"Michael Phelp" Võ Thanh Tùng và bộ sưu tập siêu huy chương

Sự kiện: Muôn màu thể thao

(Tin thể thao, tin bơi lội) Không tái lập được thành tích giành HCV ở cả 5 nội dung thi đấu như bốn năm trước, thế nhưng với 3 HCV, 2 HCB đồng thời xô đổ 3 kỷ lục tại ASIAN Paragames 2018, Võ Thanh Tùng chính là gương mặt chói sáng nhất của thể thao người khuyết tật (TTNKT) Việt Nam.

Cho đến nay, điều tiếc nuối nhất của kình ngư sinh năm 1985 quê An Giang này có lẽ chính là chưa một lần chạm tay đến bất cứ ngôi vô địch nào ở cấp độ thế giới dù bộ sưu tập "siêu" huy chương của anh hiện có đến hơn 200 chiếc với vô số lần lên ngôi ở các giải đấu châu lục. Liệu có phải vì thế mà Võ Thanh Tùng đặc biệt yêu thích tấm HCB giành được tại Paralympic Rio 2016, lần gần nhất anh tiếp cận đỉnh cao mơ ước của một đời VĐV?

"Michael Phelp" Võ Thanh Tùng và bộ sưu tập siêu huy chương - 1

Võ Thanh Tùng trên đường đua xanh Paralympic 2016

Tuổi thơ bất hạnh

Quê ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, ngày chào đời, Tùng là một cậu bé bình thường như bao đứa trẻ khác. Biến cố ập đến năm cậu bé lên 6 tuổi và sau cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh, đôi chân của Tùng bỗng dưng teo tóp dần. Chẳng những không thể chạy nhảy vui đùa với chúng bạn, ngay cả việc đi lại của cậu bé cũng khó khăn hơn bao giờ hết.

"Michael Phelp" Võ Thanh Tùng và bộ sưu tập siêu huy chương - 2

Kình ngư đặc biệt Võ Thanh Tùng

Bất hạnh là vậy song số phận nghiệt ngã chưa bao giờ ngăn trở nổi ý chí vươn lên, vượt qua nghịch cảnh của Tùng. Cậu luôn cố gắng tận dụng mọi cơ hội để học hành, thậm chí có lúc đã phải nghỉ học vì nhà quá nghèo nhưng rồi Tùng vẫn tìm mọi cách để quay lại với sách vở, với nhà trường.

Thi đậu vào đại học, Tùng vượt khó để kiếm tiền trang trải cuộc sống, vừa phải dành thời gian học tập để có được tấm bằng cử nhân ngành Công nghệ thông tin.

Vươn lên giữa phong ba

Tình cờ "bén duyên" với đường đua xanh ở một lần tham gia sinh hoạt và tập luyện với những người cùng cảnh ngộ ở Cần Thơ, với những tố chất bẩm sinh và sự kiên trì hiếm thấy, Tùng nhanh chóng thích nghi và có được sự phát triển vượt bậc ở lĩnh vực thể thao còn rất mới mẻ đối với anh.

Năm 2005, ngay lần đầu tham dự Đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc, Tùng đã giành được 3 HCV. Thành tích này càng khiến anh thêm tự tin và quyết tâm theo đuổi sự nghiệp thi đấu đỉnh cao.

Ngay lần đầu được thi đấu trong màu áo đội tuyển TTNKT Việt Nam ở Giải Vô địch Đông Nam Á 2009, Tùng thiết lập 2 kỷ lục mới ở các cự ly 50m và 100m tự do. Một năm sau, tại Asian Paragames lần đầu tiên được tổ chức tại Trung Quốc, Tùng thi đấu xuất thần để giành tấm HCV đầu tiên cho TTNKT Việt Nam ở đấu trường châu Á.

"Michael Phelp" Võ Thanh Tùng và bộ sưu tập siêu huy chương - 3

Võ Thanh Tùng (hàng đứng, bìa trái) ở đội tuyển bơi NKT Việt Nam

Không còn là "nhân tố bí ẩn" trên đường đua xanh, Võ Thanh Tùng được giới chuyên môn quốc tế đặc biệt quan tâm. Anh khẳng định năng lực theo cách rất riêng khi giành HCV ở cả 5 nội dung thi đấu tại Asian Paragames Incheon 2014, vượt qua đông đảo các đối thủ sừng sỏ để nhận giải thưởng dành cho VĐV xuất sắc nhất đại hội.

"Michael Phelp" Võ Thanh Tùng và bộ sưu tập siêu huy chương - 4

Bộ sưu tập huy chương Asian Paragames 2018 của Võ Thanh Tùng

Thêm một kỳ đại hội nữa khép lại tại Indonesia và với 3 HCV, 2 HCB đồng thời xô đổ 1 kỷ lục châu Á, 2 kỷ lục đại hội tại ASIAN Paragames 2018, Võ Thanh Tùng chính là gương mặt chói sáng nhất trên đường đua xanh châu lục, góp phần quan trọng giúp đoàn TTNKT Việt Nam xếp hạng 12 chung cuộc.

Tổng cộng sau 3 kỳ đại hội, kình ngư Võ Thanh Tùng đã giành được 9 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ, được đồng nghiệp xem là "Michael Phelps của TTNKT Việt Nam".

Vươn tầm thế giới, giấc mơ chưa thành

Tham dự Giải Vô địch thế giới 2015, Võ Thanh Tùng giành được HCĐ nội dung 50m tự do, hạng thương tật S5 với thành tích 34 giây 88. Đây chính là tấm huy chương thế giới đầu tiên của bơi lội TTNKT Việt Nam, mang lại một cú hích thực sự cho Thanh Tùng, giúp anh vững tin với mục tiêu chinh phục đấu trường Paralympic.

Tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic Rio 2016, Thanh Tùng đã chạm tay vào cột mốc lịch sử khi xuống nước ở đợt thi chung kết 50m tự do, hạng thương tật S5. Xuất phát không tốt và để đối thủ bỏ xa nhưng bằng sự bứt phá tuyệt vời, Võ Thanh Tùng đã về đích sau 33 giây 94, chỉ vài tích tắc sau VĐV huyền thoại Daniel Dias của nước chủ nhà Brazil, người giành HCV với thành tích 32 giây 78.

"Michael Phelp" Võ Thanh Tùng và bộ sưu tập siêu huy chương - 5

Cùng HLV Đổng Quốc Cường trở về từ Paralympic Rio 2016

Tùng còn suýt giành thêm được một HCĐ tại Brazil khi chỉ về đích thứ tư ở nội dung 50m ngửa sau 40 giây 13, kém đôi chút so với bộ ba Daniel Dias (Brazil), Andrew Mullen (Anh) và Zsolt Vereczkei (Hungary) với thành tích lần lượt là 35 giây 40, 37 giây 94 và 38 giây 92… Như vận vào nghiệp, xấp xỉ chục năm chinh chiến trên mọi đấu trường và sở hữu bộ sưu tập huy chương trên 200 chiếc các loại nhưng một tấm HCV cấp độ thế giới vẫn luôn ngoảnh mặt với Tùng.

Tùng Rio mơ chinh phục Tokyo

Thành danh ở các cự ly ngắn (50m) nhưng Võ Thanh Tùng cảm thấy hài lòng nhất với tấm HCV 100m tự do tại Asian Paragames 2018.

Thông số 1 phút 17 giây 02 là thành tích tốt nhất ở nội dung này sau nhiều năm phấn đấu và nỗ lực của anh không hề lãng phí khi đấy cũng là kỷ lục châu Á mới nhất của chàng trai đã bước sang tuổi 33 này. Tùng cho rằng nếu được đầu tư đầy đủ, anh tin mình sẽ tiếp tục giành huy chương ở Paralympic Tokyo 2020.

"Michael Phelp" Võ Thanh Tùng và bộ sưu tập siêu huy chương - 6

Võ Thanh Tùng tại Asian Paragames 2018

Ngưỡng mộ Michael Phelps và mong muốn làm được nhiều điều phi thường như "thần tượng" người Mỹ, Tùng luôn thể hiện một tinh thần mạnh mẽ và lòng khao khát chiến thắng mãnh liệt khi bước ra đường đua xanh. Có biệt danh "Ocean" nhưng người ta có thể "tìm" thấy anh trên mạng xã hội Facebook với nickname Tùng Rio, chính là tên cậu con trai đầu lòng chào đời năm anh đạt thành tích chói sáng tại Paralympic 2016.

"Michael Phelp" Võ Thanh Tùng và bộ sưu tập siêu huy chương - 7

Võ Thanh Tùng nhận giải thưởng Cúp Chiến thắng 2018

Luôn xem gia đình là động lực lớn nhất cho thành công, là điểm tựa cho mọi bước tiến trong sự nghiệp, Võ Thanh Tùng luôn trải lòng với các VĐV trẻ, rằng "nếu dám mơ ước và cho phép bản thân mơ ước, bạn có thể làm bất cứ chuyện gì".

Vâng, chính anh đã là tấm gương sáng cho những ai bị khiếm khuyết một hoặc nhiều phần cơ thể nhưng không chịu lùi bước trước số phận, không đầu hàng bất cứ khó khăn gian khổ nào. Với ý chí của mình, sau nhiều năm phấn đấu, Võ Thanh Tùng lần đầu tiên đứng đầu danh sách bình chọn "VĐV thể thao người khuyết tật xuất sắc toàn quốc" đồng thời được nhận Cúp Chiến thắng 2018 cho những thành tích chói sáng của anh trong năm vừa qua.

Vỡ òa: Cua-rơ Nguyễn Thị Thật hạ 111 VĐV chinh phục 88,5km ở châu Âu

Cua-rơ nữ số 1 Việt Nam - Nguyễn Thị Thật có khởi đầu như mơ tại châu Âu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đông Linh - Đào Tùng ([Tên nguồn])
Muôn màu thể thao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN