Bàn cờ đại, quân cờ lá trà và những ngôi sao làng cờ Việt
Không cần phải làm quen mặt sân như bóng đá hay bóng chuyền, cũng chẳng cần đến việc tập luyện thường xuyên với thiết bị như bắn súng hoặc golf, các môn cờ có ưu thế hiển nhiên với tất cả sự tao nhã, lịch lãm của riêng mình.
Dù còn khá nhiều tranh cãi về nguồn gốc của cờ tướng nhưng theo nhận định thống nhất của các nhà chuyên môn, trò chơi trí tuệ này ra đời từ thế kỷ VII trên nền tảng của Saturanga, một loại cờ cổ được phát minh ở Ấn Độ trước đó khoảng 200 năm. Saturanga sau này đi về phía Tây, cách tân để trở thành cờ vua và đi về phía Đông, biến thể thành cờ tướng.
Cờ tướng đi vào lịch sử Trung Quốc từ thời cận đại
Ban đầu là thú vui giải trí của tầng lớp vua chúa, quý tộc Trung Hoa thời Chiến quốc với tên gọi là Tượng kỳ nhưng cơ cấu quân cờ, cách thức thi đấu còn rất đơn giản, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, dần dần người ta bổ sung quân Pháo, giảm bớt số lượng quân Tốt, định rõ vai trò, nhiệm vụ của quân Sĩ, hoàn chỉnh bàn cờ với cửu cung và sông ngăn cách… Cuối thế kỷ XII sang đến đầu thế kỷ XIII, cờ tướng mới thực sự hoàn chỉnh từ bàn cờ, quân cờ cho đến các quy tắc, luật chơi.
Quân cờ tượng hình bằng đồng có niên đại hàng trăm năm
Mặc nhiên được xem là xứ sở khởi thủy của cờ tướng, Trung Quốc ra sức cổ xúy, phát triển loại hình này, trong đó, ngoài việc củng cố giai thoại về các “thánh” cờ như Trần Đoàn, ổn định chữ viết trên các quân cờ, còn có có việc cải tiến, hoàn thiện cũng như đa dạng hóa các sản phẩm cờ. Hai cựu danh thủ Lê Thiên Vị và Hoàng Đình Hồng khi dẫn dắt đội tuyển cờ tướng Việt Nam đi thi đấu ở Sơn Đông nhiều năm trước đã từng tặc lưỡi ngẩn ngơ trước bộ quân cờ làm bằng một loại bảo thạch trị giá gần 400 triệu đồng Việt Nam!
Bộ quân cờ làm bằng lá trà sắc sảo nhưng không dùng để thi đấu
Quân cờ khổng lồ đặt bên cạnh bộ cờ bình thường
Bộ cờ tướng làm bằng... chocolate do một nhà hàng danh tiếng thực hiện năm 2010
Chính từ lần ngẩn ngơ đó mà nguyên HLV trưởng Lê Thiên Vị đã cố công sưu tầm các loại bàn cờ, quân cờ tướng… qua những lần đi thi đấu ở nước ngoài. Trong căn nhà nhỏ ở quận 8 (TP HCM), ông hiện lưu giữ bộ sưu tập cờ tướng được xem lớn nhất Việt Nam với trên 200 bộ, do ông tự mua hoặc được bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài nước gửi tặng. Độc đáo nhất thì chưa dám tự nhận nhưng “Thiên hạ đệ nhất ác” Lê Thiên Vị - theo biệt danh mà đồng đạo làng cờ gán tặng khi còn thi đấu – lại sở hữu những bộ cờ có một không hai, như bộ cờ làm bằng… lá trà mà sau nhiều năm vẫn còn thoang thoảng hương thơm, hay bộ quân cờ tượng hình do cô học trò Nguyễn Hoàng Yến mua tặng, bộ quân cờ bằng đồng thau do một người hâm mộ kỳ công thực hiện và gửi biếu, riêng công thực hiện (tiện, chạm trổ) mỗi quân cờ đã có giá 70.000 đồng cách đây vài năm! Ngoài ra, một người hâm mộ cũng tặng ông bộ cờ tướng lớn nhất Việt Nam, bàn có kích cỡ 1,8m x 2m, mỗi quân cờ có đường kính 12 cm, tất cả đều được làm bằng loại gỗ quý, càng cầm càng lên nước rất đẹp. Ông cũng may mắn giữ được 2 bộ cờ được làm bằng gồm sứ mà hãng Minh Long sản xuất theo số lượng đặt hàng rất ít và chỉ làm một lần rồi thôi.
Quân cờ làm bằng gỗ trắc
Quân cờ làm bằng gỗ tre ép, không thấm nước
Bộ quân cờ được làm bằng đồng thau
Bộ quân cờ làm bằng gốm sứ Minh Long
Nhà vô địch châu Á, á quân đơn nữ thế giới Nguyễn Hoàng Yến lại đặc biệt yêu thích việc sưu tầm các bộ quân cờ hiện đại và mở hẳn một cửa hàng mua bán sản phẩm cờ ở Q.5, cung cấp theo yêu cầu của người hâm mộ, từ bộ cờ bằng nhựa do hãng Quảng Thành Lợi sản xuất phục vụ người mới chơi cờ, cho đến các bộ cờ cao cấp được sản xuất bằng gỗ mun, gỗ trắc hay mới nhất là bộ quân cờ bằng pha lê (có nơi làm bằng nhựa trong), có khắc chìm hình ảnh 3D theo tên gọi từng quân cờ… Cô cho biết, giá cả các loại sản phẩm này dao động từ vài chục nghìn đồng cho đến 3 hoặc 4 triệu đồng, chủ yếu hàng nhập về từ Trung Quốc. Riêng bàn cờ đa phần được sản xuất trong nước, làm hoàn toàn bằng thủ công theo đơn đặt hàng, bảo đảm tính độc đáo và cả nguồn gốc “độc bản”.
Bộ bàn và quân cờ "Hán Sở tranh bá" có in hình chạm 3D
Hình vị Tướng khắc chìm bên trong quân Tướng
Bộ cờ tướng làm bằng hai loại ngọc men xanh và trắng, được cho là thuộc về vua Tự Đức