Roland Garros: "Tám" chuyện hên-xui

Sự kiện: Roland Garros 2024

Bên cạnh yếu tố chuyên môn, chuyện thành bại trên sân đất nện Roland Garros đôi khi được các nhân vật trong và ngoài cuộc vô tình hoặc cố ý lý giải bằng những chi tiết tưởng như chẳng có gì liên quan.

Mê tín như Serena

Trong lịch sử Roland Garros, có lẽ Serena Williams là tay vợt mổ xẻ thất bại của mình theo cách duy tâm nhất. Năm 2007, sau khi để thua Justine Henin ở tứ kết, ngôi sao người Mỹ cũng tỏ vẻ “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Nhưng bài học kinh nghiệm được Serena rút ra lại không liên quan gì đến kỹ thuật hay chiến thuật. Cô đổ lỗi cho việc không buộc dây giày đúng cách, không duy trì việc đập bóng 5 lần trước khi thực hiện động tác giao bóng lần một và không mang theo đôi sandal trong phòng tắm ra sân.

Nói tóm lại, lần ấy Serena thua vì không tuân thủ các thói quen mang tính “có kiêng có lành”. Vẫn biết cô em nhà Williams xưa nay vốn nổi tiếng mê tín, nhưng nhà vô địch Roland Garros 2002 biết lý giải sao đây cho các chiến dịch thất bại khác tại giải Grand Slam sân đất nện vào các năm 1998, 1999, 2001, 2003, 2004, 2008, 2009 và 2010?

Venus thua vì quá lố

Cô chị Venus của Serena không mê tín thái quá như em gái mình. Đổi lại, đàn chị 30 tuổi này chơi trội không ai bằng về khoản điệu đà. Năm ngoái, Venus gây sốc với việc ra sân trong bộ trang phục trông cứ tưởng cô mặc... đi ngủ.

Mọi người phàn nàn Venus có phải Lindsay Lohan hay Paris Hilton đâu mà phải gây ấn tượng theo cách như vậy. Hạt giống số 2 của giải đáp lại bằng tuyên bố xanh rờn: “Bất chấp việc mặc trang phục gì, tôi vẫn chiến thắng như thường”. Ba vòng đấu đầu tiên thì không ai cãi được Venus câu nào. Sang đến vòng 4 thì cô phải đầu hàng đối thủ dưới cơ Nadia Petrova. Thật khó để đổ lỗi cho trang phục. Nhưng rõ ràng Venus đã tự đánh mất sự tập trung của mình một cách hết sức lãng nhách.

Roland Garros: "Tám" chuyện hên-xui - 1

Chị em nhà Williams là "chúa" mê tín

Tóc giả, thua thật

Đến “đường đường một đấng anh hào” như Andre Agassi còn phải trả giá vì sự điệu đà của mình nữa là. 19 năm sau thất bại ở trận chung kết Roland Garros 1990, Agassi mới đủ dũng cảm thú nhận nguyên nhân thực sự của cú ngã đầu sự nghiệp ấy. Tất cả cũng chỉ tại mái tóc giả của ngôi sao mới 20 tuổi đã hói đầu.

“Mỗi sáng thức dậy, tôi lại phát hoảng khi thấy tóc mình rụng trên gối, trong chậu rửa mặt hay tại lỗ thoát nước của phòng tắm. Sau nhiều hồi phân vân, tôi quyết định đội tóc giả ra sân”, Agassi bật mí trong cuốn tự truyện của mình, “Mọi việc suôn sẻ cho đến đêm trước trận chung kết. Mái tóc giả của tôi có cảm giác sắp rụng rời ra. Có lẽ tại tôi dùng sai dầu gội. Ông anh Philly nảy ra sáng kiến khắc phục sự cố bằng 20 cái ghim tóc kèm lời dặn dò không nên di chuyển nhiều trên sân”

Hôm sau ra sân, lúc khởi động, thay vì cầu nguyện chiến thắng, Agassi lại thầm mong cho mái tóc giả không bóc mẽ anh. Nếu không, sẽ chẳng biết tìm lỗ nẻ nào mà chui cho đỡ ngượng với bàn dân thiên hạ. Kết quả, Agassi không phải lấy mo che mặt. Nhưng cúp vô địch thì thuộc về đối thủ người Ecuador, Andres Gomez.

Cứ theo những cách như trên, bảo sao các tay vợt Mỹ hay vô duyên trên sân đất nện Roland Garros.

Lời tiên tri cho Ferrero

Ngược lại, những chuyên gia sân đất nện đến từ xứ bò tót vốn đã có lợi thế “như cá gặp nước” trên mặt sân sở trường càng thêm duyên với nụ cười của thần may mắn. Trường hợp của Juan Carlos Ferrero năm 2003 là ví dụ điển hình nhất.

“Tôi có tìm đến một thầy bói để xem tài vận trước giải. Ông ấy phán rằng Roland Garros năm nay sẽ là đất diễn của tôi”, Ferrero chia sẻ ngay sau khi vượt qua Michel Kratochvil ở vòng 2. “Nhân bảo như thần bảo”, sau đó ngôi sao có biệt danh Mosquito đăng quang thật.

Cũng phải kể thêm đến chi tiết may mắn từ sự phá đám của tay streaker Mark Roberts (khái niệm streaker để chỉ các fan quá khích có thói quen... trần như nhộng nhảy vào sân) trong trận chung kết giữa Ferrero và tay vợt người Hà Lan, Martin Verkerk. Roberts làm gián đoạn trận đấu ở thời điểm Verkerk vừa giành break ở đầu set 2 để nhen nhóm hi vọng ngược dòng. Khi trận đấu tiếp tục trở lại, sự vùng lên mới vừa manh nha của Verkerk cũng bị dập tắt luôn.

Vận đen đã không lặp lại với các tay vợt Hà Lan. Trận chung kết Wimbledon 1996 giữa Richard Krajicek và MaliVai Washington cũng bị phá đám bởi một nữ streaker. Nhưng lần ấy, đồng hương Krajicek của Verkerk là người đăng quang. Sau khi để thua Ferrero, Verkerk chỉ còn biết pha trò: “Giá mà người khỏa thân chạy vào sân là một cô gái thì vẫn hơn”.

Roland Garros: "Tám" chuyện hên-xui - 2

Federer vô địch Roland Garros nhờ vợ mang bầu?

Lên ngôi nhờ... vợ bầu

Trận chung kết năm 2009 giữa Roger Federer và Robin Soderling cũng bị gián đoạn bởi việc một fan cuồng xông vào sân để đội mũ cho ngôi sao người Thụy Sỹ. Một thoáng sốc không làm Federer run tay, phung phí cơ hội vàng để giành danh hiệu Roland Garros đầu tiên trong sự nghiệp.

Tuy nhiên, yếu tố may mắn với Federer đến từ nhân tố khác, quan trọng hơn nhiều trên khán đài. Trước trận chung kết, tờ New York Times chỉ ra nét tương đồng thú vị giữa Federer và Pete Sampras: “Khi Sampras giành danh hiệu Grand Slam thứ 14 trong sự nghiệp, cô vợ Bridgette Wilson của anh đang mang bầu đứa con đầu lòng của hai người. Bridgette trực tiếp cổ cũ cho Sampras trên các khán đài ở New York. Giờ Federer cũng đang trước ngưỡng cửa lần thứ 14 vô địch các giải Grand Slam. Cô vợ Mirka Vavrinec của anh cũng đang mang trong bụng thiên thần nhỏ đầu tiên của họ. Và Mirka cũng luôn dõi theo anh từ trên các khán đài ở Paris”.

Lịch sử lặp lại. Về điểm này thì có thể khẳng định Federer và Sampras... may mắn như nhau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Du Du ([Tên nguồn])
Roland Garros 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN