Dấu ấn những môn Olympic
Đứng thứ ba sau Thái Lan và Singapore, thể thao Việt Nam giành 73 HCV, vượt chỉ tiêu dự kiến 8 HCV. Đặc biệt, các môn thể thao trong hệ thống Olympic đoạt HCV chiếm đến hơn 80%
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games - khẳng định thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư trọng điểm vào một số môn cơ bản trong hệ thống Olympic sau thành công mà các môn này tạo được ở đại hội năm nay.
“Chúng tôi chưa thống kê cụ thể về tỉ lệ giành HCV của các môn thể thao Olympic trong tổng thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 2015 nhưng thống kê cơ bản cho thấy khoảng 86% hoặc 87%, còn trước đây chỉ là 60%” - ông so sánh.
Ánh Viên, một trong số ít VĐV Việt Nam được đầu tư chuyên biệt để tranh chấp huy chương ở Á vận hội và Olympic
Theo ông Phấn, thể thao Việt Nam đang chuyển hướng đầu tư, chuyển mục tiêu. Mục tiêu mới của thể thao Việt Nam bây giờ là hướng đến đấu trường Á vận hội (Asiad), Olympic. Chính vì mục tiêu này mà các môn Olympic được ngành thể thao tập trung đầu tư. Trong đó, có cả đầu tư trọng điểm lẫn đầu tư chuyên biệt, như kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên hay Quách Thị Lan (điền kinh).
Đây là những VĐV được đầu tư trọng điểm để chuẩn bị cho những mục tiêu cao hơn. Theo lãnh đạo Tổng cục TDTT, năm vừa rồi có 48 VĐV trọng điểm được đầu tư. Theo tính toán của chúng tôi thì nay, thể thao Việt Nam có khoảng 50 VĐV được đầu tư trọng điểm. Trong số 50 VĐV này, ngành lại lựa chọn ra một số VĐV để đầu tư chuyên biệt, chẳng hạn Ánh Viên.
Với mục tiêu như vậy, thời gian vừa qua, các môn thể thao Olympic được tập trung tương đối tốt. “Bên cạnh đó là những điều kiện bảo đảm ở các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia, rồi dinh dưỡng, chăm sóc y tế. Kết quả cụ thể ở môn điền kinh, đoàn Việt Nam có đến 11 HCV, 17 HCB. Đây là bước đột phá đáng kể” - ông Phấn nhận định.
Lãnh đạo Tổng cục TDTT cho biết công tác chuẩn bị lực lượng cho các đấu trường Asiad hay Olympic đã bắt đầu cách đây 3-4 năm, bởi nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì rất khó để đạt thành tích như hôm nay. Theo thống kê, đoàn thể thao Việt Nam đứng trong top 3 Đông Nam Á về số VĐV tham dự các môn Olympic và giành HCV nhiều nhất. Đó là những tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, theo ông Phấn, các đoàn khác cũng có những bước tiến rất mạnh mẽ như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia… Đây chỉ mới là những đối thủ của chúng ta ở khu vực chứ chưa phải châu Á. Thực tế, ở một số môn thi đấu nằm trong hệ thống Olympic, Việt Nam còn xếp sau những nước này. “Vì thế, chúng ta phải cố gắng đầu tư vào các môn này và quyết tâm có huy chương” - ông Phấn bày tỏ.
Thái Lan mạnh đều các môn Với 95 HCV, 83 HCB và 69 HCĐ, đoàn Thái Lan tiếp tục giữ vững vị trí số 1 trong làng thể thao Đông Nam Á. Thế mạnh của họ trải đều ở các môn. Ngay cả môn bóng bàn, Thái Lan cũng phá được thế độc tôn của Singapore - với nhiều VĐV nhập tịch gốc Trung Quốc, bằng HCV đơn nữ. Xếp sau Thái Lan là Singapore (84, 73, 102), Việt Nam (73, 53, 60)... Có 3 đoàn không đoạt HCV là Lào, Brunei và Timor Leste.T.Đ |