Djokovic thắng Federer vô địch Wimbledon: Một chương mới của lịch sử tennis

(Tin tennis) Trong tầm vóc huyền thoại của Djokovic có phẩm chất của một “quái thú” trên sân tennis để làm nên những khoảnh khắc lịch sử.

Video Djokovic hạ Federer trong loạt bóng bền ở chung kết Wimbledon:

Khi bẻ game trước nhưng rồi đánh mất lợi thế ngay sau đó và tiếp tục bị bẻ game, người ta sẽ hoảng loạn. Nhưng không phải đấy là Djokovic.

Khi đương đầu với một người chơi toàn diện, biến hóa qua mỗi đường bóng như Federer, tránh được tie-break là điều tốt nhất. Djokovic chọn ngược lại.  

Khi Federer cầm giao bóng và có match point, lại vừa có hai cú ace lẽ thường người ta nghĩ rằng đối thủ của Federer sẽ thất bại. Nhưng Djokovic sừng sững trước thử thách đó.

Djokovic quá lỳ lợm

Djokovic quá lỳ lợm

Lúc Federer chuẩn bị giao bóng 1 ở điểm match point đầu tiên, lại đứng ở ô điểm đều – vị trí mà Federer giao bóng thuận lợi với cơ địa của anh nhất; Federer cũng lại chọn đúng góc chữ T, hướng giao bóng có tốc độ bình quân nhanh nhất; Djokovic không thay đổi sắc mặt.

Hai mắt của Djokovic vốn phải đeo kính áp tròng mở to, đôi chân dang rộng vững chãi ngay sau baseline. Federer liếc mắt nhìn sang lưới, đập bóng rất nhanh rồi serve, bóng chạm lưới và lỗi. Djokovic như đứng “tựa cột” nhưng lại thắng xạ thủ.

Ở cú giao bóng 2 ngay sau đó của Federer, Djokovic thực hiện cú trả giao bóng quen thuộc cắm vào chân, Federer né trái không kịp, mặt vợt có lẽ đã muộn một chút, thể lực của một tay vợt 37 tuổi cũng đã hao hụt một chút. Djokovic đã tự cứu mình bằng kỹ năng trả giao giỏi nhất.

Tới match point thứ hai, Djokovic chỉ đủ nhanh để kê vợt trả giao bóng, nhưng cú passing thuận tay ngay sau ấy của anh cũng chất lượng như cú thuận tay bẻ game của chính Federer trước đó ít phút.

Nó chỉ nhanh hơn vài phần trăm giây so với tốc độ Federer áp lưới. Nhưng là đủ. Và sau đó Djokovic giành liền 2 điểm nữa là 4 để bẻ lại game, 8-8 trong set 5.

Đó là lần thứ 14 trong sự nghiệp của mình, Djokovic từ chỗ cứu được match point rồi sau đó chiến thắng. Và là lần thứ 3 trước riêng Federer. Hai lần trước ở bán kết US Open 2010 và 2011.

Chỉ có Federer mới có nhiều lần đối diện với match point của đối thủ, rồi sau đó lại chiến thắng, với 21 lần. Còn Nadal là 13 và Murray 11.

Nhưng với cả ngàn match point đã có qua hàng trăm tới hơn ngàn trận thắng của mỗi người trong số Big 3 + 1, Djokovic ít khi đánh rơi chiến thắng sau khi đã có match point: Chỉ 3 lần, trong khi với Federer, Nadal và Murray lần lượt là 22, 8 và 5. 

Thể lực không có nhiều ý nghĩa với vấn đề này. Các lần thua khi đã có match point của cả 4 tay vợt đều rải đều qua từng giai đoạn trong sự nghiệp của họ, từ khi còn trẻ cho tới lúc đều đã qua ngưỡng tuổi 30.

Nó là tâm lý, nó phản chiếu hoặc là kết quả của bản lĩnh, của sự lạnh lùng khi họ đứng trước các cơ hội hoặc nguy cơ.     

Đã hơn một lần chúng ta nói về sự khác biệt của tennis với những môn thể thao tính điểm khác, hoặc tennis không phải quyền Anh.

Người giành nhiều điểm hơn chưa chắc đã là người chiến thắng trong một trận tennis kịch chiến đỉnh cao. Vấn đề là giành điểm lúc then chốt. Chiến thắng ở những thời khắc quyết định.

Federer giành nhiều hơn so với Djokovic tới 14 điểm (218 so với 204), quá nhiều so với sự chênh lệch thông thường của những trận đấu kinh điển kiểu này (chung kết Wimbledon 2008 Nadal chỉ giành hơn 5 điểm, 209 - 204), vậy mà Djokovic là người chiến thắng với tỉ số 7-6 (5), 1-6, 7-6 (4), 4-6, 13-12(3).

Djokovic giành nhiều hơn Federer tới 9 điểm qua 3 loạt tiebreak (2, 3 và 4) – những điểm số này có ý nghĩa quyết định hơn so với việc Federer giành nhiều hơn tới 14 điểm chỉ riêng trong set 2 mà anh thắng 6-1.

* Sự hình thành nên “quái thú” huyền thoại

Trong loạt “đấu súng” tie-break, giao bóng hay hơn chưa chắc đã chiếm ưu thế bằng việc trả giao bóng hay trên nền tảng cú quả toàn diện.

Thực tế này được ghi nhận ở việc những chuyên gia giao bóng như Ivo Karlovic, Isner, Raonic… lại không có tỉ lệ đối đầu tốt hơn ở các loạt tie-break so với Big 3.

Suốt 8 năm qua, Djokovic được thừa nhận là số 1 thế giới ở kỹ năng này, không chỉ nắn bóng vào sân mà tấn công đối thủ trở lại ngay lập tức.

Djokovic đầy bản lĩnh trong những thời khắc quyết định

Djokovic đầy bản lĩnh trong những thời khắc quyết định

Ở giải này, hiệu suất Djokovic trả giao bóng 1 và 2 chỉ đứng sau Federer khi thống kê về số lần ăn điểm. Nhưng như trên đã nói, bản lĩnh ở thời điểm then chốt đã chi phối kết quả.

Hai trong 3 lần Djokovic cứu match point, rồi thắng Federer đều là khi Federer giao bóng (US Open 2011, Djokovic thậm chí trả giao bóng 1 ăn điểm trực tiếp).

Như vậy, yếu tố đầu tiên tạo nên một Djokovic bản lĩnh thép là kỹ năng.  

Yếu tố thứ hai là sự tập trung. Trong một trận chung kết dài nhất lịch sử Wimbledon, 4 tiếng 57 phút, tập trung trong từng giây phút là điều không thể. Thể lực ảnh hưởng tới trí lực là vấn đề không loại trừ bất cứ ai. Quan trọng là thời điểm, như đã nói ở trên.

Giây phút căng thẳng nhất trong trận chung kết ngoài những break point được tạo ra từ cả hai (và tận dụng được) thì chính là tie-break.

Việc Federer mắc 11 lỗi tự đánh hỏng còn Djokovic là 0 qua 3 loạt tie-break cho thấy tay vợt người Serbia đã đạt tới cảnh giới siêu việt.

Chi tiết hơn vào các con số thống kê của lỗi tự đánh hỏng càng thấy thêm kinh ngạc. Nếu gạt bỏ loạt tie-break, thì số lần tự đánh hỏng của Federer chủ động tấn công từ đầu chí cuối còn ít hơn so với Djokovic, 51 so với 52.

Djokovic sau trận lý giải về cách vượt qua sức ép từ các khán đài, nơi mà số đông vốn đã ủng hộ Federer lại thêm mê mẩn với những kỹ năng phô diễn trong trận đấu (mỗi cú volley như một tác phẩm), rằng anh nghe thấy khán giả hô vang Federer như thể họ gọi tên mình.

Cũng có thể Djokovic không nghe thấy gì cả, nhờ sự tu luyện thiền định qua nhiều năm, bên cạnh chế độ dinh dưỡng và tập luyện yoga để có sự dẻo dai phi phàm.

Chỉ cách sân số 3 Wimbledon chừng 200m đường chim bay là Buddhapadipa Temple, ngôi chùaPhật giáo đầu tiên của người Thái xây dựng ở nước Anh. Tiếng hò reo cổ vũ của khán giả vẫn thường vọng tới khuôn viên của nhà chùa, dù xem một trận tennis thì không thể ồn ào như coi một trận bóng đá.

Chính vì sự cổ vũ nhiệt tình của fans mà người dân Wimbledon mới yêu cầu chính quyền nơi đây không để cho các trận tennis kéo dài cho tới tối muộn như ở US Open hay Australian Open; và là một phần lý do để lần đầu tiên luật tie-break trong set 5 được áp dụng ở giải đấu có từ 1877 này.

Djokovic từng nói rằng anh vẫn tới đó ngồi thiền giữa các trận đấu.  Các nhà sư ở đó tiếp đãi Djokovic theo cách với một Phật tử quen thuộc. Djokovic mỗi lần tới đó chỉ cần cất lời chào, tự thu xếp cho mình một vị trí rồi xếp bằng.

Có lẽ, Djokovic đã có những ảnh hưởng tốt tới gia đình và ê kíp của anh. Lần đầu tiên, khu ngồi dành riêng cho họ lại không phải là nơi ồn ào nhất.   

* Một chiến thắng kinh điển

Boris Becker, HLV từng gắn bó với Djokovic có lý giải rằng, hình thành nên sự xù xì của Djokovic trước đây là ám ảnh của một người bị Federer và Nadal phủ bóng.

Djokovic có cơ hội cân bằng thành tích Grand Slam với Federer - Nadal

Djokovic có cơ hội cân bằng thành tích Grand Slam với Federer - Nadal

Djokovic trong giai đoạn có Boris Becker đã giành 6 Grand Slam và 14 Masters 1000, nhưng có lẽ HLV Marian Vajda có những dấu ấn đậm nét hơn với 10 Grand Slam, đặc biệt là Grand Slam thứ 16.

Nếu Wimbledon 2014 là khi Djokovic đạt trạng thái sung mãn về mọi mặt thì ở Wimbledon 2019 này là một Djokovic phải chia sức qua từng set để đối đầu với Federer mạnh mẽ một cách kinh ngạc, giao bóng tốt hơn, và có chiến thuật cực kỳ hợp lý.

Federer chọn cách tấn công vào trái tay của Djokovic từ cả những cú bung hết xoáy hết lực, hay những cú cắt bóng cực chìm lôi Djokovic vào trong sân.

Nhưng qua đây Djokovic lại cho thấy sự hoàn thiện tới mức không còn một chút điểm yếu nào, hóa giải nó bằng những cú giật trái vô cùng chính xác, có tới 17 điểm back-hand trực tiếp  (3 cú tiếp cận, 8 cú đôi công và 6 cú bắn lưới).

Khi Federer giao bóng tốt hơn, ace nhiều hơn, lỗi kép ít hơn, Djokovic cho thấy khả năng giao bóng hai ở những điểm quyết định là phi thường, đôi khi có tốc độ lên tới 181 km/h.

Khi Federer đứng ôm sân trả giao bóng, để thu hẹp cả góc chữ T lẫn các cú xé ra mang thì Djokovic biến hóa bằng cả những cú body serve thẳng vào người Federer ngay từ cú giao bóng 1.

Đây là sự khác biệt với thời điểm body serve của Nadal thường chỉ dùng cho bóng 2, nên Djokovic đã khiến Federer thực sự bối rối, chỉ một lần tạo ra được áp lực ngược trở lại.

Nếu trận chung kết năm 2008 giữa Nadal và Federer đã vào sách, đã lên phim với những pha bóng siêu thực đều đặn qua cả 5 set (không có set nào chênh quá 2 game), thì trận chung kết này sẽ đi vào những giáo trình huấn luyện, với một chương riêng rẽ: Làm thế nào để đánh bại đối thủ là người giỏi nhất thế giới, lại chơi một trận gần như hoàn hảo.

Djokovic đua Grand Slam với Federer - Nadal
Theo bạn, Djokovic sẽ giành được bao nhiêu Grand Slam?

Sững sờ Wimbledon: Federer thua ”tàn nhẫn” vì Djokovic ”quái chiêu”

Novak Djokovic đã làm mọi cách nhưng anh chưa bao giờ được đối xử công bằng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Novak Djokovic Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN