HLV Bùi Lương: Một đời Việt dã và kỷ lục độc nhất vô nhị

Nếu xét kỷ lục tham dự một giải đấu và những thành tích tại Việt dã báo Tiền Phong, lão tướng Bùi Lương đã tạo nên một kỷ lục độc nhất vô nhị, có lẽ ngay cả tầm quốc tế.

Hành trình Việt dã cùng giải đấu của báo Tiền Phong được ông Bùi Lương coi như “nghiệp đời”, gồm tròn 20 giải làm vận động viên (VĐV), cùng 35 năm trên cương vị huấn luyện viên (HLV).

Trong lịch sử 55 năm của giải, ông mới chỉ vắng đúng 2 mùa giải vì lý do bất khả kháng, đúng dịp đi thi đấu nước ngoài theo kế hoạch của ĐTQG. Một lần đi CHDCND Triều Tiên và một lần đi Trung Quốc.

Bùi Lương sinh ngày 2/2/1939 tại Sài Gòn (bố ông là người Hải Dương). Năm 1954, 15 tuổi, Bùi Lương được cha mẹ gửi ra miền Bắc. Một thân một mình lăn lộn học hành, làm công nhân Nhà máy xi măng Hải Phòng, xung phong đi bộ đội, cuối cùng số phận đưa đẩy ông đến với đường chạy.

HLV Bùi Lương: Một đời Việt dã và kỷ lục độc nhất vô nhị - 1

HLV Bùi Lương hướng dẫn các học trò trước buổi tập. Ảnh: Tường Thế

Lúc đó, phong trào TDTT trong giới học sinh, sinh viên đang phát triển rất mạnh. Bùi Lương cùng mấy người bạn trong trường ở Hải Phòng hàng ngày rủ nhau tập chạy chỉ với mong muốn tập cho khỏe người. Năm 1957, khi đang còn là học sinh của Hải Phòng, ông đứng thứ 3 trong giải Điền kinh (chạy 5km).

Ông nhớ lại: “Khi đó còn nhiều thiếu thốn, gây dựng phong trào điền kinh thì sản xuất ủng hộ 1 hào, phân xưởng 2 hào, nhà máy 4 hào… (lúc đó 4 hào mua được 1 kg gạo). Chúng tôi tự bỏ tiền túi ra để luyện tập là chủ yếu”. Tuy khó khăn nhưng năm 1958 Hải Phòng vẫn nhất toàn đoàn giải Việt dã toàn quốc báo Tiền Phong, riêng Bùi Lương về nhì. Bùi Lương nói: “Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất tại giải năm 1958 là đội Quảng Bình, khi ấy đi bộ ra Hà Nội dự giải và đã về thứ 3 toàn đoàn. Tinh thần ngày đó thật không khi nào bằng”.

Ngày cựu vô địch marathon người Tiệp Khắc Zatopek sang thăm Việt Nam, ông đã vinh dự được gặp Bác Hồ và một ngày sau đó, trên đường chạy sân Hàng Đẫy, Zatopek cùng thi tài với các VĐV Việt Nam, ai cũng muốn được chạy bên cạnh nhà vô địch Olympic một đoạn đường, duy chỉ có một nhóm VĐV gồm Bùi Lương, Nguyễn Chuyển và Hoàng Viết Mông là đủ sức đeo bám Zatopek. Họ đã tạo nên một hình ảnh đẹp về ngôn ngữ thể thao.

Cách đây 40 năm, trong một cuộc thi marathon ở Quảng Đông, Trung Quốc, chính Bùi Lương đã về đầu và SVĐ vỡ ra tiếng hoan hô. Khi nhà vô địch quá mệt và đang được các chuyên gia y tế chăm sóc thì xung quanh anh tràn ngập những bó hoa tươi thắm.

Năm 1967, khi còn ba ngày nữa là chuẩn bị bước vào đường chạy Việt dã báo Tiền Phong ở Hà Nội, bất ngờ nghe tin người yêu ở Hải Phòng bị trúng bom hi sinh, nhưng buổi sáng đó ông vẫn gạt nước mắt để thực hiện bài tập và sau đó giành luôn cả chức vô địch giải việt dã toàn quốc. Bùi Lương tâm sự: “Đó là một câu chuyện buồn mà đến bây giờ mỗi khi nhắc lại tôi vẫn còn muốn rơi nước mắt”.

Kỷ niệm mà Bùi Lương không thể nào quên trong sự nghiệp là vào 1970. Khi đó giải việt dã toàn quốc được tổ chức tại Hòa Bình và các VĐV chạy dọc bờ sông Đà, giặc Mỹ đánh phá, thả bom ở bờ bên kia sông, đất đá, mảnh bom bay tứ tung, sang cả bờ bên này. “Ai nấy đều lấm lem bùn đất, chạy mà như tắm bùn. Riêng tôi bị mảnh bom bay vào bắp đùi”. Lúc đó ông vừa bưng vết thương đùi vừa chạy, chỉ đến khi về đích ông mới buông ra và về đích đầu tiên.

HLV Bùi Lương: Một đời Việt dã và kỷ lục độc nhất vô nhị - 2

HLV Bùi Lương vẫn tập tạ đều đặn dù đã 75 tuổi

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, điều kiện sống rất khó khăn, vậy làm sao mà Bùi Lương tập thể thao được? Bùi Lương thanh thản trả lời: “Đó là nhờ tôi có tình yêu với thể thao. Tôi đến với thể thao hoàn toàn tự nguyện nên tôi cũng tự giác tập luyện và sinh hoạt rất điều độ. Tôi nghĩ rằng, không có kỷ luật nào nghiêm khắc bằng kỷ luật do chính mình đặt ra. Trong chiến tranh, ăn đến 70% ngô, bột mỳ… chúng tôi vẫn chạy và còn chạy rất hăng say dù trời mưa hay nắng”.

Hình như là ngày 20/11/1971, Việt dã báo Tiền Phong lúc đó lấy đích đến trong sân Hàng Đẫy, và thời gian về đích của Việt dã là thời gian nghỉ giữa hai hiệp của trận đấu giữa 2 đội Cảng Hải Phòng và Công an Hà Nội và ông đã về đích đầu tiên trong tiếng hoan hô vang dội của SVĐ, một kỷ niệm khó phai.

Hồi đó, phóng viên thể thao của báo Tiền Phong là ông Quốc Hùng đã có làm thơ về Bùi Lương rằng: “Bùi Lương mảnh khảnh nhanh như sóc…” để tặng Bùi Lương về thời trai trẻ của ông.

Về cuộc đời huấn luyện, Bùi Lương kể rằng là HLV đội tuyển điền kinh quốc gia thỉnh thoảng lại đạp xe rong ruổi khắp nơi để tìm học trò. Trong một lần đi Sơn Tây (Hà Nội), Bùi Lương vô tình nhìn thấy Đặng Thị Tèo (khi ấy là thanh niên xung kích của địa phương) đang… kéo đất rất khỏe. Ông chấm ngay Đặng Thị Tèo. Năm 1984, Tèo lần đầu tham gia giải Việt dã toàn quốc tổ chức tại Thanh Hóa và về nhất.

Bùi Lương từng phá nhiều kỷ lục quốc gia ở cự ly đường trường, là thầy của nhiều vận động viên điền kinh xuất sắc. Với bề dày thành tích, ý chí kiên cường, cùng niềm đam mê vô hạn với môn điền kinh, mọi người thường gọi Bùi Lương là “ông già gân” hay “Bùi Lương chạy hoài không biết mỏi”.

Rất mẫu mực trong sinh hoạt, HLV Bùi Lương cũng luôn đòi hỏi sự nỗ lực và phấn đấu của học trò mình. Nhưng ngoài đời ông là người được học trò nể trọng vì tính tình ngay thẳng, dám nói thẳng nói thật, đặc biệt là bênh vực quyền lợi chính đáng cho VĐV. Năm 1999, chính ông là người đứng ra đấu tranh với Sở TDTT Hà Nội đề nghị cấp nhà cho VĐV Đặng Thị Tèo, dù bản thân mình mãi đến ngày 11/8/2006 mới chính thức được sở hữu một căn hộ chung cư theo chế độ chính sách.

Gần 50 năm cống hiến, mãi đến tuổi 68, ông mới có được “ngôi nhà” của mình. Ông kể về “căn nhà” rộng 2 thước, dài 6 thước (vốn là phòng thay quần áo của hội trường bóng bàn bên kia cầu Long Biên mà gia đình 4 người của ông được ở nhờ từ năm 1973 đến 1986) với giọng hài hước: “Không có nước, nên 11 giờ đêm, 4 giờ sáng phải xách xô vượt đê sông Hồng hứng từng xô nước, còn vệ sinh cá nhân thì cứ phải sáng sớm tranh thủ chạy ra bãi ngô”.

Năm 1986 căn phòng bị đòi, gia đình ông lại “du cư” hết nhà mượn, đến nhà thuê, mãi sau này, có người thương tình mới mách nước ông có tiêu chuẩn mua nhà giá rẻ theo NĐ 61 và thế là căn hộ chung cư 74m2 ở Cống Mọc nay đã làm sổ đỏ mang tên ông. “Đấy là tiêu chuẩn Huân chương kháng chiến của tôi, chứ ngành thể thao thì chẳng có gì đâu”- ông giãi bày.

Bùi Lương có 2 con trai là Bùi Thanh Long và Bùi Thanh Liêm, nhưng không có ai nối nghiệp ông. Ông bảo đó là điều đáng tiếc, nhưng thể thao cần có tố chất.

Siêng năng tập luyện và không thuốc lá, không uống rượu, chẳng những giúp HLV Bùi Lương có được một thân thể cường tráng mà còn tránh khỏi những bệnh tật. Hơn 50 năm theo nghiệp điền kinh, người trong gia đình và bạn bè chưa từng thấy ông ốm bao giờ. Bùi Lương có bảo hiểm y tế làm từ năm 1980 đến nay và mới chỉ hai lần sử dụng (năm 1985 đến Bệnh viện Saint Paul Hà Nội xin thuốc viêm họng, năm 1999 khám răng). HLV Bùi Lương cười giải thích: “Mọi người gọi tôi là lão già gân có lẽ vì vậy”.

HLV Bùi Lương từng nói một câu bất hủ: “Tôi có đến chết mới hết chạy”. Ít ai ngờ ở cái tuổi 75, HLV Bùi Lương vẫn chạy chục km mỗi ngày để rồi mỗi năm ông già có tướng nhỏ thó ấy, lại xuất hiện trong vai trò HLV tại giải Việt dã. Đáng nể hơn, các học trò dưới sự dẫn dắt của ông đều giành những chiến tích vang dội. Mới rồi tại Việt dã giải báo Tiền Phong ở Hà Tiên, đoàn Bình Phước do ông huấn luyện đã vô địch và thứ ba marathon nam, thứ ba marathon nữ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tường Vũ (tienphong.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN