Giải mã khủng hoảng của Federer
Đã hơn hai năm với chín Grand Slam thất bại liên tiếp kể từ ngày Federer đoạt Australian Open 2010. Nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng ấy là gì?
+ Nhìn lại 9 lần thất bại
* Roland Garros 2010 (Tứ kết, Soderling, 6-3, 4-6, 5-7, 4-6) (Video)
Trận đấu đầu tiên mở ra giai đoạn khủng hoảng của Federer hóa ra lại là trước Soderling, người đã bị chính huyền thoại Thụy Sĩ hạ gục trong trận chung kết của chính giải đấu này một năm về trước, và từng thua cả 12 trận họ gặp nhau trước đó. Kết cục này cũng chấm dứt luôn chuỗi 23 lần liên tiếp lọt vào bán kết các giải Grand Slam của Federer.
Nguyên nhân thất bại của Federer là sự tỏa sáng rực rỡ của Soderling, giống như cái cách anh bùng nổ trên sân đấu để đánh bại Nadal ở vòng bốn một năm trước đó, cùng một chiến thuật hợp lý - khai thác sự hạn chế của cú trái một tay của Federer trên mặt sân đất nện. Mặt khác, Federer bắt đầu có dấu hiệu suy yếu về mặt thể lực, thua phần lớn các loạt đôi công bóng dài.
* Wimbledon 2010 (Tứ kết, Berdych, 4-6, 6-3, 1-6, 4-6) (Video)
Federer bước vào trận tứ kết với Berdych khi mọi người nói khá nhiều về việc các tay vợt khác bắt đầu biết cách và hơn hết, họ tin rằng mình có thể đánh bại Federer ở các giải lớn. Berdych trước đó vừa chấm dứt loạt 8 trận thua Federer liên tiếp tại Miami Masters. Berdych khi ấy mới chỉ đứng thứ 12 ATP, đã chơi trận đấu hay nhất trong đời mình, còn Federer lộ rõ sự mất tự tin và sau trận cho biết anh bị hành hạ bởi một chấn thương nhỏ ở lưng.
Trận thua Berdych khiến Federer rơi xuống thứ 3 thế giới
Cũng giống như trận thua cách đó chưa đầy một tháng ở Roland Garros, thất bại sớm ở Wimbledon đã đưa Federer rẽ sang một ngả đường mà những ai yêu mến anh không hề mong đợi: Lần đầu tiên rớt xuống vị trí thứ ba ATP kể từ năm 2003.
* US Open 2010 (Bán kết, Djokovic, 7-5, 1-6, 7-5, 2-6, 5-7) (Video)
Federer bước vào US Open 2010 với thể trạng sung sức hơn và chơi thứ tennis đỉnh cao của mình. Nó được tin rằng đấy chính là kết quả từ sự xuất hiện của Paul Annacone với vai trò HLV của Federer. Nhưng một khi Soderling hay Berdych đã đánh bại được Federer, Djokovic tin rằng anh cũng có thể làm được điều đó. Niềm tin này giúp Djokovic làm nên một trong những cuộc lội ngược dòng vĩ đại trong sự nghiệp. Hai match points mà Federer bỏ lỡ ở game thứ 10 set 5 trên thực tế là kết quả của sự nỗ lực tuyệt diệu từ phía Djokovic. Và chỉ tới hai game cuối cùng, Federer mới bắt đầu lúng túng, phạm sai lầm trong những điểm quyết định. Lần đầu tiên người ta thấy Federer có vấn đề về tâm lý với hai cú né trái đánh phải bóng đều đi ra ngoài khi game point thuộc về Djokovic.
Và trận thua này cũng đã lại chấm dứt một trong những thành tích đáng ngưỡng mộ nhất của Federer, đó là sáu năm liên tiếp lọt vào chung kết US Open (2004-2009), trong đó có năm lần vô địch liên tiếp từ 2004-2008, chỉ thua Del Potro năm 2009.
* Australian Open 2011 (Bán kết, Djokovic, 6-7, 5-7, 4-6) (Video)
Nỗi hoài nghi về một Federer gặp vấn đề tuổi tác (bắt đầu bước sang tuổi 30) ngày một lớn khi kết quả trong cuộc tái đấu với Djokovic là trận thua mà Federer không thắng nổi một set. Trong suốt những năm tháng hoàng kim của mình, Federer chỉ thua liền ba set như thế trước Nadal đúng một lần ở chung kết Roland Garros 2008.
Thất bại trước Djokovic đánh dấu tròn 1 năm không Grand Slam của Federer
Nguyên nhân khác của thất bại một chiều là sự trưởng thành vượt bậc, sự hoàn thiện cả về tâm lý và kỹ thuật của Djokovic, khắc chế hoàn toàn lối đánh tấn công của Federer.
Thất bại này đánh dấu tròn một năm Federer không giành nổi một Grand Slam - quãng thời gian trắng tay dài nhất kể từ khi "tàu tốc hành" giành được Grand Slam đầu tiên, Wimbledon năm 2003.
* Roland Garros 2011 (Chung kết, Nadal, 5-7, 6-7(3), 7-5, 1-6) (Video)
Bản năng và phẩm chất của một thiên tài đã giúp Federer đánh bại Djokovic đang lên như diều ở bán kết Roland Garros. Nên nhớ là trước đấy và sau đó, không ai có đủ khả năng đánh bại tay vợt người Serbia ở Grand Slam trong năm 2011.
Nhưng như bao lần gặp Nadal ở sân đất nện tại Paris, Federer dù kiệt xuất vẫn chỉ ăn được của Vua đất nện một set là tối đa. Federer thua Nadal theo một kịch bản rất quen thuộc: Sau khi đã nỗ lực tột cùng nhưng vẫn không thể chiếm thế tiện lợi trước Nadal, đành buông xuôi ở cuối trận.
* Wimbledon 2011 (Tứ kết, Tsonga, 6-3, 7-6(3), 4-6, 4-6, 4-6) (Video)
Nếu như có một thời điểm nào đó giới chuyên môn đặc biệt quan ngại về vấn đề thể lực, cũng như áp lực tâm lý do thất bại kéo dài của Federer, thì chính là ở trận thua tứ kết trước Tsonga. Thắng trước hai set, nhưng để tuột ba set sau dù Federer đã phải sử dụng tới cả tiểu xảo xin đi toilet để cắt đà hưng phấn của đối thủ.
Federer gặp vấn đề về thể lực và tâm lý trong trận thua Tsonga
Thất bại ở Grand Slam trên mặt sân cỏ này cũng dập tắt những hy vọng từng rất đáng kể rằng HLV Paul Annacone, sau khi đã từng cứu sự nghiệp của Pete Sampras chục năm về trước, bằng một năm gắn bó với Federer sẽ giúp anh thi triển lối đánh tấn công tràn lưới hiệu quả.
* US Open 2011 (Bán kết, Djokovic, 7-6(7), 6-4, 3-6, 2-6, 5-7) (Video)
Nếu như năm 2010, hai match points của Federer bị Djokovic vô hiệu là khi tay vợt người Serbia cầm giao bóng, còn lần tái đấu này, Federer có hai match points khác khi chính anh cầm giao bóng. Ở điểm match point đầu tiên, Djokovic trả giao bóng xuất sắc. Ở match point thứ hai, Federer né trái đánh phải chéo sân bật lưới đi ra ngoài sau khi Djokovic trả giao bóng khá non. Trong game có thể quyết định số phận Djokovic, Federer mắc bốn lỗi tự đánh hỏng, một lỗi kép trong tổng số bốn lần giao bóng một lỗi và có hai cú ace. Còn Djokovic chỉ tự ghi điểm winner đúng một lần khi anh cứu match point đầu tiên.
Một lần nữa Federer lại cho thấy vấn đề áp lực tâm lý. Và cũng giống như lần trước, sau khi để tuột cơ hội, Federer thua nhanh hai game sau đó.
* Australian Open 2012 (Bán kết, Nadal, 7-6(5), 2-6, 6-7(5), 4-6) (Video)
Federer năm thứ hai liên tiếp bước vào mùa giải mới với hành trang là ngôi vô địch ở giải World Tour Finals, nơi anh chinh phục các tay vợt hàng đầu khác khá dễ dàng, trong đó có Nadal. Nhưng ở đấu trường Grand Slam, lần cuối cùng Federer thắng được Nadal cách đó đã 5 năm (CK Wimbledon 2007).
Hai năm liên tục Federer tay trắng ở Grand Slam
Ở trận thắng thứ năm liên tiếp trong khuôn khổ Grand Slam khi gặp Federer, Nadal chỉ thua set đầu, rồi thắng ba set sau tương đối dễ dàng. Vấn đề của Federer khi thua Nadal không chỉ là việc kỵ giơ, mà còn là thể lực, và tâm lý (hầu như không có niềm tin về cuộc lội ngược dòng).
Thất bại này đánh dấu tròn hai năm liên tục, Federer trắng tay ở các giải Grand Slam!
* Roland Garros 2012 (Bán kết, Djokovic, 4-6, 5-7, 3-6) (Video)
Đây có lẽ là trận thua kém cỏi nhất của Federer, bởi bản thân Djokovic cũng không có phong độ cao. Cả hai set đầu, Federer đều dẫn trước, nhưng sau đó đều để thua ngược dễ dàng. Sự rệu rã về mặt tinh thần, khá bạc nhược về mặt ý chí đã khẳng định Federer vừa trải qua một Grand Slam thiếu sinh khí nhất trong sự nghiệp của mình (dù vẫn vào tới bán kết).
+ Con đường nào chờ Federer ở phía trước?
9 giải đấu nói trên của Federer, anh chỉ một lần vào tới chung kết, nhưng vẫn có tới năm lần vào bán kết và ba lần dừng bước ở tứ kết. Nó cộng với việc anh lọt vào tới sáu trận chung kết Masters, bốn lần vô địch, và hai lần đăng quang ở World Tour Finals cho thấy Federer vẫn nằm trong số những tay vợt hàng đầu thế giới dù anh là người duy nhất trong hàng ngũ này đã bước qua tuổi 30. Đó có lẽ đã là điều phi thường của một thiên tài đã một mình ngự trị trên đỉnh cao thế giới với 16 chức vô địch sau 23 lần vào chung kết các giải Grand Slam.
Hoặc nhìn vào danh sách các tay vợt đã đánh bại Federer, nếu không phải là Djokovic (4 lần), Nadal (2), thì cả ba cái tên còn lại cũng thường trực nằm trong số top 10 (Berdych ở Wimbledon 2010 chỉ là số 12 ATP, nhưng hai năm qua luôn có mặt trong top 10) và họ đều đạt phong độ đỉnh cao, chơi xuất thần.
Mục tiêu Grand Slam của Federer gặp khó với thể thức 5 set thắng 3
Tuy nhiên, điều tiếc nuối ở đây là Federer còn có thể làm tốt hơn thế, nếu sự lựa chọn của anh là chỉ dồn sức cho mục tiêu Grand Slam. Việc vẫn luôn căng sức ở hầu hết các giải, kể cả Masters 1000 lẫn ATP 500 hay 250 khiến anh thất thế khi phải đua tranh ở các giải đánh năm set thắng ba.
Chẳng hạn, nếu như cả sự nghiệp của mình, Nadal chỉ chuẩn bị kỹ lưỡng và gắng sức một lần duy nhất ở World Tour Finals 2010 (nhưng thất bại) để làm trọn bộ sưu tập nhân một năm đại thành công, thì Federer đã lên ngôi ở đó trong cả hai năm 2010 và 2011 (năm 2009 anh thua ở World Tour Finals nhưng đầu năm sau vô địch Australian Open). Hay khi Nadal cả sự nghiệp chỉ vô địch giải đệm giữa Roland Garros và Wimbledon một lần duy nhất tại Queen (còn lại chỉ đánh đến tứ kết là thua để nghỉ ngơi), thì lần nào tham dự giải Gerry Weber (Halle, Đức) Federer cũng vào tới chung kết.
Federer cho tới giờ đây đã vượt qua Sampras trên nhiều phương diện, nhưng còn đó một so sánh khi huyền thoại người Mỹ vẫn vô địch Grand Slam ở tuổi 31 để bịt miệng những chỉ trích và kết thúc sự nghiệp huy hoàng của mình trên đỉnh cao vinh quang. Tennis đương đại đòi hỏi thể lực nhiều hơn so với bất cứ giai đoạn nào trong quá khứ chính là sự khác biệt lớn nhất nằm trong sự so sánh này, kể cả với người chơi thông minh và di chuyển hợp lý cùng sở trường tấn công như Federer.
Liệu Federer có thay đổi cách tiếp cận với các giải Grand Slam, trong khi sự nghi ngại lớn nhất giờ đây với anh thực ra lại nằm ở chỗ: Nếu không thể vô địch thêm một lần nữa trong năm nay, bất cứ sự điều chỉnh nào sau đó cũng sẽ trở nên quá muộn?
PHẠM TẤN