Kỳ vọng từ những chuyến tập huấn nước ngoài
Một trong những giải pháp được các đội tuyển hướng đến trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31 là tập huấn và thi đấu ở nước ngoài, đặc biệt ở giai đoạn cận kề SEA Games 31 hiện nay. Thực tế, không phải đội tuyển nào cũng may mắn thực hiện được việc này. Còn những đội tuyển thực hiện được cũng đang nhận được nhiều kỳ vọng.
Chuyện đơn giản thành khó khăn
Cho đến bây giờ, khi đã đạt được những bước tiến lớn so với lần đầu tiên giành ngôi Nhất toàn đoàn tại SEA Games (SEA Games 22 năm 2003), thể thao Việt Nam vẫn xem những chuyến tập huấn nước ngoài như giải pháp quan trọng để hoàn thành các mục tiêu chuyên môn.
HLV Dương Ngọc Hải của đội tuyển Muay Việt Nam kể rằng, khi tập huấn ở nước ngoài, đặc biệt ở những nước trong nhóm đầu thế giới về môn thể thao đó thì VĐV càng có động lực trong tập luyện. Việc này càng có ích khi VĐV được tập luyện với những HLV bản địa, những HLV hàng đầu thế giới và thể thao Việt Nam có muốn cũng khó mời do vấn đề tiền lương hoặc đơn giản là người đó không thu xếp được thời gian để làm việc tại Việt Nam trong thời gian dài.
Đội tuyển Muay quốc gia tập huấn tại lò đào tạo Muay hàng đầu Thái Lan.
Không kể, chế độ dinh dưỡng cho VĐV cũng được bảo đảm, nhiều khi tốt hơn so với khi tập huấn tại Việt Nam. Đấy là câu chuyện mà người trong cuộc ít khi so sánh công khai nhưng nhiều HLV, VĐV cũng phải ghi nhận chuyện này.
Không ngẫu nhiên mà nhiều đội tuyển thể thao Việt Nam đều tin vào thành công của các chuyến tập huấn nước ngoài. Ngôi vô địch toàn đoàn đầu tiên và duy nhất đến nay của thể thao Việt Nam tại đấu trường SEA Games (năm 2003) mang nặng dấu ấn từ những chuyến tập huấn dài hạn ở nước ngoài của các đội tuyển, đặc biệt ở Trung Quốc.
Trong đó, nhiều VĐV Hà Nội đã được ngành Thể thao Hà Nội lúc ấy cử đi tập huấn dài hạn ở Trung Quốc trong nhiều năm để rồi tỏa sáng rực rỡ trong màu áo đội tuyển quốc gia ở SEA Games năm 2003 như Nguyễn Thị Tĩnh, Nguyễn Lan Anh (điền kinh). Trần Tuấn Quỳnh (bóng bàn), Đỗ Thị Ngân Thương (thể dục dụng cụ)…
Sau này còn là những chuyến tập huấn dài hạn ở Hàn Quốc và nhờ đó, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành những HCV, HCB đầu tiên cho thể thao Việt Nam ở đấu trường Olympic (năm 2016).
Tất nhiên không phải chuyến tập huấn nước ngoài nào cũng mang lại hiệu quả như mong muốn, nhưng khi nhiều môn thể thao của Việt Nam chưa vào nhóm đầu thế giới thì việc thực hiện những chuyến tập huấn nước ngoài ở các quốc gia hàng đầu thế giới về môn thể thao đó vẫn cần thiết.
Nhưng rõ ràng, dịch COVID-19 đã để lại hàng loạt hệ lụy cho thể thao Việt Nam. Đến trước SEA Games 31, chuyện tập huấn nước ngoài vốn đơn giản trong vài năm trước, miễn là có tiền, lại trở nên không đơn giản, thậm chí khó khả thi. Nhiều đội đành lỡ hẹn với các chuyến tập huấn nước ngoài. Như chuyện đội tuyển đấu kiếm đã không thể tập huấn nước ngoài dự kiến trong tháng 4-2022, do tình hình dịch COVID-19 phức tạp tại Hàn Quốc hay những lo ngại về sự an toàn tại Georgia.
Còn HLV trưởng đội tuyển bóng bàn quốc gia Lê Huy cũng kể rằng, đội tuyển cũng không thể đi tập huấn tại Trung Quốc như dự tính do dịch COVID-19 ở đây đang diễn biến phức tạp. Trong khi ở đây có nhiều giải đấu, đối tượng thi đấu phù hợp, giúp các tay vợt Việt Nam dễ nâng trình độ.
Tương tự đội tuyển bóng bàn, nhiều đội vẫn thường xuyên chọn Trung Quốc để tập huấn như wushu, cử tạ, điền kinh… cũng không thể thực hiện được việc tập huấn tại đây. Hay như đội tuyển bi sắt quốc gia, hiện đang tập huấn tại Hà Nội, cũng không thể đến Thái Lan để tập huấn như giống nhiều kỳ SEA Games gần đây.
Đó là thiệt thòi cho các đội này trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31 và về lâu dài còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển chuyên môn của VĐV. Không ngẫu nhiên khi các HLV nhóm đi bộ tại đội tuyển quốc gia cũng đang lo cho trường hợp nhà vô địch SEA Games 30 Phạm Thị Thu Trang. Mới ngoài 20 tuổi, đang ở độ tuổi phát triển mạnh về chuyên môn nhưng cô gái này lại không thể đến Trung Quốc tập huấn với những chuyên gia hàng đầu trong hơn 2 năm qua để nâng thể lực, rèn kỹ thuật.
Vượt khó để hoàn thành mục tiêu
Dù vậy, cũng đã có một số đội tuyển vượt qua khó khăn bởi dịch COVID-19 để thực hiện được chuyến tập huấn quốc tế. Như trường hợp đội tuyển bóng đá nữ quốc gia đang tập huấn tại Hàn Quốc. Hay đội boxing và đội Muay quốc gia đang tập huấn tại Thái Lan.
Tất nhiên, để đến được Thái Lan tập huấn cũng không đơn giản như trước khi xảy ra dịch COVID-19. Thế nên, khi khâu hậu cần chưa theo kịp những thay đổi về phòng, chống dịch ở nước sở tại mới có chuyện đội boxing nam, nữ sang Thái Lan chậm so với kế hoạch. Có nhóm đến sân bay rồi phải quay về để chờ hoàn thành thủ tục. Có nhóm đành chấp nhận thuê khách sạn gần sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) một đêm để hôm sau ra sân bay làm thủ tục.
Vất vả khâu đi lại nhưng thông tin từ các đội này thực sự đáng chú ý. Trong đó, đội boxing quốc gia đã giành 2 HCV, 1HCB, 7 HCĐ tại Giải boxing Thái Lan mở rộng. Cũng ở giải này, tay đấm Hà Nội Nguyễn Thị Tâm giành Huy chương vàng và còn được trao danh hiệu VĐV nữ xuất sắc nhất giải đấu. Đáng chú ý, cả 2 HCV của đội tuyển quốc gia đều đến từ các tay đấm nữ, những người đặt chân sớm hơn so với các đồng nghiệp nam ở đội tuyển khi đến Thái Lan để quen với cường độ tập luyện cao.
Và cũng không chỉ có những tấm huy chương tại giải này đem lại thông tin tích cực, mà cả những thất bại cũng cần thiết, đúng lúc. Trong đó, có việc võ sĩ nam hàng đầu Việt Nam Nguyễn Văn Đương thua kỹ thuật trước một tay đấm người Philippines. Từ đó, chính nhà quản lý, các HLV càng thấy rõ con đường chinh phục tấm HCV tại SEA Games 31 của võ sĩ này sẽ thực sự khó khăn.
“Chỉ có tập huấn, thi đấu ở nước ngoài với những đối thủ quốc tế mới giúp vận động viên đang biết mình đang ở đâu” - ông Nguyễn Như Cường, HLV trưởng đội tuyển boxing nữ quốc gia cho hay.
Còn ông Dương Ngọc Hải, HLV đội tuyển Muay quốc gia kể, chuyến tập huấn tại Thái Lan được thực hiện từ ngày 2 đến 30-4 cũng là chuyến tập huấn đầu tiên của đội từ năm 2019. Tại đây, cả đội được chuyên gia hàng đầu của Muay thế giới tại Thái Lan là Sathian Somkhao trực tiếp huấn luyện. Cũng từ đó mới càng có cơ sở để có thể giành ít nhất 1 HCV tại kỳ SEA Games tới.
Còn từ giữa tháng 4 này, các đội tuyển nam, nữ bóng rổ Việt Nam sẽ tham dự giải bóng rổ nhà nghề Đông Nam Á ở Indonesia nhằm chuẩn bị cho SEA Games 31. Cũng từ chuyến tập huấn này, Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam cũng hy vọng đội nam 5x5 (sân đấu 5 người) và 3x3 (sân đấu 3 người) Việt Nam có thể giành HCB, đội nữ lần đầu giành HCĐ ở SEA Games…
Theo ông Hoàng Quốc Vinh – Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục TDTT), Trưởng tiểu ban Chuyên môn – Kỹ thuật của Ban tổ chức SEA Games 31, hành trình chuẩn bị cho SEA Games 31 của thể thao Việt Nam thực sự khó khăn nhất trong hàng chục năm gần đây. Nhưng giờ đã đến lúc vào sân chơi SEA Games, không có chỗ cho sự kêu ca mà chỉ là hành động để vượt lên khó khăn.
Đành thực hiện phương án dự phòng Không thể đi tập huấn nước ngoài, nhiều đội tuyển chọn cách di chuyển đến những địa điểm khác trong nước để rèn tập nhằm giúp vận động viên có tâm lý tốt hơn. Trong số này có đội đối kháng nam và nữ môn wushu tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng… (Minh Khuê) |
Nguồn: [Link nguồn]
10 vận động viên (VĐV) tiêu biểu của thể thao Việt Nam từng giành huy chương tại Olympic, ASIAD hay SEA Games sẽ thực hiện nghi thức rước đuốc tại Lễ Khai mạc SEA Games 31.