Nadal giao bóng hay hơn Karlovic

Tại sao Karlovic là chủ nhân của hàng loạt kỷ lục giao bóng nhưng Federer và Nadal mới là huyền thoại?

Kỷ lục của Karlovic

Karlovic lại vừa ghi tên vào danh sách những kỷ lục giao bóng trong lịch sử tennis. Với 44 cú ace trong một trận đấu theo thể thức ba set thắng hai, thành tích này sánh ngang với những gì Mark Philippousis đạt được cách nay hơn một thập kỷ.

44 cú ace trong 17 game cầm giao bóng nên có thể tưởng tượng rằng để thắng một game cần ghi tối thiểu bốn điểm thì Karlovic đã ghi được gần ba điểm bằng cú giao bóng ăn điểm trực tiếp.

Và ở trận đấu có tỉ số 6-7(4), 7-5, 7-6(3) ấy, số cú ace đó đã giúp cho Karlovc có được khoảng 40% điểm số trong tổng số 114 điểm (gồm cả những điểm đến từ việc đối thủ Daniel Brands đánh hỏng).

Nadal giao bóng hay hơn Karlovic - 1

Karlovic có tỷ lệ nhiều cú ace nhất lịch sử

Đó là chưa kể tới những pha bóng mà sau cú giao bóng của Karlovic, Brands chạm được vợt nhưng không đưa được bóng qua lưới và vào trong sân, hoặc trả bóng quá dễ dàng để Karlovic bước lên nhẹ nhàng ghi điểm. Vì tỉ lệ ghi điểm bóng một và hai của Karlovic là 91% và 75% (nhiều hơn khoảng gấp rưỡi so với tỉ lệ chiến thắng thông thường trong các trận đỉnh cao).

Tựu trung lại, không cần xem cũng có thể nói Karlovic đã đánh bại đối thủ người Đức nhờ cú giao bóng.

Và nó là một sự khắc họa thêm cho một tên tuổi đã được thế giới biết tới như là chủ nhân của cú giao bóng nhanh nhất thế giới xưa nay.

Năm 2012, Karlovic từng thiết lập kỷ lục thế giới với cú giao bóng có tốc độ lên tới 251kmh, đánh bại mọi con số biểu tượng đã từng được chính anh và một cỗ máy giao bóng khác, Andy Roddick (người Mỹ, đã gác vợt năm 2012) từng thiết lập. Kỷ lục này hiện vẫn đứng vững và có thể vẫn sẽ tồn tại thêm một thời gian dài nữa bởi cơ hội chiến thắng dành cho những người chỉ dựa dẫm vào cú giao bóng ngày càng trở nên ít ỏi.

Nhưng, Karlovic dù thực hiện 44 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp trong một trận đấu, lại không phải là người chiến thắng ở giải đấu đó. Danh hiệu vô địch thuộc về Marin Cilic, một người Croatia khác cũng có chiều cao lý tưởng nhưng không phải là một chuyên gia giao bóng.

Khi giao bóng là truyền thống

Lâu nay, việc Karlovic giao bóng lập kỷ lục thế giới thường được lý giải đơn thuần là nhờ chiều cao kỷ lục 2m11 (cao nhất làng banh nỉ). Nhưng Karlovic thực ra còn là một trong những sản phẩm tiêu biểu của đất nước Croatia luôn sản sinh ra những chuyên gia giao bóng.

Goran Ivanisevic, là người hùng dân tộc ở Croatia nhờ thành tích vô địch Wimbledon 2001.

Cho tới hôm nay, Ivanisevic vẫn là người duy nhất đăng quang trong lịch sử Grand Slam với tư cách của một tay vợt nhận suất đặc cách.

Nadal giao bóng hay hơn Karlovic - 2

Goran Ivanisevic đăng quang Wimbledon cũng nhờ khả năng giao bóng tốt

Có hai yếu tố lý giải cho thành tích kỳ diệu ấy của Ivanisevic. Thứ nhất, bản thân anh đã từng ba lần lọt vào tới trận chung kết Wimbledon trước đó, và thứ hai, Ivanisevic giao bóng cừ khôi để có cơ hội trong giai đoạn lối chơi giao bóng lên lưới chưa bị “phế truất” bởi lối đánh cuối sân.

Và Ivanesivic là tay vợt điển hình cho trường phái tennis Croatia luôn chú trọng tới khâu giao bóng.

Ivan Ljubicic, một người Croatia khác, từng vô địch Masters 1000 ở Indian Wells, cũng là một chuyên gia giao bóng dù không cao trên 2m.

Ở một tầm mức thấp hơn, một tay vợt Croatia khác, Ivan Dodig cũng được biết tới như là tay vợt có các cú giao bóng nặng

Tennis Croatia dường như chịu khá nhiều sự ảnh hưởng của tennis Mỹ, nơi mà hầu hết các tay vợt đều rất mạnh với kỹ năng giao bóng.

Hoặc cũng có thể là sự tương đồng bởi bóng rổ là một trong những môn thể thao phổ biến ở Croatia, trong khi đây lại là môn thể thao bổ trợ khá nhiều cho tennis cả trong cách xây dựng hình thể lẫn sử dụng đôi chân di chuyển linh hoạt và đặc biệt là kỹ thuật cổ tay. 

Giao bóng mạnh hay giao bóng hiệu quả?

Nhưng sự thay đổi lớn lao trong vòng chục năm qua ở tennis đã làm giảm bớt ưu thế của các tay vợt sống nhờ giao bóng do công nghệ sản xuất vợt và các mặt sân được làm để tốc độ bóng đi chậm lại nhằm kéo dài các pha bóng hơn, làm tăng tính hấp dẫn cho các trận đấu.

Để trở thành nhà vô địch Grand Slam trong chục năm qua và trong tương lai, để đứng trong top 10 thế giới một cách ổn định đòi hỏi các tay vợt phải có sự toàn diện. Hoặc chí ít, với riêng kỹ năng giao bóng, thì giao bóng mạnh đôi khi không đồng nghĩa với giao bóng hiệu quả.

Ivanisevic hiện vẫn đứng số 1 trong lịch sử tennis thế giới về số lượng cú ace giành được trong cả sự nghiệp với 10.183 cú. Số lượng cú ace ấy nhiều hơn 1.325 so với những gì Sampras (thứ 3) làm được trong cả sự nghiệp và nhiều hơn 1.811 so với Federer (thứ 4). Điều đáng kể hơn nữa là Ivanisevic thi đấu ít trận hơn hẳn, 766 so với 836 và 1.109 trận.

Nadal giao bóng hay hơn Karlovic - 3

Tennis ngày nay, giao bóng hiệu quả mới là chìa khóa dẫn đến chiến thắng

Karlovic hiện đứng thứ sáu ở chỉ số này với 7.936 cú ace chỉ sau 424 trận. Nên nếu tính về tỉ lệ cú ace/trận đấu thì Karlovic mới là người đứng thứ nhất với trung bình 18,7 cú ace/trận, còn Federer chỉ kiếm được 7,55 cú ace/trận, trong khi đó hiệu suất của Pete Sampras là hơn chục ace/trận.

Thế nhưng, tính hiệu quả của giao bóng còn phải tính tới tỉ lệ giao bóng một vào sân và tỉ lệ giao bóng hai ăn điểm. Chúng ta có thể thấy được vai trò của nó qua các thống kê trong năm 2013, khi những người đứng đầu các chỉ số này đều là những người thành công nhất.

Ở chỉ số giao bóng một vào sân, Karlovic không có mặt trong top 50 trong năm 2013, còn Nadal và Djokovic nằm trong top 10 (thứ 2 và 8).

Ở chỉ số giao bóng hai ăn điểm, Djokovic và Nadal chia nhau hai vị trí đầu tiên, và Karlovic một lần nữa cũng không có mặt trong top 50.

Thêm về vai trò của giao bóng hai ăn điểm, chúng ta cần nghe những huyền thoại tennis thế giới nói về nó.

Pete Sampras, người giành 14 Grand Slam và là bậc thày của lối chơi giao bóng lên lưới từng nói trong cuốn tự truyện “Bộ não nhà vô địch”, rằng “cú giao bóng hai mới là đòn quyết định nhất. Và khi bạn giao bóng hai ăn điểm ngon lành, lúc đó, tỉ lệ giao bóng một ăn điểm bao nhiêu cũng chẳng còn quá quan trọng nữa.”

Federer trước trận đấu suýt thua Andy Roddick ở Wimbledon 2009 (5-7, 7-6(6), 7-6(5), 3-6, 16-14) cũng có một nhận định tương tự, rằng anh ngại Roddick không phải vì cú giao bóng một, mà nằm ở cú giao bóng hai khi Roddick giao bóng hai biến hoá, hiểm và vẫn sẵn sàng tấn công.

Và mới đây thôi, Wawrinka đã thắng game then chốt trong set đầu tiên trận chung kết với Nadal dù bị dẫn 0-40 và cả game đó chỉ giao bóng một vào sân đúng một lần sau hơn chục cú giao bóng.

Chìa khoá để Wawrinka sống sót trong game đấu đó là cú giao bóng hai tốt và chơi cực kỳ tự tin khi đứng đôi công cuối sân cũng như lựa chọn thời điểm thích hợp để lên lưới dứt điểm. Hay nói như ở trên, đó cũng là biểu hiện của sự toàn diện.

Chính bởi thế, dù cho Karlovic là chủ nhân của các kỷ lục giao bóng nhanh, tỉ lệ trung bình mỗi trận nhiều ace nhất, thì một người giao bóng còn chậm hơn cả Serena Williams như Nadal (125mph so với 129mph) vẫn là một trong rất ít các huyền thoại của tennis thế giới; hay như Wawrinka chỉ giao bóng rất cừ thôi chứ chưa có kỷ lục nào lại là người đầu tiên giành Grand Slam sau năm năm cuộc chiến đỉnh cao chỉ là chuyện của bốn tay vợt lớn.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN