"Mất trắng” 30 HCV, Việt Nam bỏ mục tiêu Top 3 SEA Games?
Ngành Thể thao không xác định việc lọt vào Top 3 toàn đoàn tại SEA Games là mục tiêu bắt buộc.
Đây được xem là bước đột phá trong cách nghĩ, cách làm của thể thao Việt Nam.
Chưa đấu đã “mất trắng” 30 HCV
Ngay khi chương trình thi đấu SEA Games 2017 gồm 38 môn với 403 nội dung được chốt lại, ngoại trừ nước chủ nhà Malaysia, các đoàn khác đều phải choáng váng vì sự “biến dạng” tới phân nửa so với kỳ đại hội trước.
Trong đó, nhiều môn thế mạnh của Việt Nam, nổi bật là hai “mỏ” vàng rowing, canoeing và vật bị loại. Một số môn trọng điểm bị khống chế số lượng hoặc chỉ tổ chức nội dung của nam dù chúng ta rất mạnh các nội dung của nữ như: Đấu kiếm, boxing, cử tạ. Việt Nam cũng không có lực lượng tham gia một số môn mà Malaysia đã quyết tâm đưa vào như: Cricket, đua ngựa, hockey, hockey trên băng, trượt băng nghệ thuật.
Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 28 tại Singapore
Tính ra, coi như thể thao Việt Nam đã “mất trắng” khoảng 30 HCV. Chưa kể, còn có một khó khăn mới phát sinh chính là xu hướng nhập tịch VĐV nước ngoài ở nhiều nước, rõ nhất ở điền kinh. Mục tiêu bảo vệ một vị trí trong Top 3 toàn đoàn - thành tích mà Việt Nam liên tục giữ vững kể từ SEA Games 2003, đã bị lung lay dữ dội. Xét về nhiều mặt, Việt Nam hoàn toàn có thể tụt xuống hạng 4, hay kể cả hạng 5.
Top 3 không còn là chỉ tiêu bắt buộc
Thế nhưng cũng chính ở thời điểm này, thể thao Việt Nam đã chứng tỏ một bước chuyển mạnh mẽ, thậm chí có thể coi như một cuộc vượt lên chính mình, trước hết là về nhận thức. Thay vì tìm mọi cách để “đấu tranh” qua những cuộc “tranh tài trên bàn hội nghị”, những người có trách nhiệm đã đón nhận “thực tế quen thuộc” ấy một cách bình thản.
Theo Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, Thể thao Việt Nam phải xác định rõ được mục tiêu là hướng đến đấu trường châu lục, thế giới và việc chuẩn bị cho SEA Games cũng là chuẩn bị cho mục tiêu chính ấy. Vì thế, không nên quá nặng nề, bằng mọi giá phải đạt được thành tích, có được thứ hạng cao tại kỳ SEA Games 29.
“Thể thao Việt Nam phải trả lời cho được câu hỏi sau 5 - 10 năm nữa, chúng ta đứng thứ mấy ở Asian Games, được huy chương gì ở Olympic, những môn nào có thể giúp cho chúng ta hoàn thành mục tiêu đó để tập trung đầu tư ngay từ bây giờ. Ngoài việc tập trung đầu tư vào các môn Olympic thì cũng cần đầu tư vào các môn được đông đảo quần chúng mến mộ như bóng đá, bóng chuyền”.
Ngoài việc khẳng định dứt khoát Top 3 không còn là chỉ tiêu bắt buộc, lãnh đạo ngành Thể thao còn nêu rõ: Thể thao Việt Nam thậm chí không đặt nặng chuyện thứ hạng, huy chương tại SEA Games, mà sẽ chỉ quan tâm, tập trung tối đa vào sự chuẩn bị và thành tích của các môn, nội dung có trong chương trình Olympic.
Trên thực tế, nếu cố gắng bung sức, cơ hội để Việt Nam giữ vững hạng Ba vẫn có song như thế cứ mãi chạy theo vòng luẩn quẩn, đầu tư dàn trải và cuối cùng chẳng tiến thêm được bước nào. Đơn giản vì đến kỳ SEA Games tới, gần như chắc chắn, chương trình thi đấu sẽ lại thay đổi phân nửa, phụ thuộc vào nước chủ nhà.
Tổng cục phó Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn chia sẻ, thay vì chỉ tập trung cao độ cho đích nhắm Top 3 toàn đoàn như trước, thể thao Việt Nam sẽ phấn đấu vào Top 3 ở các môn Olympic. Số huy chương, nhất là Vàng, cùng các thông số cụ thể so với ASIAD, Olympic sẽ là tiêu chí quyết định nhất. Các môn, nội dung Olympic, Việt Nam phấn đấu đoạt từ 49- 62 HCV.
Cũng theo ông Phấn, người sẽ làm Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 29, riêng với bóng đá, đội tuyển nam và nữ phải phấn đấu cho mục tiêu vào đến chung kết. Với bóng chuyền, phải dần khắc phục tâm lý cam chịu, cứ gặp người Thái là xác định trước tư tưởng sẽ thua và phải đặt ra mốc phấn đấu cụ thể để biết đến khi nào chúng ta có thể vượt qua Thái Lan.
Ngay trong quá trình chuẩn bị SEA Games, ngành Thể thao cũng đã nhìn lại, rà soát lại những nội dung, môn thế mạnh phục vụ cho mục tiêu hướng ra châu lục và thế giới để tập trung đầu tư. Điều đó được thể hiện rõ trong việc 55 tuyển thủ của 19 môn đang được đầu tư trọng điểm với mức tiền công, tiền ăn lên tới 800 nghìn đồng/ngày.
"Cách đây 10 năm, tôi từng phát biểu trên các diễn đàn rằng, Thể thao Việt Nam không cần phải vào Top 3 SEA Games và bị phản ứng dữ dội từ ngành Thể thao. Rất mừng vì sau đó, mọi chuyện bắt đầu thay đổi và đến giờ đã có bước đột phá trong cách tiếp cận, chuẩn bị SEA Games. Theo tôi ngành Thể thao cần phải có sự điều chỉnh, phân cấp rõ ràng, quyết liệt để làm sao SEA Games thực sự trở thành một bước “đệm”, thay vì làm rào cản cho ASIAD và Olympic như lâu nay”. Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh |