20% doanh nghiệp thép có thể phá sản

Nhiều doanh nghiệp thép đã chết lâm sàng, có doanh nghiệp đang chạy nợ, xù tiền lương công nhân, bảo vệ.

Nhiều doanh nghiệp (DN) thép cho rằng mức lãi suất cho vay 13%-15%/năm vẫn cao so với thực tế của DN sản xuất. Các DN mong muốn ngân hàng giảm lãi suất về mức 7%-9% nhằm hỗ trợ DN cải thiện sản xuất, kinh doanh, đầu tư, đồng thời tìm hướng giải quyết hàng tồn kho.

Đó là những trăn trở của đại diện các DN tại Hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) diễn ra ngày 27-7 tại Hà Nội.

Mong lãi suất 7%-8%/năm

“Chưa khi nào lượng thép dư thừa nhiều như sáu tháng qua. Những năm trước, mỗi tháng dư thừa 250.000-300.000 tấn thép được xem như gối đầu cho tháng sau. Thế nhưng hiện nay lượng thép tồn đọng hơn 350.000 tấn, trong khi tiêu thụ chỉ còn 300.000 tấn/tháng” - ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lo lắng.

Theo ông, lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 6 đạt khoảng 380.000 tấn, giảm 12% so với tháng trước. Tính chung sáu tháng, sản lượng toàn ngành thép ước đạt 2,38 triệu tấn, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước và lượng thép tiêu thụ chỉ đạt 2,22 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo có khoảng 20% DN thép phá sản trong năm 2012.

Ông Trần Xuân Dương, Tổng Giám đốc Thép Hòa Phát, nêu thực trạng thép xây dựng chiếm 3/4 nhu cầu thép của Việt Nam nhưng gần đây đã suy giảm hơn 10% do thị trường bất động sản trầm lắng, kinh tế khó khăn nên đầu tư vào xây dựng đang ở tình trạng cầm cự. Hiện tại Thép Hòa Phát đang cắt giảm 10%-15% năng suất để giảm lượng tồn kho.

Lãnh đạo VSA cho biết dù nhiều lần kiến nghị với Bộ Công Thương về việc lãi suất cao khiến DN sản xuất gặp khó nhưng mức lãi suất đưa về dưới 15%/năm chưa giải quyết được vấn đề gì cho DN. Với mức đó, mỗi tháng DN phải trả thêm tiền lãi hơn 200.000 đồng/tấn. Vì thế Ngân hàng Nhà nước cần có chỉ đạo hạ lãi suất cho vay xuống mức 7%-9%/năm.

20% doanh nghiệp thép có thể phá sản - 1

Thị trường bất động sản trầm lắng là một trong những nguyên nhân tăng lượng tồn kho thép

Mối lo thép Trung Quốc

Không những thế, ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt-Ý, cho biết thời gian qua các DN thép Việt Nam còn phải chịu sức ép từ sản phẩm nhập khẩu, nhất là sản phẩm Trung Quốc. Với lợi thế về lãi suất, thuế, trợ giá, khi vào thị trường Việt Nam giá thép cuộn nhập khẩu rẻ hơn thép trong nước hơn 1 triệu đồng/tấn khiến cho sản phẩm của DN Việt Nam rất khó cạnh tranh.

Đồng quan điểm, ông Trần Xuân Dương nói thêm, hiện nay thị trường phía Nam đang nhập 200.000-300.000 tấn thép dây từ Trung Quốc. Nếu không có biện pháp ngăn chặn thì nguy cơ thép Trung Quốc tràn mạnh hơn nữa vào Việt Nam là khó tránh khỏi.

Ông Nguyễn Trọng Khôi, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh khó khăn ở thị trường trong nước và sự cạnh tranh với DN nước ngoài, DN trong nước phải đoàn kết cùng nhau hỗ trợ vượt qua khó khăn, giữ giá thị trường. Bởi DN nước ngoài sẽ nghe ngóng tình hình giá cả, tiếp tục có những đợt giảm giá mới. Bên cạnh đó, theo ông, để tìm đầu ra, bản thân các DN cần giảm tiêu hao nhiên liệu đầu vào, tìm hợp đồng mới, hướng thị trường xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, Trung Đông, Bắc Phi, tập trung vào sản xuất thép mạ kẽm, tôn…

Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của DN thì ngân hàng cần có phương án hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp hơn. “Để giảm giá thành thì phải có vốn lãi suất thấp phục vụ sản xuất, mở rộng nhà xưởng. Một số DN không vay được vốn ngân hàng nên phải tìm cách xoay vốn lưu động lãi suất cao” - ông Khôi nói.

DN thép đang đối mặt với ba khó khăn: nhu cầu trong nước giảm mạnh, lượng thép từ Trung Quốc tăng 31%; giá nguyên liệu đầu vào như than, điện tăng DN thép không tiếp cận được vốn vay ngân hàng và phải nhập phôi thép rất nhiều. Để tháo gỡ khó khăn, sắp tới Bộ Công Thương sẽ có chính sách mở rộng đầu tư công trình xây dựng cơ bản do Nhà nước bỏ vốn như cơ sở hạ tầng, đường sá và công trình nhà ở để gắn với tiêu thụ xi măng, sắt thép. Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thuế xuất nhập khẩu mặt hàng thép, đánh thuế hàng nhập để bảo hộ DN trong nước.

Ông BÙI QUANG CHUYỆN, Vụ phó Vụ Công nghiệp nặng
(Bộ Công Thương)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trà Phương (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN