Muay Thai: Quả đấm và những giấc mơ đổi đời (P2)

Muay Thai có thể là lối thoát duy nhất giúp thanh niên nông thôn thoát khỏi cảnh nghèo.

Với một bộ phận lớn thanh thiếu niên nông thôn Thái Lan, Muay Thái có thể là lối thoát duy nhất giúp họ thoát khỏi cảnh nghèo. Mỗi lần thượng đài tùy theo tính chất khốc liệt của trận đấu, mỗi võ sĩ được trả trung bình 8.000 - 12.000 baht (khoảng 200 - 300 USD) - một khoản tiền không nhỏ ở quê nhà.

Những nắm đấm, những cú đá, cú chỏ... có thể đưa họ ra khỏi cảnh tăm tối đói nghèo, nhưng cũng có thể đó là lần cuối cùng họ được thấy ánh mặt trời...

Tuổi thơ khổ luyện

Tại Bangkok có đến hàng ngàn lò võ thu hút hàng trăm ngàn võ sinh tham gia và những lò võ nổi tiếng có liên hệ mật thiết với những sàn đấu hợp pháp lẫn không hợp pháp luôn đầy ắp thiếu niên đến từ các tỉnh miền đông bắc, miền nam vốn được xem là nghèo nhất nước Thái.

Muay Thai: Quả đấm và những giấc mơ đổi đời (P2) - 1

Trẻ em vùng quê được học Muay Thai từ rất sớm

Tại một trại huấn luyện ở ngoại ô Bangkok, chúng tôi chứng kiến hàng trăm gương mặt non choẹt tuổi chỉ khoảng sáu, bảy, cao lắm là 12,13 tuổi, tất cả đều đến từ vùng đông bắc Thái bởi ông chủ cũng xuất thân từ đây. Các em đều cho biết những người bỏ quê ra đi và trở về có tiền bạc, sắm sửa nhà cửa đều là những võ sĩ Muay Thái nên ai cũng kỳ vọng vào con đường này để đổi đời. Nhưng không phải ai cũng có cơ hội bước chân vào “lò” để theo đuổi giấc mơ trở thành võ sĩ.

Một khóa học kéo dài ba tháng ở các lò nổi tiếng tại Bangkok đã lên đến 1.500 USD/khóa, chưa kể chi phí lưu trú. Những gia đình quá nghèo không đủ tiền đóng học phí thường có cách riêng là “bán xác” con em mình, người chủ sẽ nhận trước một khoản học phí tượng trưng và gia đình làm cam kết sau các khóa huấn luyện, chủ sẽ tung ngay các em vào sàn đấu, những khoản tiền cá cược sau những trận thắng sẽ trừ dần vào học phí.

Dĩ nhiên, không phải võ sinh nào cũng được ưu đãi nhận vào với hình thức “bán xác” này. Chủ lò sẽ chọn lựa hết sức kỹ lưỡng, xem giò xem chân, xem mức độ dũng cảm, khả năng lì đòn và sức chịu đựng của võ sinh xem họ có thể thắng và trụ được bao lâu trên những sàn đấu. Vì nếu võ sĩ sớm chấn thương và thua cuộc thì họ sẽ chẳng nhận được đồng nào!

Những học sinh nội trú bắt đầu một ngày làm việc rất vất vả. Họ thức giấc từ tờ mờ sáng, bắt đầu những bài luyện thể lực trước khi bước vào những giờ tập luyện kỹ thuật cực kỳ vất vả. Tại lò võ gần khu vực sàn đấu Samrong, chúng tôi đã chứng kiến một bé trai chừng 10 tuổi bắt đầu buổi tập với cảnh nghiến răng chịu đau đớn khi bị nắm hai chân và tay kéo dãn ra trong phần khởi động chuẩn bị cho bài tập thể lực.

Đứng sát bên cạnh, người huấn luyện viên miệng cứ hét lớn vào tai em: “Kéo mạnh vào, mạnh vào, mạnh vào…”. Khóe mắt em đỏ hoe vì đau đớn. Chưa kịp lau nước mắt sau bài khởi động như tra tấn này, em lại được một huấn luyện viên khác kéo ra với bài luyện tập đòn chân. Cái chân còm nhom, ống quyển sưng vù cứ thế mà đá vào bao cát suốt một giờ đồng hồ, nhưng vẻ mặt của huấn luyện viên thì chẳng có gì hài lòng khi nhìn thấy cảnh học trò mồ hôi nhễ nhại. Miệng ông luôn lẩm bẩm: “Ra đòn yếu quá, yếu quá…”.

Đứa bé gần như không còn sức nhưng môi luôn mím chặt và chân vẫn phải tung cước. Trong giây phút giải lao ngắn ngủi, chúng tôi lân la trò chuyện, em cho biết tên Dun, quê cách Bangkok 500km về phía nam, em mới 9 tuổi, cả nhà chỉ có em là con trai, các chị gái đều làm ruộng, mẹ em đã mất 20.000 baht mới có thể cho em vào lò này, số tiền gần 40.000 baht học phí còn nợ sẽ phải trả khi em được thượng đài. Dun nói: “Thầy bảo em ráng tập, đến cuối năm nay là có thể thượng đài được rồi…”.

Ở một góc khác trong trại, chúng tôi thấy một võ sinh tuổi chỉ khoảng 12,13 đang ra sức đấm vào bao cát cứng như đá, em cứ đấm liên tục nhưng vị huấn luyện viên vẫn nhìn và lắc đầu. Khi chúng tôi tỏ ý khuyên ông cho em nghỉ, ông cười bảo: “Chưa ăn thua gì đâu!”. Theo ông, luyện chiêu này cần phải có ý chí và bản lĩnh kiên cường.

Trong tháng đầu tiên, đôi tay người luyện sẽ sưng húp và rỉ máu liên tục, nhưng sẽ không có chuyện ngưng tập. Họ sẽ được sử dụng một loại dược thảo giảm đau đặc biệt, bôi vào và dùng vải quấn quanh đầu ngón tay. Họ tiếp tục đấm cho đến khi các khóe bàn tay chai sạn và không còn cảm giác đau mới gọi là hoàn thành giai đoạn cơ bản!

Với các võ sinh, gian nan nhất là giai đoạn tập luyện tạo lực cho các cú đá. Một ngày họ phải dành ít nhất ba giờ đồng hồ liên tục đá vào bao cát hoặc thân cây chuối. Không ít học viên đã phải bỏ cuộc trong giai đoạn này vì không thể lết đi nổi với hai ống quyển sưng vù, thậm chí nứt xương.

Một nhà báo Thái Lan chuyên viết về Muay Thái nói với chúng tôi rằng cách luyện tập này là bình thường vì ông từng được chứng kiến nhiều lò chuyên cung cấp võ sĩ cho các sàn đấu bất hợp pháp còn bắt học viên luyện những cú đá chân bằng cách cho đá vào gạch hoặc cột nhà.

Theo họ, nếu học viên luyện thành công tuyệt chiêu này thì chỉ cần một cú đá là có thể “phang” gãy chân đối phương như chơi và họ sẽ hốt bạc, vì nhiều sàn đấu bất hợp pháp thường cá cược theo mức độ chấn thương của các võ sĩ!

Muay Thai: Quả đấm và những giấc mơ đổi đời (P2) - 2

Đồng tiền xương máu...

Chúng tôi đến thăm lò võ Jittigym - một trong những lò danh tiếng nhất tại Bangkok, nằm gần ga tàu điện ngầm Ratchadapisek. Chủ lò võ này là ông Jitti Damriram - cựu võ sĩ một thời vang bóng của Thái. Jitti Damriram từng lọt vào top 5 những tay đấm xuất sắc nhất trong giai đoạn 1978-1981.

Sau khi thiết lập kỷ lục với hơn 80 lần thượng đài toàn thắng ở những sàn nổi tiếng nhất Bangkok, Jitti Damriram quyết định giã từ sự nghiệp võ sĩ vào năm 1991, ông mở lò Jittigym gần đại lộ Khao San.

Đây cũng là một trong những lò đầu tiên tại Bangkok thu nhận học viên nước ngoài. Jittigym bắt đầu nổi tiếng với cái tên “International Muay (Muay quốc tế)” sau khi cho ra đời một số nhà vô địch đến từ châu Âu.

Ông Jitti Damriram cho biết Jittigym hiện có hơn 100 học viên. Khoảng 20% trong số này là học viên nội trú chủ yếu là người Thái đến từ các tỉnh, tuổi từ 5-15. Tùy theo sự tiến bộ của từng học viên, nhưng trung bình từ sáu tháng đến một năm, các học viên “nhí” sẽ được tung lên sàn đấu. Nơi đó, họ sẽ có cơ hội khẳng định tên tuổi và tài năng.

Một trận thắng sẽ giúp họ bỏ túi ít nhất 8.000 baht (khoảng 200 USD). Nếu bại trận, họ chỉ được một khoản tiền nhỏ gọi là “tiền công thượng đài”. Và dĩ nhiên, những kẻ bại trận sẽ khó tìm được chỗ đứng lâu dài trên con đường mưu sinh khốc liệt này.

Trong buổi chiều quan sát cảnh tập luyện tại lò Jittigym, chúng tôi rất ấn tượng với hai anh em nhà Somsak. Các em có đôi mắt sáng nhưng luôn ánh lên vẻ lì lợm của một đấu sĩ chuyên nghiệp. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở tỉnh Nakhorn Nayok, cách Bangkok hơn 120km, cha mẹ buôn bán hàng rong với khoản thu nhập ít ỏi không đủ nuôi con ăn học.

Họ đã gửi cả hai anh em cho thầy Jitti Damriram với phương thức “bán xác”, hy vọng một ngày nào đó con mình sẽ trở thành những đấu sĩ tên tuổi để giúp gia đình vượt qua cảnh nghèo. Người anh có biệt danh Dudt, 14 tuổi, học Muay Thái chưa đến một năm nhưng đã 12 lần thượng đài và kiếm hơn 10.000 baht (gần 300 USD). Em không tiêu xài riêng đồng nào cả, chỉ sử dụng một phần tiền đóng học phí, còn toàn bộ gửi về cho cha mẹ ở quê nhà.

Dudt tâm sự: “Buổi sáng em đến trường (Dudt đang học lớp 7). Em dành toàn bộ thời gian buổi chiều luyện Muay Thái. Những ngày luyện tập đầu tiên của em rất khổ cực. Có những lúc chân tay em đau buốt đến độ không thể cất bước đi hay cầm bút được. Nhưng em vẫn gượng dậy khi nghĩ đến cảnh dãi nắng dầm mưa buôn bán của cha mẹ ở quê nhà. Em muốn trở thành một võ sĩ chuyên nghiệp, nhưng giấc mơ xa hơn của em là được vào đại học”.

Không phải lúc nào Dudt cũng giành thắng lợi, lần đầu tiên khi được xuất hiện tại sàn đấu danh tiếng Rajadamnoen, em đã bị đối thủ hạ knock-out. Thân thể em bầm dập và thâm tím phải nằm liệt giường hàng tuần liền. Nhưng đồng môn của Dudt nói họ chưa bao giờ chứng kiến cảnh Dudt rên la, một phần vì đó là bản lĩnh của Dudt và một phần vì đó là đặc tính của Muay Thái. Người võ sĩ có thể đau đến tột cùng nhưng không bao giờ được kêu ca.

Còn bé Kao là học viên nhỏ nhất ở đây, em chỉ mới 9 tuổi, quê ở tận miền nam Thái Lan, giáp với Malaysia. Chúng tôi hỏi Kao vì sao thích Muay Thái, em chỉ cười: “Sẽ kiếm được nhiều tiền, mẹ bảo thế…”. Kao chỉ mới được gửi lên đây hơn một tuần, những bài tập đầu tiên mới chỉ là những điệu múa khởi động “Wai-kru” mà Kao rất thích, nhưng em đâu thể biết phía trước sẽ là con đường dài đầy máu và nước mắt…

Mời các bạn đón xem Phần 3: Câu chuyện của nhà vô địch Muay Thai chuyển giới vào 15h thứ Tư ngày 13/3/2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Binh Nguyên - Duy Bình (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN