3,18 tỷ USD cho dự án lọc dầu Vũng Rô

UBND tỉnh Phú Yên cho biết cơ quan này đang hoàn chỉnh các thủ tục cuối cùng để có thể cấp giấy phép đầu tư điều chỉnh cho dự án lọc dầu Vũng Rô tại khu kinh tế Nam Phú Yên.

Dự án lọc dầu Vũng Rô đã được cấp phép đầu tư từ năm 2007 với công suất 4 triệu tấn/năm, quy mô vốn đầu tư 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ về thị trường, chủ đầu tư của dự án này, tập đoàn Technostar Management Ltd (Anh) đã quyết định sẽ nâng công suất lên gấp đôi là 8 triệu tấn/năm với mức vốn đầu tư mới là gần 3,18 tỷ USD.

Với việc tăng quy mô và vốn đầu tư, địa điểm của dự án cũng sẽ được thay đổi, theo đó thay vì triển khai tại địa điểm cũ có diện tích 185,1 ha tại làng Thượng, xã Hòa Tâm và xã Hòa Xuân Nam thì tới đây nhà máy này sẽ được xây dựng trong khu công nghiệp Hòa Tâm.

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn (công ty UOP-Hoa Kỳ), địa điểm cũ không phù hợp để xây dựng nhà máy với công suất 08 triệu tấn/năm, do địa hình bốn phía đều là núi nên việc mở rộng diện tích là không thể thực hiện được và gây ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực.

Do vậy, nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh địa điểm vào khu công nghiệp Hòa Tâm và đã được Phú Yên xem xét, cân nhắc chấp thuận làm các thủ tục để trình Chính phủ xin nâng công suất từ 04 triệu tấn/năm lên 08 triệu tấn/năm và điều chỉnh địa điểm.

3,18 tỷ USD cho dự án lọc dầu Vũng Rô - 1

Khu vực Bãi Gốc, nơi sẽ đặt cảng chính của nhà máy lọc dầu Vũng Rô

Bản thân khu công nghiệp Hòa Tâm cũng là khu vực dành cho công nghiệp lọc hóa dầu đã được xác định trong quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Nam Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1712/QĐ-TTg ngày 23/10/2009.

Trao đổi với PV, ông Trần Quang Nhất, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nói đây là ”dự án đầu tư có quy mô lớn, là hạt nhân của khu kinh tế Nam Phú Yên, có ý nghĩa quyết định trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Phú Yên và là dự án góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”.

Chính vì vậy, sau khi Phú Yên đề xuất, việc điều chỉnh quy mô công suất lên 08 triệu tấn/năm và điều chỉnh địa điểm của dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Thông báo số 52/TB-VPCP ngày 1/2/2013 của Văn phòng Chính phủ.

UBND tỉnh Phú Yên kỳ vọng dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô sẽ trở thành dự án mồi quan trọng để thu hút đầu tư các dự án khác vào khu công nghiệp Hòa Tâm, đặc biệt là các dự án về hóa dầu và công nghiệp phụ trợ sau lọc dầu, cùng với việc lợi thế về sử dụng chung cảng nước sâu Bãi Gốc.

Nhận định về dự án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cũng đã có văn bản trình Chính phủ thể hiện sự ủng hộ việc cấp giấy phép điều chỉnh cả về quy mô và địa điểm đầu tư.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, với vị trí là một dự án trọng điểm, nhà máy lọc dầu Vũng Rô cần được hưởng những ưu đãi cao nhất, tương tự như các dự án lọc dầu khác. Cụ thể, dự án cần được miễn tiền thuê đất, áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% suốt đời dự án, thuế nhập khẩu dầu thô 0% suốt đời dự án và một loạt ưu đãi khác.

Theo tính toán của chủ đầu tư, khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ đóng góp cho ngân sách khoảng 111 triệu USD mỗi năm, cùng với đó là việc giải quyết khoảng 1.300 lao động trực tiếp. Không chỉ vậy, dự án còn cung cấp một lượng xăng dầu lớn cho thị trường nội địa, giảm áp lực nhập khẩu trực tiếp như hiện nay.

Hiện tại, chủ đầu tư đã ký đồng mua bản quyền công nghệ và thiết kế kỹ thuật tổng thể từ hãng UOP của Mỹ và đang tích cực chuẩn bị cho việc ký hợp đồng tổng thầu. Cho đến nay, chủ đầu tư đã giải ngân 42 triệu USD cho dự án này và cam kết sẽ rót ngay 287 triệu USD cho nhà tổng thầu ngay sau khi hợp đồng EPC được ký kết.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Phạm Đình Cự, cho biết với nỗ lực hết mình của các bên liên quan, dự án này có thể khởi công ngay trong năm 2013. Theo cam kết của chủ đầu tư, sau 4 năm xây dựng, dự án sẽ bắt đầu đi vào sản xuất chính thức.

"Chúng tôi đã và đang nỗ lực hết mình để triển khai dự án quan trọng này nhằm phát huy lợi thế tự nhiên của khu vực Vũng Rô, nhằm tạo đà phát triển cho Phú Yên nói riêng và khu vực Trung Bộ nói chung", ông cho biết.

Chủ đầu tư mới đây cũng đã tính toán rằng việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng của dự án sẽ tiêu tốn đến 320 triệu USD. UBND tỉnh Phú Yên hiện đang kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 160 triệu USD, tức 50% trong số này. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, chủ đầu tư sẽ tự bỏ vốn để hoàn tất công việc này trước. Trước mắt, chủ đầu tư đã đặt cọc 5 triệu USD cho UBND tỉnh Phú Yên để làm cơ sở cho các bước hoạt động tiếp theo.

Việt Nam hiện đã có nhà máy lọc dầu Dung Quất công suất 6,5 triệu tấn/năm và đang chuẩn bị xây dựng thêm nhà máy lọc dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn/năm.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoài Ngân (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN