DANH MỤC

Djokovic vô địch Australian Open 2020: Siêu chiến binh và 8 kỳ công - 1

Djokovic đang tạo dựng các giá trị của một huyền thoại bằng chức vô địch thứ 8 ở riêng Australian Open.

Đâu đó lúc kết thúc set 1 của trận chung kết Australian Open 2020 giữa Djokovic và Thiem, với kỹ thuật 3D chèn vào hình ảnh để gửi tới hàng triệu fans tennis trên toàn thế giới đang ngồi trước màn hình TV, các nhà tổ chức giải đã trích dẫn lại câu nói nổi tiếng của huyền thoại Rod Laver: “Lúc dễ tan vỡ nhất chính là khi bạn đã vượt lên dẫn trước. Đừng bao giờ ngơi nghỉ”.

Dĩ nhiên, cả Djokovic và Thiem không đọc được dòng chữ này. Nhưng họ có thể đã nghe được đâu đó. Với 5 set kịch tính của trận chung kết qua hơn 4 tiếng thi đấu, họ là ví dụ sinh động nhất cho chân lý đó.

Djokovic vô địch Australian Open 2020: Siêu chiến binh và 8 kỳ công - 2

Djokovic, sau khi thắng set 1 với tỷ số 6-4, đã không còn là chính mình, bị bẻ game cả thảy ba lần, để Thiem dẫn ngược lại ở set 2 và 3 với tỉ số 4-6 và 2-6. 

Còn Thiem, từ lợi thế dẫn 2-1 ấy và cả sức mạnh của tuổi trẻ (27 tuổi, còn Djokovic 33 tuổi) lại thua ở 2 set cuối cùng 3-6 và 4-6, bỏ lỡ cơ hội lần đầu tiên giành được Grand Slam trong sự nghiệp. 

Rod Laver, người đầu tiên và duy nhất cho tới lúc này vô địch cả bốn giải Grand Slam trong cùng năm cách nay 50 năm đã đúc kết về “quy luật tan vỡ” ấy sau khi treo vợt, và trở nên tuyệt đối chính xác với tennis hiện đại trong những trận đấu với thể thức 5 set ở các giải Grand Slam.

Djokovic đã thấy Nadal trở nên bất lợi như thế nào sau khi thua Thiem trong set 1 ở bán kết. Lý do tuổi tác buộc những người đã qua ngưỡng tuổi 30 phải giải được các bài toán cụ thể, nếu phải đua về trí lực và thể lực mà ở đây là cần vươn lên dẫn trước ngay từ đầu.

Chính Djokovic cũng thất bại trước Thiem ở bán kết Roland Garros 2019 sau 5 set từ chỗ thua ngay set đầu.

Phải chăng Djokovic đã thả lỏng sau khi giải quyết được nhiệm vụ phải thắng set 1 nhờ chớp lấy thời cơ khi Thiem bộc lộ hạn chế về tâm lý – sự hồi hộp ở những game đầu khi mà anh chắc chắn không gặp bất cứ vấn đề gì về thể trạng?

Djokovic vô địch Australian Open 2020: Siêu chiến binh và 8 kỳ công - 3
Djokovic vô địch Australian Open 2020: Siêu chiến binh và 8 kỳ công - 4
Djokovic vô địch Australian Open 2020: Siêu chiến binh và 8 kỳ công - 5

Thời gian chấn thương (medical timeout) mà Djokovic sử dụng trước khi vào set 4 hoàn toàn không phải để anh được các bác sĩ chăm sóc, mà để con “quái vật” trong anh trở lại, và biết đâu đấy cũng để cho Thiem có thời gian đánh mất sự tập trung, sự quyết tâm, sự thăng hoa khi nghĩ tới việc anh có thể trở thành người đầu tiên của thế hệ tương lai (Next Gen) bước lên bục vinh quang Grand Slam.

Quả thực là Thiem đã đánh mất mình, giống hệt set 1, đã tự đánh hỏng trong các cú quả quyết định, đầu tiên là trái tay, và sau đó là thuận tay.

Các cú trái tay dọc dây 5 ăn 5 thua đẩy Thiem tới chỗ đánh mất đi ưu thế dẫn điểm. Rồi cú thuận tay cuối cùng đi ra ngoài kết thúc trận đấu có thể được coi là mạo hiểm nhưng cũng có thể là sự buông xuôi.

Chiến thuật được Djokovic lựa chọn sau 3 phút vào đường hầm là chơi bền bỉ, chỉn chu, không mạo hiểm, buộc Thiem tự đánh hỏng đã gặt hái được hiệu quả tối đa.

Trong set 5 quyết định, Djokovic không có nhiểu điểm trực tiếp hơn (chỉ là 5 so với 9 của Thiem, và 13 của chính anh trong set 4) nhưng mắc sai sót ít hơn (12 so với 16 của Thiem).

Djokovic vô địch Australian Open 2020: Siêu chiến binh và 8 kỳ công - 6

Djokovic, người có 15 năm liên tục giành được ít nhất một danh hiệu, đã có được 55 danh hiệu lớn (16 Grand Slam, 5 ATP Finals và 34 Masters 1000) đã tự quyết định về chiến thuật của mình như vậy, trong khi cả ê kíp của anh không được phép tiếp cận với anh trong đường hầm.

Những ai chờ đợi Djokovic sẽ ngã ra sân ăn mừng sau khi điểm số cuối cùng kết thúc đã nhầm. Djokovic thản nhiên đón nhận cái khoảnh khắc ấy như thể anh đã biết chắc là sự lựa chọn của mình tất yếu sẽ mang lại kết quả.

Trong một lần nói về Djokovic năm ngoái, Federer nói rằng anh không giải mã được não bộ của Djokovic, hầu như không đoán định được các ý đồ của tay vợt người Serbia. Đó không phải là điều ngẫu nhiên khi Djokovic đã hơn hai lần đánh bại Federer, từ chỗ tưởng như đã thất bại, trong đó có trận chung kết Wimbledon 2019.

Còn với Thiem, anh đã trở nên trống rỗng như thừa nhận khi lần thứ ba thua ở các trận chung kết Grand Slam. 2 lần trước là khi gặp Nadal đều ở Rolland Garros.

Djokovic vô địch Australian Open 2020: Siêu chiến binh và 8 kỳ công - 7

Đánh bại Djokovic ở chung kết Australian Open là thử thách vĩ đại

Thiem đã không giải được những thách thức vĩ đại nhất của lịch sử tennis hiện đại ấy là đánh bại Nadal ở chung kết Roland Garros và hạ gục được Djokovic ở chung kết Australian Open.

Nadal 12 lần vào chung kết Roland Garros đã thắng cả 12. Djokovic 8 lần bước ra sân Rod Laver trong trận đấu cuối cùng của nội dung đơn nam và cũng là của cả giải đấu đều kết thúc với chiếc cúp giương cao đầy kiêu hãnh.

Djokovic vô địch Australian Open 2020: Siêu chiến binh và 8 kỳ công - 8

Federer đã từng tạo nên thách thức mang tính biểu tượng ấy qua 5 lần vào chung kết ở mỗi giải US Open và Wimbledon đều vô địch (thậm chí là liên tiếp), sau đó mới bị hoá giải bởi Nadal (Wimbledon 2008) và Del Potro (US Open 2009).

Một thách thức khác để lý giải tại sao Thiem dù đã rất nỗ lực, nhưng vẫn chỉ là “người xuất sắc nhất của thế giới tennis hiện nay chưa giành Grand Slam”, đó là đánh bại được cả Nadal và Djokovic lành lặn trong cùng một Grand Slam để bước lên ngôi vô địch.

Khi Thiem đánh bại Nadal ở bán kết, tay vợt người Áo đã trình diễn một thứ tennis đầy cảm hứng, từ sự mạo hiểm của những cú bung trái dọc dây ngay từ lần chạm vợt đầu tiên, của kỹ năng đánh inside out forehand (đứng ở vị trí khoảng 2/5 của sân lệch qua trái) cháy sân.

Djokovic vô địch Australian Open 2020: Siêu chiến binh và 8 kỳ công - 9

Nhưng đối đầu với Djokovic, chiến thuật ấy đã không thể phát huy tác dụng, vì tâm lý như đã nói, và phần vì thứ tennis của huyền thoại người Đông Âu là khác biệt.

Djokovic tấn công ngay từ cú trả giao bóng (dù chỉ có 2 điểm trực tiếp từ đây) thường rất sâu để Thiem không thể chỉ tua bóng bằng những cú thuận tay. 

Nadal giật bóng lên cao và Thiem có thể đè bóng sớm nhờ sự điều chỉnh về kỹ thuật (mở vợt gọn gàng hơn để vào bóng đúng nhịp với mặt sân cứng).

Nhưng Djokovic đã điều chỉnh, đánh bóng bạt nhiều hơn và bóng đi chuội hơn trên mặt sân mới ở Melbourne và đây là nguyên nhân khiến cho Thiem bỗng vào bóng trễ liên tục ở nhiều thời điểm khác nhau của trận đấu.

Nadal để cho Thiem đọc vị cú giao bóng, nhất là giao bóng 2 quá dễ dàng, né trái trả giao bóng tấn công, nhưng Djokovic thì không như vậy.

Djokovic giao bóng tốc độ trung bình nhanh hơn Thiem (188kmh so với 186kmh), càng thời điểm quan trọng càng giao tốc độ hơn (set 5 là 193 so với 184). 

Đó là kết quả của sự hòa quyện giữa sự hoàn chỉnh của kỹ năng và sức mạnh tâm lý vượt trội để một tay vợt nhiều hơn 6 tuổi hoá giải điểm mạnh về thể lực của đối thủ (Thiem phải di chuyển trong trạng thái tăng tốc nhiều gần gấp đôi so với Djokovic), để vươn lên trở thành tay vợt xuất sắc nhất lịch sử Australian Open, để có 17 Grand Slam, chỉ còn kém Nadal và Federer lần lượt là 2 và 3 danh hiệu.

Và giờ đây, đánh bại Djokovic ở chung kết Australian Open chính là một trong những thách thức vĩ đại nhất của tennis hiện đại.

Thứ Tư, ngày 05/02/2020 00:03 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])