp Francois Hollande, Jean Jacques Augier hay Thống đốc tỉnh Ilocos Norte (Phillipines), Maria Imelda Marcos Manotoc… đã được lần ra dấu vết. Công việc khác nhau, vị trí không giống nhau nhưng những "khách hàng" của bản danh sách đen lớn gấp 160 lần những gì mà ông chủ Julian Assange của WikiLeaks có được, đều chung một đặc điểm, đó là sự siêu giàu có.

Do vậy, quả bom sự thật mà ICIJ vừa kích hoạt đã tạo nên những khúc mắc về tính công bằng của việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Trong khi những người lao động bình thường nhất vẫn ngày ngày đóng góp cho ngân sách đất nước thì những người giàu có, với khối tài sản lớn như trong mơ, lại ung dung tận hưởng trọn vẹn với các kế hoạch "đi đêm" cực kỳ bài bản và công phu.

Sự thật đáng buồn ấy cũng cho thấy những góc tối của hệ thống tài chính thế giới. Rõ ràng là, bất chấp những biện pháp tích cực về thuế vụ của các quốc gia, cùng với sự chồng chéo, thiếu thống nhất theo kiểu "mạnh ai nấy làm" đang diễn ra, đã tạo những kẽ hở phi lý cho các hoạt động gian lận thuế khóa, tài chính và thậm chí là rửa tiền tầm cỡ quốc tế. Nhưng cùng với đó, nhiều bài học nhãn tiền cũng đã lộ ra.

Thảm cảnh của đảo Síp, nơi từng được xem là "thiên đường tài chính" là một điển hình đau lòng. Nhiều người cho rằng, nếu không phải vì ôm mộng giàu nhanh đến mức bất chấp rủi ro để "cõng" trên lưng các khoản tiền gửi cả hợp pháp lẫn phi pháp gấp gần 4 lần GDP quốc gia, quốc đảo xinh đẹp sẽ không rơi vào túng quẫn.

Đó chính là lời cảnh báo đối với nhiều "thiên đường thuế" hiện nay như Malta, Luxembourg, Hà Lan, Dubai…

Trở lại chuyện người giàu trốn thuế, chắc không cần lý giải nhiều để thấy sự nguy hiểm của việc né tránh thuế vụ đối với nền kinh tế một đất nước. Về vấn đề này, Hy Lạp hẳn có kinh nghiệm xương máu. Cần biết rằng, trước khi bị đẩy đến bờ vực vỡ nợ, nền kinh tế xứ sở Thần thoại ước tính bị thiệt hại 30 tỷ USD mỗi năm vì các hoạt động trốn thuế. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vân Khanh (Hà Nội mới)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN