Thể thao Việt Nam: Chuyện già, chuyện trẻ
Vũ Thị Hương, Hoàng Anh Tuấn trở lại. Nguyễn Tiến Minh tiến hai bậc để trở lại vị trí thứ 11 thế giới. Tay vợt Minh Quân bị “chú nhóc” 15 tuổi Lý Hoàng Nam hạ bệ, cùng lúc các lãnh đạo ở Liên đoàn quần vợt Việt Nam (VTF) cãi nhau như “mổ bò” trong hội nghị ban chấp hành VTF lần thứ năm (nhiệm kỳ năm)… Đấy là những chuyện nóng.
1. Chỉ trong mấy ngày diễn ra liên tiếp những giải vô địch quốc gia do các liên đoàn tổ chức. Giải vô địch cử tạ quốc gia 2012 thực sự hâm nóng Hải Phòng. Mọi con mắt đều hướng tới ba ngôi sao sáng của cử tạ Việt Nam ở hạng 56 kg, vốn là hạng cân có khả năng mở ra cánh cửa có huy chương cho Việt Nam ở đấu trường Olympic. Hoàng Anh Tuấn (sinh năm 1985), Trần Lê Quốc Toàn (1989) và Thạch Kim Tuấn (1994).
Những người quan tâm đến cử tạ không khỏi ngán ngẩm cho “chú em” út Thạch Kim Tuấn. Đô cử đến từ Thành phố Hồ Chí Minh thi đấu loạng choạng, cả tâm lý lẫn chuyên môn để rồi thất bại trong cả sáu lần nâng tạ ở nội dung cử giật, cử đẩy, thất bại có ý nghĩa không chỉ với cá nhân vận động viên mới 19 tuổi này. Bị loại khỏi tốp ba, điều gì đã xảy ra với Thạch Kim Tuấn, người từng được hứa hẹn là niềm hy vọng số một của cử tạ Việt Nam sau thành tích vô địch Olympic trẻ 2010?
Nguyễn Tiến Minh đã ở bên kia sườn dốc, nhưng vẫn chưa có ai đủ sức thay thế
Rõ ràng, Kim Tuấn đang có vấn đề một cách hệ thống. Nhớ lại hôm theo dõi đô cử này thi đấu ở SEA Games 26 (Indonesia), Thạch Kim Tuấn bước vào thảm đấu, nhiều người đã phấp phỏng. Tuấn trông khác nhiều quá. Tai đeo khuyên, tóc vàng hoe khệnh khạng, hấp tấp chủ quan để rồi phải nhận huy chương đồng. Những dấu hiệu bất ổn của Tuấn trước thềm SEA Games 26 đã khiến ban huấn luyện quyết định chuyển anh sang vai hỗ trợ cho Quốc Toàn, thay vì là mũi nhọn. Có lẽ, ngoài vai trò của ban huấn luyện, nếu không tự nỗ lực vươn lên hoàn thiện bản thân, Thạch Kim Tuấn khó tiến xa như kỳ vọng, thậm chí bị thui chột.
Trần Lê Quốc Toàn vẫn vậy. Anh điềm đạm, biết ta biết mình. Toàn phải thi đấu trong bối cảnh đầu gối chưa bình phục hẳn. Nếu không, có thể anh sẽ lập hat-trick huy chương vàng, không để vuột ngôi vương về tay đàn anh Hoàng Anh Tuấn ở nội dung cử giật. Toàn giành hai vàng, cử đẩy - 153kg, tổng cử - 278kg. Còn Hoàng Anh Tuấn, đoạt một vàng cử giật, hai bạc, cử đẩy - 151kg, cử tổng - 277kg.
Thành thành tích tốt nhất của Toàn là 284kg tại Olympic 2012, thì vẫn thua Hoàng Anh Tuấn đến 6kg khi vận động viên này đoạt huy chương bạc Olympic Bắc Kinh 2008. Tại giải vô địch quốc gia lần này, Tuấn thua Toàn 1kg (tổng cử), thua cái mốc vinh quang của mình tại Bắc Kinh đến 13kg. Tuy thế, nhiều người mừng cho Tuấn, đã trở lại sau hai năm bị cấm thi đấu do dính doping. Biết đâu, anh sẽ hoàn thành được giấc mơ vàng ở SEA Games sang năm. Câu chuyện của Hoàng Anh Tuấn, vừa có dư vị chếch choáng men say vinh quang, vừa trộn lẫn đắng cay tận cùng của một số phận kỳ lạ trong làng cử tạ Việt Nam. Dù sao, vẫn chúc mừng thành tích của Hoàng Anh Tuấn tại giải vô địch quốc gia năm nay!
2. Những người yêu quý Vũ Thị Hương cũng đã mừng cho cô khi chứng kiến những bước chạy thần tốc tại giải điền kinh vô địch quốc gia vừa kết thúc hôm 10/10. Trên đường chạy 200m nữ, Vũ Thị Hương đạt thành tích 23’32’’, chỉ còn cách chuẩn B Olympic 2% giây. SEA Games 26 là ký ức kinh hoàng với Vũ Thị Hương. Các cuộc thi vòng loại Olympic ở hai cự ly 100m và 200m, Hương đều thất bại. Với những gì đã làm được, Hương đã chứng minh mình vẫn còn hữu dụng. Hay nói cách khác, ở những cự ly của cô, còn lâu mới tìm được người thay thế. Cũng như Trương Thanh Hằng, nếu không bị tai nạn gãy chân chắc cũng bùng nổ lắm. Phải nhiều thời gian nữa, điền kinh Việt Nam mới có được những cô gái vàng đủ sức khỏa lấp hình bóng của hai liền chị Trương Thanh Hằng và Vũ Thị Hương.
Nhân tài kiệt xuất thể thao ở ta hiếm lắm, nhìn môn nào cũng nghe bài ca trẻ đã già, nhưng măng chẳng mọc. Xuất hiện nhân tài lại thon thót đủ nỗi lo bị thui chột.
Vũ Thị Hương ở giải điền kinh vô địc quốc gia
Tổng thư ký liên đoàn cầu lông Việt Nam Lê Thanh Sang từng khẳng định: sau 20 năm nữa cầu lông Việt Nam cũng không có Tiến Minh thứ hai. Vừa rồi, Tiến Minh giành chức vô địch giải Đài Loan (Trung Quốc) mở rộng, được cộng thêm hơn 2.000 điểm, đồng thời tiến hai bậc để trở lại vị trí thứ 11 thế giới. Cho dù thế, vẫn không thể quên một điều, về tuổi tác, Tiến Minh đã ở bên kia sườn dốc. Vậy mà, người thay thế biểu tượng này vẫn còn “bóng chim, tăm cá’.
Trong cơn khát chung đó, việc tay vợt 15 tuổi Lý Hoàng Nam xô đổ tượng đài Minh Quân để đoạt chức vô địch nội dung đơn nam ở giải quần vợt vô địch quốc gia chẳng khác gì “tiếng sét giữa trời quang”. Giành ngôi vô địch khi mới 15 tuổi 8 tháng, Hoàng Nam đã đi vào lịch sử quần vợt nước nhà.
Chỉ buồn rằng, khi dư luận đang cực kỳ hưng phấn trước hiện tượng này, đang mong mỏi làm sao để tài năng của Hoàng Nam được phát triển, thì những cuộc cãi vã ầm ĩ giữa các lãnh đạo ở VTF trong hội nghị ban chấp hành như gáo nước lạnh dội vào cảm hứng. Có lẽ, cùng với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), VTF là tổ chức thường xuyên “nổi tiếng” với những chuyện lùm xùm.
“VTF yếu tới mức không nhận được sự tôn trọng từ các liên đoàn địa phương và giới chuyên môn. Tổng cục thể dục thể thao cũng không cử đại diện đến dự hội nghị. Vậy nên, với những hành động từ cấp trên cho tới cấp dưới hiện nay của quần vợt Việt Nam đã ảnh hưởng rất nhiều và kéo thành tích của VTF đi xuống thảm hại trong thời gian qua”. Đấy là những lời chao chát của ông Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch VTF, Nguyễn Quốc Kỳ. Khi cái nóc nhà như thế, dễ hiểu khi các tài năng quần vợt muốn phát triển, chỉ còn cách tự bỏ tiền gia đình xuất ngoại học nghề và cọ xát. Nhà không có điều kiện thì trước sau cũng lụi tàn.
3. Nhìn sang bóng đá, màn cãi cọ nhau giữa bầu Đệ và bầu Đức đến nay vẫn còn dư chấn. Rõ ràng, trong những rào cản lớn đến với bóng đá chuyên nghiệp, sự thiếu đồng thuận giữa VFF và VPF, giữa các ông bầu trong VPF vẫn là nghiêm trọng nhất.
Các tài năng quần vợt muốn phát triển chỉ còn cách tự bỏ tiền xuất ngoại học nghề và cọ xát. Nhà không có điều kiện. trước sau cũng lụi tàn |
VFF vừa có thêm ông Phó chủ tịch Phạm Văn Tuấn xuất thân từ bóng đá. Ông Tổng thư ký Ngô Lê Bằng cũng vậy. Dự giải U21 quốc tế tại Gia Lai, ông Tuấn hứa sẽ quyết liệt làm bóng đá trẻ. Ngày nhậm chức, điều mà ông Bằng bảo sẽ cách mạng, không gì khác là từ bóng đá trẻ. Quả thật mấy tuần qua qua, đội tuyển quốc gia chưa chắc đã có hấp lực bằng giải bóng đá U21.
Cái chuyện một nền bóng đá phải bắt đầu từ phần gốc, chẳng ai không biết, chẳng ai không nói được. Bóng đá chuyên nghiệp ra nông nỗi này, cũng do đào tạo trẻ chưa tốt. Điều đó dẫn đến giá trị cầu thủ là ảo, thị trường chuyển nhượng bát nháo, khiến VFF phải siết lại quy định độ tuổi đào tạo của cầu thủ là 25, đi ngược với thế giới.
Vấn đề, từ nói đến hành động lại khoảng cách quá lớn. Muốn vận động viên trẻ cư xử đúng mực, thì người lớn không được “mất nết”. Muốn thể thao thành tích cao mạnh, thì các liên đoàn phải mạnh.