Nỗi đau 10 năm của Lê Thị Huệ

Mười năm trước, nữ đô vật Lê Thị Huệ, bị liệt sau một chấn thương kinh hoàng trong lúc tập luyện. Sau 10 năm, số phận của hy vọng vàng SEA Games một thời đeo đẳng đầy nước mắt và những cơn đau hành hạ.

Một người bạn Việt kiều Úc thiết tha nhờ tôi tìm bằng được nơi sinh sống của Huệ ở huyện Quảng Xương - Thanh Hóa để gửi chút tiền giúp chị. Nhiều người có lẽ đã quên câu chuyện của nữ VĐV sinh năm 1979 này nhưng những người biết hoàn cảnh của chị đều xót xa cho một nữ VĐV bị cướp đi tất cả khi tuổi đời còn quá trẻ và suốt một thập kỷ qua vẫn phải vật lộn với chấn thương.

HLV Lê Xuân Dương, đội vật Thanh Hóa, kể: “Khi tôi mới là HLV phong trào thì Huệ đã là nữ VĐV vật số 1 của tỉnh nhà. Năm 2003, Huệ giành HCV hạng 55 kg toàn quốc và là hy vọng vàng của vật Việt Nam ở SEA Games 22. Huệ tập luyện chăm chỉ để quyết tâm giành HCV, tấm HCV có thể giúp Huệ đổi đời, nhưng…”.

Nữ VĐV năm đó mới 24 tuổi không thể quên cái ngày định mệnh 12-5 trong một cú ngã khi tập luyện khiến Huệ bị choáng và không thể cử động. Nữ đô vật không thể ngờ rằng cú ngã ấy đã cướp đi của cô tất cả. Lỗi hẹn với SEA Games 22 trên sân nhà, Huệ vẫn nuôi hy vọng sẽ được trở lại sàn tập như xưa bởi từ khi đi theo vật, cô đã xác định gắn bó với môn thể thao này.

Nỗi đau 10 năm của Lê Thị Huệ - 1

Lê Thị Huệ vật lộn với chấn thương và cuộc sống khốn khó 10 năm nay cùng mẹ già. Ảnh: LÊ ĐỖ

Chuyện Huệ không thể nào trở lại được với thể thao, thậm chí sẽ bị liệt suốt đời được các bác sĩ và gia đình giấu Huệ suốt 1 năm sau ngày cô chấn thương. Nhưng qua những lời động viên, những chuyến thăm hỏi và cả những giọt nước mắt đồng đội khóc khi nhìn mình, Huệ lờ mờ nhận ra phía trước sẽ là chuỗi ngày tháng khó khăn của mình. Không chịu đầu hàng số phận, Huệ kể: “Tôi tập đi bằng nạng, rồi bỏ nạng ra chứ không chịu ngồi xe lăn nhưng chỉ đi được một đoạn là ngã bởi vết thương sau bao năm rồi vẫn đau, tôi không còn làm chủ được đôi chân của mình nữa”.

Nhận được trợ cấp trong khoảng 1 năm rưỡi sau ngày bị chấn thương từ bộ môn vật và ngành thể thao Thanh Hóa, kể từ đó Huệ phải sống dựa vào mẹ già, kể cả từ những sinh hoạt cá nhân nhỏ nhất. Quê ở vùng đất nghèo xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương, cả gia đình Huệ chỉ trông vào mấy sào ruộng. Anh, chị đã đi lấy vợ, lấy chồng xa cũng chỉ giúp được Huệ phần nào.

Cựu VĐV Lê Thị Huệ bảo: “May mà chị gái tôi làm ở Công ty Dược Bảo Long và xin được trợ cấp thuốc thang, điều trị, chứ không thì gia đình không biết lấy đâu ra tiền”. Mẹ Huệ đã hơn 70 tuổi, khi nhắc đến chuyện tương lai con gái, bà lại rưng rưng nước mắt. HLV Lê Xuân Dương tâm tư: “Vật là môn thể thao đòi hỏi nhiều vất vả, hy sinh, nhất là với các VĐV nữ. Nếu không quan tâm đến những trường hợp như Huệ, sau này còn ai dám theo vật để cống hiến thành tích nữa”.

Bỏ mạng vì nghiệp thể thao

2003 là năm Việt Nam lần đầu đăng cai SEA Games và cũng lần đầu tiên đứng đầu thể thao Đông Nam Á. Nhưng đó cũng là năm mất mát lớn nhất bởi trong quá trình chuẩn bị SEA Games, nhiều VĐV gặp chấn thương, thậm chí có người đã bỏ mạng. VĐV xe đạp địa hình Đỗ Xuân Tâm, võ sĩ judo Trần Thanh Ngời là những người đã hy sinh cho thể thao nước nhà ngay trên đường đua, trên sàn tập.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Ngọc (nld.com.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN