Đầu tư du lịch: Có tiền vẫn chưa đủ

Để quảng bá du lịch thành công, không chỉ cần tiền và truyền thông mà còn cần một chiến lược rõ ràng, tổ chức bài bản, nếu không sẽ lãng phí

Ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Tập đoàn Masso (đơn vị vừa đoạt giải thưởng quốc tế sau khi làm chiến dịch truyền thông du lịch cho Singapore), cho rằng Singapore có hẳn công nghệ xây dựng hình ảnh quốc gia, thu hút thêm hàng triệu du khách quốc tế mỗi năm. Ở Việt Nam, Chính phủ đưa ra chương trình “Thương hiệu quốc gia” (Vietnam Value) nhưng không đầu tư và không có cam kết hành động rõ ràng nên không mấy người biết đến.

Cách quảng bá mới mẻ

Giải thưởng PR Award Đông Nam Á do Marketing Interactive trao tặng nhằm tôn vinh những thành công đo lường được của các chương trình và chiến lược PR xuất sắc ở khu vực Đông Nam Á, sau khi Masso thành công trong chiến dịch truyền thông cho du lịch Singapore.

Đầu tư du lịch: Có tiền vẫn chưa đủ - 1

Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng. Trong ảnh: Khách du lịch tham quan sông Gâm - Tuyên Quang Ảnh: Trần Dũng

“Nhận lời đặt hàng của Tổng cục Du lịch Singapore, chúng tôi đã thực hiện trọn gói chiến dịch này. Bắt đầu từ việc lập chiến lược, kế hoạch thực thi đến đo lường kết quả. Qua thăm dò cho thấy nhiều người nghĩ Singapore nhàm chán, không có gì đặc biệt và không thể đáp ứng nhu cầu của họ. Vậy làm sao để thay đổi nhận thức của du khách về Singapore? Masso quyết định mời gọi truyền thông Việt Nam kể lại câu chuyện thực sự đặc sắc về Singapore thông qua những chuyến đi và trải nghiệm thực tế tại đảo quốc này” - ông Thẳng cho biết.

Để chiến dịch trở nên ấn tượng, 50 đơn vị báo đài cùng tham gia bằng những câu chuyện đặc sắc khác nhau về Singapore qua chính trải nghiệm của mình trong chiến dịch “Extraordinary 50” (E50). Tiếp đó, 16 chuyến đi trải nghiệm thực tế với những chủ đề khác nhau giúp du khách nhớ thêm về địa điểm tham quan, giải trí, ẩm thực và khách sạn… “Chiến dịch E50 thành công ngoài mong đợi, góp phần tạo ra những nhận thức tích cực về du lịch Singapore” - chủ tịch Masso cho biết.

Với tổng giá trị truyền thông hơn 1,2 triệu SGD, du khách Việt Nam đã được truyền cảm hứng và bắt đầu quen với hình ảnh mới mẻ hơn của Singapore. Báo cáo cho thấy 52% du khách Việt quay lại Singapore vào năm 2013 và trong 8 tháng đầu năm 2014, có 303.000 người Việt đến thăm Singapore (tăng 14%), đóng góp 616 triệu USD vào doanh thu của ngành du lịch nước này.

Cần chiến dịch dài hơi

Những người “có lòng” với du lịch rất tâm tư về việc làm sao để du lịch Việt “cất cánh” bởi trong lúc các nước lân cận thu hút rất đông khách quốc tế thì Việt Nam lại bị níu chân bởi nhiều thủ tục “hành” du khách. Hai tháng gần đây, Campuchia và Thái Lan đã bắt tay triển khai đơn giản thủ tục xin visa cho khách nước ngoài. Theo đó, khách đến Campuchia du lịch chỉ cần làm thủ tục xin visa, đóng tiền ở nước này và được miễn thủ tục visa ở Thái Lan (chỉ đóng lệ phí) và ngược lại.

“Đây được xem là visa chung giữa Thái Lan và Campuchia, 2 nước vẫn thu được lệ phí nhưng du khách bớt được sự phiền hà về thủ tục. Theo tôi được biết, các nước trong khu vực cũng từng đề nghị Việt Nam hợp tác triển khai nhưng không thành” - ông Nguyễn Xuân Anh, cố vấn Công ty Du lịch Tân Hồng, nói.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng hình ảnh quốc gia nhưng đến nay vẫn chưa có một chiến lược tổng thể, nhất quán và lâu dài. Việc triển khai còn manh mún và mang tính “ứng phó nhất thời” hơn là chủ động. Vài chiến dịch đưa ra và có nhiều slogan khác nhau, cũng đã quảng bá trên các kênh truyền hình quốc tế như CNN, billboard ngoài trời… nhưng sản phẩm du lịch thiếu sáng tạo, nạn kinh doanh chụp giật, chặt chém khiến du khách không quay lại. Ngay trong xúc tiến thương mại, rất nhiều đoàn tham gia các hội chợ quốc tế nhưng quy mô nhỏ lẻ, không để lại dấu ấn với đối tác…

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, cho rằng điểm yếu nhất của ngành du lịch Việt Nam là con người và thiếu cơ chế phù hợp. Chúng ta có rất nhiều di sản thế giới nhưng thu hút du lịch thua xa so với nước bạn Lào chỉ có 3 di sản quốc tế, còn Singapore không có di sản nào.  “Nếu có đường lối đúng, nhân lực đủ mạnh và cởi bỏ được những ràng buộc, trì trệ thì tăng trưởng ngành du lịch phải trên 100% chứ không ì ạch như hiện nay và ngành du lịch Việt Nam chắc chắn không thua kém bất kỳ nước nào” - ông Mỹ khẳng định.

“Sẽ thật áy náy nếu làm cho Singapore mà không làm được cho Việt Nam. Nhưng thật sự chúng tôi không biết làm sao để hợp tác với ngành du lịch trong nước. Có một cuộc mở thầu công khai và công bằng hoặc có ai dẫn dắt, cam kết lâu dài không? Chính phủ có cam kết một dự án đầu tư hình ảnh du lịch Việt Nam trên toàn cầu một cách nghiêm túc trong dài hạn? Và chúng tôi sẽ làm việc với người có thẩm quyền nào?” - ông Nguyễn Trung Thẳng đặt vấn đề.

Hàng không phải vào cuộc

Nhiều công ty du lịch cho rằng muốn thu hút khách quốc tế đến Việt Nam thì phải có “chiêu”. Đầu tiên, hàng không quốc gia phải giảm giá vé thật hấp dẫn. Singapore được xem là quốc gia thành công trong việc này khi hãng hàng không Singapore Airlines kéo giá vé quốc tế xuống rất thấp, buộc các nước trong khu vực phải hạ theo để cạnh tranh.

“Giá vé máy bay cao là rào cản đầu tiên khiến du khách không thèm dòm ngó đến địa điểm, khách sạn, nhà hàng... Giá vé quốc tế của Vietnam Airlines chiều vào Việt Nam hiện quá cao, không cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Kinh phí để làm xúc tiến thương mại, chương trình kích cầu nên trích một phần cho hàng không để giảm giá vé máy bay. Việc này hoàn toàn làm được ngay” - ông Nguyễn Xuân Anh đề xuất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Nhân - Thái Phương ([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN