Hãy trao luôn cho Djokovic mọi danh hiệu

Sự xuất sắc của Djokovic tới mức người ta có thể trao luôn cho anh mọi danh hiệu, và tất nhiên, chỉ trừ Roland Garros.

15 giải đấu, 14 trận chung kết. Thắng 10 trong số đó. Giành 3 Grand Slam. Giải còn lại vào tới chung kết. Giành 6 Masters 1000. Hai trận chung kết còn lại, có thể khẳng định là nơi anh không thực sự khát khao. Trước Federer ở Cincinnatti. Nơi anh thua 6-7(1), 3-6. Và trước Andy Murray. Tại Rogers Cup sau ba set.

Chúng ta không thể khẳng định Djokovic đã buông thả trong hai trận thua đó. Vì đó đều là Masters 1000, nằm trong hệ thống danh giá thứ hai của tennis (chỉ sau Grand Slam). Vua của Masters cũng là một danh vị đáng kể mà Nadal đã và đang nắm giữ gần nửa thập kỷ qua. Cincinnati còn là nơi mà Djokovic chưa một lần trong sự nghiệp vô địch ở đó, và cũng là danh hiệu duy nhất còn thiếu để trở thành người đầu tiên sưu tập đủ 9 Masters 1000.

Nhưng có thể nói, ở một vài giải đấu, có một vài trận đấu, Djokovic đã chơi không đúng sức, thậm chí có sự chủ động nơi lỏng để kéo đối thủ lên đặng tạo ra một trận đấu có vẻ cân sức.  

Hãy trao luôn cho Djokovic mọi danh hiệu - 1

Djokovic là một "bậc thầy" về điều tiết nhịp độ trận đấu theo ý mình

Như cái cách Djokovic đã đấu với Gilles Simon ở Paris Masters. Anh đã có thể kết thúc set 2 chóng vánh hơn, nhưng đã chơi với thái độ đùa giỡn. Như cái cách vung vợt lên cao cho một cú smash nhưng lại đột ngột dừng lại để thực hiện cú bỏ nhỏ, và để Simon cứu được điểm đó và lật ngược tình thế trong game. Hoặc như cái cách bước vào trong sân để dứt điểm, nhưng lại đánh rất dài – một pha bóng hiếm gặp ở Djokovic nhiều năm qua. Hay như cái cách anh giao bóng khá tệ ở đầu set 2 để cùng với Simon làm nên một trận đấu như thể trong khuôn khổ WTA của các tay vợt nữ (liên tục thay nhau bị bẻ game).

Và khi cần dứt điểm trận đấu, Djokovic lập tức thể hiện khả năng của anh. Lối đánh phòng ngự dẻo dai của Simon lúc đó trở nên quá mỏng manh trước khả năng dồn ép ra hai đầu sân từ phía Djokovic.

Ở hầu hết các giải đấu đã qua, Nole thi thoảng lại có giây phút chùng xuống một cách ngỡ ngàng như thế. Nó có thể lý giải là trong tennis, không phải ai và lúc nào cũng căng hết sức trong mọi set, đôi khi thả lỏng đề hồi pin trước khi quyết tâm trong set quyết định. Nhưng rõ ràng là cuộc chơi trong tầm kiểm soát của Djokovic.

Và không thể cho rằng tay vợt số 1 thế giới người Serbia đã buông cho Murray và Federer ở hai giải Masters tay vợt này thất bại như nói trên, nhưng rõ ràng là Djokovic đã có sự lựa chọn và ưu tiên của anh là vô địch US Open. Tức là Djokovic có một nguyên tắc: Nếu hai giải đấu diễn ra gần nhau, thì ưu tiên hàng đầu luôn là giải lớn hơn.

Cho Federer con săn sắt, Djokovic bắt con cá rô

Sự lựa chọn theo nguyên tắc này dẫn tới một thực tế: Djokovic phân phối sức qua một chuỗi các giải đấu, không cần phải bung sức tối đa ở các giải nhỏ hơn diễn ra trước mà tập trung cho giải lớn hơn và diễn ra sau.

Có ít nhất hai lần Djokovic đã thua Federer trong năm nay: là ở Dubai ATP 500 bên cạnh Cincinnatti Masters. Và ở cả hai lần, Djokovic đã lại thắng Federer ở giải đấu lớn hơn diễn ra ngay sau đó ít tuần: Indian Wells Masters và US Open.

Như vậy, liệu có thể cho rằng khẳng định Federer ở tuổi 34 có đủ khả năng áp đảo Djokovic ở những trận đấu ba set là không chính xác bằng nhận định rằng cơ hội chiến thắng của Federer lệ thuộc khá nhiều vào mục tiêu và tính toán của Djokovic?

Hoặc, nếu không phải là cuộc chơi của sự lựa chọn và tính toán thì nó cũng là vấn đề của tâm lý. Một giải đấu lớn hơn, với tiền thưởng, điểm số cao hơn cần có sự tập trung tốt hơn và sự lạnh lùng cần thiết – những phẩm chất thể hiện được trình độ và phong độ ở một thời điểm cụ thể.

Tại sao Federer cứ vào tới những trận quan trọng với Djokovic thì không thể giao bóng chính xác và uy lực như ở những trận đấu trước đó với các tay vợt khác? Tại sao ở những trận đấu quan trọng hơn giữa chính hai tay vợt với nhau thì ở giải lớn hơn, Federer lại trục trặc còn Djokovic trở nên đáng gờm hơn hẳn?  Câu trả lời hẳn mỗi người cũng có thể có cho riêng mình…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN