Wushu Việt Nam: Giải bài toán lực lượng kế cận
Giải wushu châu Á lần thứ VIII - 2012 đã kết thúc cách đây ít ngày với việc nước chủ nhà Việt Nam xếp thứ 3 chung cuộc, nhưng không giành được số HCV như mục tiêu ban đầu. Có một số nguyên nhân khiến chúng ta không giành được thành tích nhưng mong muốn, nhưng khi chúng ta chững lại thì cũng là lúc nước khác vượt lên.
Sự chững lại của wushu Việt Nam
Việt Nam được biết đến như quốc gia có nhiều VĐV wushu giỏi cấp châu lục và thế giới với những cái tên đáng chú ý trước đây như Thúy Hiền, Đàm Thanh Xuân, Mai Phương, Trà My… Lớp trẻ hiện nay chưa có cái tên nào thật sự xuất sắc, nổi bật như thế hệ anh/chị đi trước do độ tuổi của VĐV còn khá trẻ, chưa có kinh nghiệm. Nổi bật nhất trong số những VĐV trẻ hiện nay là Thanh Tùng - người vừa giành HCV ở nội dung Thái cực quyền ở giải wushu châu Á vừa qua.
Tại giải wushu châu Á, cả 3 HCV giành được đều ở hạng mục taolu. Về tán thủ thì chúng ta không thể giành được HCV nào dù có 3 VĐV vào đến trận chung kết. Tại các trận chung kết, Việt Nam chủ yếu gặp 2 đối thủ mạnh là Trung Quốc và Iran, các VĐV Việt Nam đều thất bại trong hiệp 2 do thể lực yếu hơn và còn thiếu kinh nghiệm.
Thanh Tùng, HCV thái cực quyền giải VĐ châu Á, gương mặt nổi bật của wushu VN thời điểm hiện nay
Tuy thế, việc chỉ giành được 3 HCV ở taolu cũng không bằng thành tích so với giải lần trước không được tổ chức trên sân nhà. Rõ ràng là chúng ta đã có sự chững lại sau khi môn wushu ngày càng phát triển tại các quốc gia trên thế giới. Tại châu Á, nổi bật có sự đi lên của Iran do được đầu tư kỹ càng.
Ông Hoàng Vĩnh Giang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic VN - người đưa môn wushu về Việt Nam - cho biết: “Nguyên nhân cũng bởi chúng ta đã đụng độ với các đối thủ mạnh tới từ Trung Quốc, Iran nhưng cũng phải thừa nhận rằng ở thời điểm hiện tại, wushu Việt Nam đã chững lại. Trước đây chúng ta có những VĐV có tố chất lớn, chẳng hạn như Diệp Bảo Minh, một người mà đến các bạn ở Trung Quốc cũng phải nể sợ thì bây giờ những cá nhân thực sự xuất sắc như thế chưa tìm ra, hay chưa xuất hiện”.
Ngoài Iran, các VĐV của Malaysia và Indonesia cũng gây nhiều khó khăn cho các VĐV Việt Nam. Ông Lê Minh Hà - Ủy viên ban tổ chức giải wushu châu Á lần thứ VIII-2012 cho biết, hiện nay Indonesia và Malaysia đang đầu tư cho wushu khá bài bản. Ngoài việc rót tiền mời thầy Trung Quốc về giảng dạy, đưa VĐV wushu sang Trung Quốc tập huấn dài hạn, họ cũng sẵn sàng nhập quốc tịch VĐV wushu Trung Quốc về nước họ để tham gia thi đấu.
Hy vọng ở lớp trẻ kế cận
Dù không đạt được thành tích cao như mong muốn tại giải wushu châu Á nhưng wushu Việt Nam vẫn có quyền hy vọng với một số bạn trẻ ở lớp kế cận với những gương mặt như Thúy Vi, Phương Giang, Minh Huyền, Xuân Hiệp…
Thúy Vi dù không giành được HCV nào tại giải wushu châu Á nhưng những chiếc HCB ở nội dung kiếm thuật, sau đó là HCĐ nội dung đối luyện nữ cũng rất đáng để hi vọng cho thành tích của wushu Việt Nam sau này.
Giống như Thúy Vi, Phương Giang ngoài chiếc HCĐ đoạt được ở nội dung đối luyện nữ cũng đã thi đấu khá thành công ở nội dung đao thuật cũng sẽ là niềm kỳ vọng cho wushu Việt Nam trong tương lai.
Bên cạnh những sự thành công của Thúy Vi, Phương Giang hay Minh Huyền của nữ trong nội dung taolu các VĐV nam như Xuân Hiệp, Thanh Tùng đang giữ được phong độ khá cao của mình ở nội dung kiếm thuật hay đao thuật... Đây sẽ là những hy vọng mới của wushu Việt Nam.
Trong thời điểm những VĐV đi trước đã giải nghệ hoặc đang gặp chấn thương thì việc trẻ hóa ĐT wushu Việt Nam, tập trung đầu tư hơn nữa để đưa Việt Nam trở lại vị thế là quốc gia mạnh về wushu là điều cần thiết. Wushu đang là môn thể thao phát triển tại các quốc gia châu Á và trên thế giới. Các quan chức Liên đoàn wushu quốc tế đang vận động để đưa môn thể thao này có mặt trong danh sách các môn thi đấu ở Olympic 2020. Với sự phổ biến và ngày càng phát triển của môn wushu càng cho thấy việc đầu tư mạnh mẽ với môn wushu ngay từ bây giờ là cần thiết nếu chúng ta muốn có huy chương ở một kỳ Olympic.