Showbiz bắt tay với thể thao: Ai có lợi?
Sau ca sĩ Ông Cao Thắng trở thành uỷ viên ban chấp hành liên đoàn Bóng đá TP.HCM. Mới nhất, đến lượt nữ diễn viên Tăng Thanh Hà có tên trong danh sách uỷ viên ban chấp hành liên đoàn Điền kinh TP.HCM. Cũng như lần trước, bỗng dưng các liên đoàn có ngôi sao showbiz tham gia được nhiều người chú ý. Nhưng, ai sẽ có lợi?
Điểm chung của ca sĩ Ông Cao Thắng và diễn viên Tăng Thanh Hà là họ trở thành uỷ viên của các liên đoàn bởi họ có liên quan đến thể thao thật sự. Ông Cao Thắng có đội bóng, mê đá bóng và đội bóng futsal của anh cũng thuộc hàng “có số” tại TP.HCM. Đương nhiên, để trở thành uỷ viên của liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFC) còn nhiều yếu tố khác, một trong những yếu tố ấy là ông chủ tịch cũng mê đá bóng futsal và có đội futsal. Hà Tăng cũng tương tự thế, với việc là tổng giám đốc một công ty truyền thông, cô đã từng phối hợp với liên đoàn Điền kinh TP.HCM và sở Văn hoá – thể thao và du lịch TP.HCM tổ chức giải chạy bộ The HCMC Run gây quỹ từ thiện.
Nhưng từ sự liên quan này, đến việc mời vào làm uỷ viên ban chấp hành liên đoàn và việc các bộ môn ở TP.HCM có phát triển tốt hơn, các vận động viên có cuộc sống dễ thở hơn khi có các vị uỷ viên nổi tiếng hay không lại là một chuyện khác.
Ví dụ rõ nhất, đến thời điểm này nhắc đến HFC, người ta cũng chưa rõ đâu là điểm nhấn. Sự có mặt của ca sĩ Ông Cao Thắng có vẻ như không tạo thêm được cú hích nào cho liên đoàn bởi nhiệm vụ chính của ca sĩ này chỉ đơn giản là... họp. Futsal Việt Nam với nòng cốt là đội bóng của ông chủ tịch HFC đã không thể vượt qua Thái Lan như lời tuyên bố “thắng vô địch thế giới thì Thái Lan khó gì”. Thậm chí, đội bóng này còn để lại một vết nhơ khi lao vào ẩu đả với đối thủ ngay cuối trận đấu tại SEA Games – Myanmar sau khi thua Thái Lan. Bóng đá đỉnh cao của TP.HCM là vùng trắng, ngay đến giải đấu giao hữu vừa tổ chức cũng bị chê là “treo đầu dê” khi mà các đội khách mời dù mang tên rất oách kiểu như Santos hay Galatasaray ra sân lại “đá như Tây balô”.
Các thương hiệu đi cùng giải đấu của diễn viên Tăng Thanh Hà tổ chức sẽ mang lại nguồn lực rất lớn cho liên đoàn Điền kinh TP.HCM, giúp đời sống của vận động viên lên cao hơn, nếu...
Nhìn qua liên đoàn Điền kinh TP.HCM, điểm lại thì sự kiện lớn nhất nhưng đau nhất chính là vận động viên đỉnh cao Trương Thanh Hằng phải xin rời khỏi liên đoàn Điền kinh TP.HCM vì bức xúc chế độ trước việc chế độ đãi ngộ của cô bị cắt giảm, không đủ sống. Đích đến của nhà vô địch châu Á là Ninh Bình với mức lương mới, 16 triệu đồng/tháng. Không quá cao nhưng đủ hơn TP.HCM và đủ giúp cô có cuộc sống tốt hơn. Vẫn chưa có cái tên mới nào đủ sức thay thế, khiến người ta có thể tạm nguôi ngoai sự kiện Thanh Hằng bỏ TP.HCM mà đi.
Vậy ai có lợi trong trường hợp này. Đầu tiên, các liên đoàn có lợi bởi họ được tiếng huy động tốt các nguồn lực xã hội. Tất nhiên, việc huy động là một chuyện, còn sử dụng nguồn lực như thế nào là điều khác. Ở trường hợp ca sĩ Ông Cao Thắng, có vẻ như chuyện được hưởng lợi của cả hai phía từ việc trở thành “ông uỷ viên” không nhiều lắm bởi anh đã trả lời rõ báo chí, anh vẫn thích ca hát, nghề nghiệp chính là ca hát. Có chăng là đội bóng của anh sẽ được quan tâm hơn một chút. Điều này đồng nghĩa với việc, sự đóng góp của anh cho liên đoàn đương nhiên là không nhiều nhặn gì.
Mới hơn, trường hợp của diễn viên Tăng Thanh Hà, người ta tin rằng nếu thật sự có tâm và có tầm, điền kinh TP.HCM sẽ được nhờ. Với việc gia đình đang kinh doanh sản phẩm của thương hiệu thể thao nổi tiếng tại TP.HCM, cùng với việc có hẳn một công ty truyền thông. Người ta tin rằng, việc gắn với thể thao, cụ thể là giải đấu chạy bộ từ thiện mới chỉ là bước đầu. Các sản phẩm được quảng bá thông qua các sự kiện này đương nhiên phải có người được lợi, công ty truyền thông tổ chức sự kiện đình đám đương nhiên sẽ được nhiều nơi lưu tâm. Vấn đề còn lại là, LĐĐK TP.HCM tận dụng thế nào mối quan hệ này và cô diễn viên Hà Tăng có thật lòng muốn làm việc cùng hay chỉ đơn giản là làm phần việc của mình?
Trước mắt, khi các nhân vật trong giới showbiz đều có những người phụ việc lo mảng truyền thông cho mình, dùng các sự kiện thể thao để nhắc tới tên họ, các liên đoàn đã tạm hưởng lợi một phần khi được đứng chung. Rất tiếc, phần này cũng chẳng mang lại mấy niềm vui cho các vận động viên. Showbiz bắt tay cùng thể thao, tốt thôi nhưng nếu cái lợi được chia đều cho tất cả, ắt mọi chuyện sẽ vui hơn. Vấn đề cốt lõi để cái bắt tay thêm chặt và hiệu quả hơn là phương cách điều hành của các quan chức cấp cao ở những liên đoàn. Cái này có vẻ hơi khó chăng?!