Nghịch lý đời VĐV xe đạp: Tai nạn và rủi ro quá lớn
Ban tổ chức mua bảo hiểm cho các cua rơ nhưng ngoài bảo hiểm thân thể với chi phí rất thấp, nguy cơ giã từ đường đua hay thiệt hại hàng trăm triệu đồng về trang thiết bị, VĐV lãnh hết.
Vừa qua có không ít tai nạn trên đường đua khiến VĐV phải vào viện và có khả năng bỏ luôn nghiệp xe đạp. Có VĐV bị gãy sườn xe thiệt hại lên đến gần 100 triệu đồng. Thiệt thòi cho đời VĐV khi họ phải tự gánh lấy…
Từ sự cố Lê Nguyệt Minh và cú ngã định mệnh
Sau cái chết của tay đua địa hình Đỗ Xuân Tâm (TP.HCM), tai nạn kinh hoàng của cuarơ Lê Nguyệt Minh tại Cúp Truyền hình TP.HCM 2012 được xem là nặng nhất trong số các tay đua đường khi dự giải.
Minh bị nạn với cú tông thẳng vào rào chắn quốc lộ 1A địa phận Quảng Ngãi vào ngày 18-4-2012 và ngất đi. Sau đó Minh được chuyển về TP.HCM ngay trong đêm để chữa trị. Với vết thương gãy xương đòn vai, gãy xương tay và xương đùi phải, chính các bác sĩ cũng chẩn đoán để Minh trở lại như người bình thường đã khó, huống hồ là trở lại đường đua.
Tai nạn của tay đua Lê Nguyệt Minh năm 2012 (ảnh trái). Tai nạn tại cuộc đua “Về Điện Biên Phủ” 2014 của Huỳnh Thanh Tùng và chiếc sườn xe bị gãy. Ảnh: MINH QUANG
Sau tai nạn thảm khốc đó, Minh cho biết chi phí chữa trị ca chấn thương khoảng 50 triệu đồng, chưa kể chiếc xe đạp gần trăm triệu đồng bị hư hỏng toàn bộ. Tuy nhiên, bảo hiểm em nhận lại chưa đến 8 triệu đồng và hết.
Đến tai nạn gần nhất khi đổ đèo Tà Cơn
Chiều qua (9-5), trước khi lên bàn mổ sắp lại xương bàn tay bị gãy sau sự cố đổ đèo Tà Cơn giải đua “Về Điện Biên Phủ” 2014, tuyển thủ trẻ quốc gia Huỳnh Thanh Tùng (Quân khu 7) vẫn đau đáu về tai nạn kinh hoàng. Tùng khẳng định nếu ban tổ chức chu đáo và có trách nhiệm hơn cùng với nghiệp vụ chuyên môn đảm bảo qua việc hướng dẫn lộ trình tốt thì anh và nhiều đồng nghiệp đã không phải nằm bệnh viện và thiệt hại nặng nề.
Đó là chặng 5 (thị trấn Thuận Châu lên Điện Biên Phủ), trong lúc đổ đèo Tà Cơn gặp khúc cua gắt với dốc đứng 10%, Thanh Tùng cùng đồng đội Lê Hữu Phước, Trần Thanh Nhanh (TP.HCM) và nhiều tay đua khác lao thẳng vào thanh chắn đường dẫn đến gãy xương bàn tay. Sự cố khiến chiếc xe đạp của Tùng và Nhanh gãy làm nhiều đoạn. Thế nhưng ngoài tiền bảo hiểm thân thể VĐV 1 triệu đồng một VĐV, chiếc xe trị giá hàng trăm triệu đồng của Nhanh và Tùng không được chỉ trả một đồng nào. Nguyên do ban tổ chức không mua chế độ bảo hiểm trang thiết bị cho VĐV.
Cũng cần biết là trước đó cũng ở chỗ xảy ra tai nạn này tay đua nữ Nguyễn Thị Thi (An Giang) gãy tay phải bỏ cuộc nhưng ban tổ chức lẫn đội hướng dẫn lộ trình… không có bất cứ động thái cảnh báo nào. Hậu quả hàng loạt tay đua nhập viện do sự vô trách nhiệm và thiếu chuyên môn của nhà tổ chức.
Bất chấp những thiệt hại nặng nề sau những tai nạn, các cuarơ vẫn trở lại đường đua một cách mạnh mẽ để giành chiến thắng bằng chính đam mê và nhiệt huyết không hề nguội lạnh. Nó khiến chúng tôi - những người theo chân đoàn đua phải nghiêng mình trước họ!