Bộ Tài chính: Xăng giảm giá 8 lần, giá tiêu dùng "đứng im"
Giá xăng giảm 8 lần, dầu diezen giảm 15 lần nhưng giá hàng hóa tiêu dùng chưa giảm. Bộ Tài chính yêu cầu xử lý nghiêm các doanh nghiệp vận tải vi phạm.
Đó là nội dung trong công văn về tăng cường quản lý giá trên địa bàn do Bộ Tài chính ban hành ngày 6/11.
“Mỗi lần giá xăng dầu tăng, tôi đi mua bánh mì thì đều thấy giá tăng lên”, Thứ trưởng Bộ Công thương nói
Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm 2014 đến nay, giá xăng đã điều chỉnh tăng 5 lần, giảm 8 lần; giá dầu diezen đã điều chỉnh tăng 4 lần, giảm 15 lần. Tuy nhiên, qua theo dõi và phản ảnh của các phương tiện thông tin đại chúng thì giá các mặt hàng tiêu dùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của giá nhiên liệu trên thị trường chưa giảm. Trong đó cước vận tải là loại giá chịu sự tác động trực tiếp của giá xăng dầu cũng chưa giảm tương ứng gây nên nhiều ý kiến trong dư luận xã hội.
Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp vận tải chấp hành nghiệp quy định về quản lý vận tải, giá cước. Bộ Tài chính cũng đề nghị chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải tính toán lại giá hành sao cho phù hợp với biến động của chi phí nhiên liệu.
Các doanh nghiệp vi phạm cần phải bị xử lý nghiêm, công văn của Bộ Tài chính nêu.
Bộ này cũng đề nghị các cơ quan như UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, Cục Thuế… rà soát giá cước vận tải, nếu chi phí xăng dầu giảm làm giảm giá thành vận tải thì các doanh nghiệp phải kê khai lại giá cước sao cho phù hợp. Tình hình triển khai và kết quả báo cáo giá thị trường định kỳ phải gửi về Cục Quản lý giá.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, là người dân, ông cũng rất bức xúc khi giá xăng đã giảm 8 lần mà giá các mặt hàng thực phẩm, hàng thiết yếu vẫn cao chót vót.
Ông Hải lấy ví dụ về giá… bánh mỳ. “Mỗi lần giá xăng dầu tăng, tôi đi mua bánh mì thì đều thấy giá tăng lên, người bán hàng giải thích là do tăng giá xăng dầu. Nhưng nay giá xăng giảm 8 lần rồi mà giá chiếc bánh mì đó vẫn không hề giảm”, ông Hải nói.