Con đường đầy hoài nghi của Novak Djokovic ở Australian Open 2021 càng khẳng định sự vĩ đại của anh.
Djokovic đã biến trận chung kết tưởng sẽ là nghẹt thở, là đầy rủi ro, là đầy thử thách với Medvedev, thành trận chung kết một chiều với tỉ số 7-5 6-2 6-2.
Đấy là lần thứ tư Djokovic đánh bại đối thủ chỉ sau 3 set qua 9 lần có mặt trong trận chung kết của Australian Open.
Cả 9 lần vào tới trận cuối cùng giải đấu này, Djokovic đều chiến thắng. Nó gần tương tự với thành tích của Nadal trên mặt sân đất nện ở Roland Garros (13 trận chung kết, 13 lần vô địch), để cùng trở thành hai biểu tượng của sự thống trị vĩ đại nhất trong lịch sử của tennis và cả lịch sử thể thao thế giới.
Medvedev chỉ giành được 9 game với 5 trong số đó đến từ set đầu cũng phần nào cho thấy cái cách tay vợt người Nga bị khuất phục bởi một Djokovic siêu việt.
Một HLV huyền thoại của Mỹ từng nói, nếu một VĐV tennis có đôi chân của một võ sĩ quyền Anh và của một vũ công Ballroom cổ điển, anh ta sẽ trở thành một người vĩ đại.
Djokovic không chỉ có đôi chân ấy. Mà còn có cả một chiến thuật tấn công vũ bão với khả năng ra đòn kỳ diệu như võ sĩ búa thép huyền thoại Mike Tyson.
Khi Djokovic bước ra từ đường hầm. Rồi làm tất cả những thủ tục quen thuộc trong 5 phút khởi động. Và cả khi anh giành được quyền giao bóng trước, với những cú đập bóng chậm rãi, thật khó để đoán định được chiến thuật anh sử dụng sẽ là gì.
Người thường sẽ đoán rằng, Djokovic ở tuổi 34, sẽ pha trộn các đường bóng với nhau, lúc nhanh lúc chậm.
Nhưng Djokovic chơi thứ tennis nhanh khủng khiếp. Có vẻ như còn nhanh hơn cả sự tưởng tượng của Medvedev, người có phong cách và chiến thuật thi đấu dù không hào hoa nhưng lại vô cùng tốc độ, chỉ vài cái đập bóng cho mỗi cú giao bóng sấm sét, chỉ vài lần chạm vợt là muốn giết banh ngay.
Việc Medvedev lần đầu tiên bị bẻ game ngay trong lần cầm giao bóng ở giải đấu lần này không phải vì tâm lý. Medvedev dù mới chỉ lần thứ hai vào tới chung kết một giải Grand Slam (sau US Open 2019) đã được coi là biểu tượng của thứ tennis kinh điển từng có hẳn cuốn sách “Thắng Xấu” (Winning Ughly) của Brad Gilbert, đầy lạnh lùng bản lĩnh với vẻ mặt của một tay chơi poker.
Medvedev choáng váng trước khả năng đôi công cực kỳ quyết liệt mà Djokovic đã bắt nhịp được ngay từ những đường trả giao bóng đầu tiên.
Medvedev chính thức mất game sau loạt đôi công 14 lần chạm vợt mà anh bị Djokovic dồn qua hai đầu sân liên tục và sau đó bị ép đánh hỏng.
Với chất lượng của những cú quả, của tốc độ mà Medvedev đã tạo ra ấy, chắc chắn một điều rằng bất cứ ai ngoại trừ Djokovic đứng ở bên kia lưới cũng sẽ bị cuốn phăng đi.
Thực sự Medvedev vẫn hay ở thời điểm ấy, vì nếu không, anh đã không thể bẻ được game của Djokovic để giằng co nhau từ 3-3 tới 5-5.
Nhưng Djokovic đã nâng tầm chất lượng cú quả, trạng thái tinh thần lẫn thể lực lên mức cao nhất có thể. Các huyền thoại, các chuyên gia tennis thế giới thán phục và ngạc nhiên, trong đó có HLV cũ của anh, Boris Becker.
Nếu như có một hạn chế nào đó, và có lẽ nó là vấn đề chí tử từ phía Medvedev, thì đó là việc tay vợt 25 tuổi người Nga đã chỉ có một phương án chiến thuật, một lối chơi. Và khi nó bị bắt bài, bị đối thủ vượt trội hơn, anh đã “đầu hàng”.
Djokovic trong khi ấy chắc chắn vẫn còn rất nhiều những chiến thuật, những ngón nghề của một tay vợt lão luyện.
10 ngày trước trận chung kết, Djokovic ở vào một hoàn cảnh vừa có cả những lo lắng (cho những người yêu mến anh), vừa có cả những nghi vấn (từ những người còn lại): Nole đã không thể di chuyển trong một số thời điểm, đã phải gọi bác sĩ để chăm sóc trong trận đấu với Taylor Fritz (người Mỹ) ở vòng 3.
Djokovic dẫn trước 2 set, thua lại 2 set trong trạng thái có những dấu hiệu chấn thương ở vùng bụng, rồi quay trở lại chơi thứ tennis thần tốc và huỷ diệt trong set 5, dù anh đôi lúc vẫn thoáng hiện nét đau trên gương mặt.
Những tiết lộ sau trận đấu là một vết rách ở cơ bụng (hoặc cơ liên sườn) dài 1,7cm, đã gây nên sự đau đớn trong quá trình vận động (di chuyển) cũng như thực hiện những cú swing.
Liệu một người chấn thương có thể thi đấu với trình độ và cường độ như vậy hay không? Taylor Fritz có lẽ cũng đã tự trách mình không thể nỗ lực hơn trong set 5 để làm nên cuộc lật đổ.
Nhưng 6 năm về trước, Andy Murray cũng đã từng thất bại trong trận chung kết ở Australian Open 2015 trước một Djokovic nhiều lần quỵ xuống sau những loạt đôi công ở trong set 3 mà người chiến thắng 6-3 trong set đấu đó vẫn là Djokovic, thậm chí set 4 còn thắng sập hầm 6-0.
Sau trận chung kết ấy, tình bạn của hai tay vợt đồng niên Murray và Djokovic tan vỡ, còn Djokovic chỉ giải thích giản đơn rằng anh “có đôi lúc cảm thất kiệt sức nên muốn làm một điều gì đó, muốn có thêm một chút thời gian để tập trung trở lại”.
Đến vòng 4, Djokovic với nét mặt và một vài cử chỉ trong suốt trận đấu với máy giao bóng Milos Raonic cho thấy có vẻ anh vẫn còn đau.
Nhưng sau khi thua set 2 cũng giống như khi đánh bại Murray, Djokovic áp chế hoàn toàn trong set 3 và 4. Raonic ngoài cú giao bóng ra chẳng có gì đạt tới tầm đủ so sánh với Djokovic, lại gặp người trả giao bóng hay nhất lịch sử, đã may mắn mới không thua sập hầm.
Tới ngày hôm đó, không phải có lẽ nữa, mà chắc chắn rằng Djokovic là tay vợt thi đấu trong điều kiện chấn thương xuất sắc nhất, là người biết vượt qua những rảo cản về mặt thể chất ngoạn mục nhất, điều có lẽ nhờ vào ý chí và đặc biệt là ở cơ địa đã vốn dẻo dai lại được tôi luyện nhờ theo đuổi Yoga (cùng vợ Jelena).
Rafael Nadal cũng đã từng thi đấu trong trạng thái bị rách cơ bụng tại US Open 2009. Nadal khởi đầu giải đấu với vết rách dài 6mm, và khi vào tới bán kết thì vết rách ấy dài thành 27mm, không thể hiện được nhiều trước Del Potro (3 set cùng 2-6), người sau đó đã thắng nốt Federer để trở thành nhà vô địch.
Djokovic sau 10 ngày, với 4 trận đấu nữa, vết rách đã từ 17mm dài thêm thành 25mm như anh nói sau lần chụp MRI một ngày sau trận chung kết.
Một lịch thi đấu thuận lợi, từ việc trận bán kết chỉ phải gặp tay vợt ngoài Top 100 Aratsev cho tới việc được nghỉ nhiều hơn 1 ngày so với Medvedev đã giúp Djokovic ở trạng thái thể lực hoàn hảo.
Nhưng trên hết cả là khát vọng muốn sánh ngang và có thể vượt qua Federer và Nadal trên bảng phong thần những người giành Grand Slam nhiều nhất, Djokovic đã giải quyết mọi đối thủ với các loại thách thức khác nhau.
Tới trận tứ kết với Zverev, một máy giao bóng khác, Djokovic đã đập nát chiếc vợt khi cả hai chơi trong set 3 sau khi mỗi người thắng 1 set trước đó.
Kể từ sau cú đập vợt ấy, Djokovic không bao giờ lộ vẻ đau đớn nữa, cũng không còn nói tới những tấm vé máy bay đã đặt sẵn để trở về Monaco nữa.
Djokovic chỉ còn sự quyết tâm, sự khát khao chinh phục, đã tăng tốc trong hầu hết các cú đánh, đã không thua thêm bất cứ một set nào nữa ở cả giải đấu.
Phần còn lại, như chúng ta vẫn nói, là thuộc về lịch sử.
Melbourne là nơi mang đến danh hiệu Grand Slam đầu tiên cho Djokovic 13 năm trước. Và Melbourne chưa phải là điểm dừng lại…
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |